• Zalo

Chuyên gia: Sau đề cử trọng tài viên, Việt Nam có thể có thẩm phán theo UNCLOS

Tin tức Biển ĐôngThứ Năm, 10/09/2020 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam đề cử danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982 là bước đi tích cực, cần thiết trong cuộc chiến pháp lý.

Đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền biển đảo trên Biển Đông thông qua các tiến trình pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) đang là bước đi được các bên liên quan trong khu vực ưu tiên thực hiện. Việt Nam cũng đang thúc đẩy tiến trình này một cách chắc chắn và đầy đủ. 

Mới đây, Việt Nam đã đề cử danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982. Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao bước đi này của Việt Nam.

Chuyên gia: Sau đề cử trọng tài viên, Việt Nam có thể có thẩm phán theo UNCLOS - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chụp ảnh chung cùng các chuyên gia được đề cử vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982.  (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)

Bước đi cần thiết

Chia sẻ với VTC News, Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) nhận định, đây là bước đi cho thấy Việt Nam dần hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp lý nhằm đối phó với mưu lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Phụ lục V, Điều 2 của UNCLOS cho phép các quốc gia đề cử 4 hòa giải viên và Phụ lục VII, Điều 2 của luật cũng cho phép các nước đề cử 4 trọng tài viên. Vì vậy, đây là quyền của các quốc gia đã ký kết và phê chuẩn UNCLOS.

Tôi đánh giá cao bước đầu tiên của Việt Nam để củng cố sự hiện diện của quốc gia trong lĩnh vực pháp lý. Sự đóng góp về mặt pháp lý này là rất quan trọng để nâng cao uy tín của Việt Nam trên thế giới và là nền tảng để Việt Nam hướng đến các mục tiêu như đề cử các thẩm phán cho ITLOS, ICJ hoặc PCA”, Tiến sĩ Hosoda Takashi cho hay.

Theo ông Hosoda Takashi: "Đây là bước quan trọng, cần thiết để chống lại “Tam chiến pháp” (thuyết “Ba cuộc chiến”) mà Trung Quốc đã vạch ra, gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Để bảo đảm chủ quyền và lợi ích quốc gia, Việt Nam nên áp dụng chiến tranh đối xứng, chống lại cách tiếp cận của Bắc Kinh với các biện pháp tương tự”.

Nhận định về vấn đề này, ông Gregory Poling - Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, thông qua việc đề cử, Việt Nam muốn thể hiện cam kết với UNCLOS. Đồng thời, ông Gregory Poling cũng cho rằng đây là tín hiệu ngầm Việt Nam muốn gửi đến Trung Quốc trong việc tính đến khả năng hòa giải bắt buộc.

“Đề cử của Việt Nam cho thấy cam kết của Việt Nam với UNCLOS, song cũng là tín hiệu ngầm gửi đến Trung Quốc về khả năng hòa giải bắt buộc. Các hòa giải viên được Việt Nam đề cử là những nhà hoạch định chính sách quan trọng trong khi các trọng tài viên là những bộ óc pháp lý hàng đầu, trong đó có cả chuyên gia nước ngoài Bob Beckman”, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á nói.

Chuyên gia: Sau đề cử trọng tài viên, Việt Nam có thể có thẩm phán theo UNCLOS - 2

anh 3.jpg

Đây là động thái tích cực của Việt Nam và là bước đi quan trọng, cần thiết để chống lại “Tam chiến pháp” (thuyết “Ba cuộc chiến”) mà Trung Quốc đã vạch ra, gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.

Tiến sĩ Hosoda Takashi

Nâng cao năng lực pháp lý

Theo chuyên gia Hosoda Takashi, tăng cường đấu tranh pháp lý cũng như “các quy tắc của luật pháp” là rất quan trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện tại có xu hướng phớt lờ các thỏa thuận, hiệp ước hoặc quy tắc quốc tế không có lợi cho nước này dù cho Bắc Kinh Quốc sử dụng hệ thống luật pháp quốc tế sau Thế chiến II và các quy tắc vì lợi ích quốc gia.

“Trung Quốc bác phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, trong đó tòa PCA phủ nhận hoàn toàn tính hợp pháp lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã dễ dàng chấm dứt thỏa thuận song phương rất quan trọng với Anh về địa vị của Hong Kong với cam kết ‘một nhà nước, hai chế độ’.

Chúng ta cần luật pháp và quy tắc quốc tế để duy trì sự ổn định, hòa bình và đối xử công bằng, nhưng chúng ta cũng cần nhận ra giới hạn của luật pháp quốc tế. Bắc Kinh chỉ tin vào ‘quyền lực cứng’ (quân sự và kinh tế) thay vì quyền lực mềm. Do đó, không chỉ cần tăng cường năng lực pháp lý mà còn cả khả năng răn đe quân sự vì sự ổn định của khu vực”, ông Hosoda Takashi nói.

Chuyên gia Gregory Poling cho rằng, việc các nước có tranh chấp ở khu vực đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý chống lại Trung Quốc là tín hiệu tích cực, cho thấy tính thượng tôn của pháp luật. Song khó có sức nặng với quốc gia có dã tâm như Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng gây áp lực buộc các bên tranh chấp Đông Nam Á từ bỏ chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam và các bên tranh chấp khác sẽ cố gắng theo đuổi các giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, hiện tại không có động cơ để Bắc Kinh thỏa hiệp vì họ đang giành được mọi thứ họ muốn. Câu hỏi thực sự là liệu Mỹ có thể tạo ra sức ép, đủ để Trung Quốc quyết định thỏa hiệp với các nước láng giềng hay không”, ông Gregory  Poling phân tích.

Theo chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trọng tài viên và hòa giải viên từ trước đến nay vẫn được mặc định là các luật sư đến từ châu Âu và phương Tây, song việc ngày càng nhiều hơn vai trò của luật gia châu Á cho thấy tính độc lập và hòa nhập của các nước châu Á.

“Việc ngày càng nhiều hơn vai trò của luật gia châu Á ở các tổ chức luật quốc tế là một lợi thế, giúp khẳng định tính độc lập và hòa nhập của các nước châu Á. Trong vụ kiện 2016, Trung Quốc cho rằng nước này gặp bất lợi vì có quá nhiều người châu Âu trong tòa PCA có thành kiến với Bắc Kinh, mặc dù chủ tọa của tòa trọng tài là người châu Phi”, ông Gregory Poling nói.

Chuyên gia: Sau đề cử trọng tài viên, Việt Nam có thể có thẩm phán theo UNCLOS - 3

Tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Hosoda Takashi cũng cho rằng, tại các tổ chức pháp lý quốc tế, nhiều thẩm phán châu Á cũng đóng vai trò quan trọng. Tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) phân bổ 5 trong tổng số 21 thẩm phán cho châu Á đến từ 5 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Trong trường hợp của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc có vị trí thẩm phán trong tổng số 15 vị trí thẩm phán.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đề cử một thẩm phán của ITLOS, ICJ hoặc PCA làm trọng tài viên quốc gia và hòa giải viên cho danh sách của Liên hợp quốc. Vì vậy, ảnh hưởng của họ trong các tổ chức này là rất lớn. Theo ông Hosoda Takashi, Việt Nam nên đặt mục tiêu trung hạn là đề cử thẩm phán cho các tổ chức quốc tế này.

“Trong bối cảnh Bắc Kinh đã đầu tư bồi dưỡng các luật sư quốc tế ưu tú để bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại các tổ chức quốc tế như Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS), Tòa án công lý quốc tế (ICJ), hay Tòa án thường trực (PCA), Việt Nam cần nâng cao năng lực các luật sư tương lai nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia”, ông Hosoda Takashi nhận định.

Kiện hay không kiện?

Bình luận về việc đề cử trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS có phải là bước đi đầu tiên để Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc về những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Tiến sĩ Hosoda Takashi cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về điều này.

“Hiện tại vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Trong tương lai, sẽ rất khó để Trung Quốc chấp nhận các khuyến nghị hoặc biện pháp hòa giải do các trọng tài viên hoặc hòa giải viên Việt Nam đưa ra thành thủ tục hòa giải bắt buộc", Tiến sĩ Hosoda Takashi nói.

Trong khi đó, ông Gregory Poling cho rằng, động thái này của Việt Nam có thể là sự chuẩn bị cho khả năng khởi kiện Trung Quốc song đây sẽ là biện pháp cuối cùng của Việt Nam.

“Tôi nghĩ việc Việt Nam chuẩn bị cho việc khởi kiện Trung Quốc về những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là có thể, tuy nhiên, đây vẫn là phương sách cuối cùng của Việt Nam”, ông Gregory Poling cho biết.

Đồng quan điểm với hai chuyên gia quốc tế, trao đổi với VTC News, chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu Biển Đông (đến từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, còn quá sớm để nói về khả năng này.

“Việc đề cử, giới thiệu những nhân vật có khả năng tham gia vào cơ quan UNCLOS 1982 không có nhiều liên quan đến việc khổi kiện hay không khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bởi vì việc khởi kiện lên cơ quan tòa án quốc tế có người Việt Nam trong đó đi chăng nữa cũng sẽ phải tiến hành theo thủ tục quy định. Tại thời điểm này, Việt Nam có khởi kiện Trung Quốc thì chỉ có thể khởi kiện theo cách Philippines từng làm năm 2016 là đưa ra Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA), mà cơ quan tòa án này thì Việt Nam chỉ được quyền đề cử một trọng tài viên đại diện.

Việc Việt Nam kiện Trung Quốc hay không thì còn phụ thuộc vào việc lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có chấp nhận kiện hay chưa. Bởi vì Việt Nam còn cần phải căn cứ vào lợi ích chiến lược, chính trị, đối nội và đối ngoại… sau đó mới có thể xem xét khởi kiện”, chuyên gia Biển Đông phân tích.

Ngày 27/7, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao Quyết định cho các chuyên gia được đề cử vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Theo danh sách này, Việt Nam đề cử 4 hòa giải viên, bao gồm ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại sứ Huỳnh Minh Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Các trọng tài viên được đề cử bao gồm PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại giao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao; TS. Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, thành viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế và PGS. Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn