Lập trường rõ ràng của Mỹ về Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 ra thông cáo bác hàng loạt yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, khẳng định sẽ sát cánh cùng các nước Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và bảo vệ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở vùng biển này.
Nhận định về động thái mới đây của Mỹ, chia sẻ với với VTC News, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore) cho rằng tuyên bố này không hoàn toàn mới, mà đơn thuần là “một sự biểu hiện rõ ràng hơn” về lập trường của chính quyền Mỹ.
"Điểm mới ở đây là Mỹ quyết định bước ra khỏi bóng tối của sự mơ hồ để phản đối trực tiếp các yêu sách của Trung Quốc theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài. Đây là lần đầu tiên Washington công khai đứng về phía các bên có tranh chấp ở Biển Đông chống lại yêu sách của Trung Quốc", ông Collin nói.
Theo đó, trong tuyên bố hôm 13/7, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.
Washington cũng nhấn mạnh Bắc Kinh không thể khẳng định một cách hợp pháp các yêu sách hàng hải của mình, kể cả các yêu sách về bất cứ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào bắt nguồn từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa. Đặc biệt là liên quan đến các khu vực mà Tòa Trọng tài phán quyết là vùng EEZ của Philippines hoặc thuộc thềm lục địa của Philippines.
Trả lời VTC News, GS-TS James Kraska, chuyên gia luật hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng, tuyên bố trên rất cụ thể khi đề cập tới một số khía cạnh quan trọng của phán quyết của Tòa trọng tài, trích dẫn các khu vực mà theo ông dường như nằm trong Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines.
Theo đó, Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Washington tiếp tục tăng cường chính sách của mình tại khu vực này.
Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.
Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của viện nghiên cứu Rand Corporation (có trụ sở tại Washington, Mỹ) Derek Grossman, quan điểm truyền thống của Mỹ là không đồng tình với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên 90% Biển Đông, nhưng Washington không chính thức đưa ra lập trường thông qua những tuyên bố riêng biệt.
Do đó, ông Grossman tin rằng bước đi mới đây của Mỹ là "cú chuyển mình" so với các chính sách trước đây của Mỹ.
Nguy cơ tiềm ẩn trên Biển Đông
Trả lời với VTC News, chuyên gia Collin nhận định rằng, sẽ rất khó để nói tình hình của Biển Đông sẽ thay đổi cụ thể ra sao sau tuyên bố của Mỹ, song nguy cơ leo thang căng thẳng là rất cao.
"Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ không chỉ chống lại mà có thể sẽ thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Điều này tạo ra lo ngại về nguy cơ xảy ra va chạm trên biển và leo thang căng thẳng giữa 2 bên", ông Collin cho hay.
Trong khi đó, ông Daniel Markey, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng, tuyên bố của Mỹ có thể là để đáp trả các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc gần đây khắp châu Á, bao gồm Biển Đông, Hong Kong và khu vực biên giới với Ấn Độ.
"Mục đích chủ yếu là để khu vực, bao gồm cả Bắc Kinh biết được rằng Mỹ sẽ không bị phân tâm bởi đại dịch tới mức họ không nhận ra và phản ứng trước các hành động "gặm nhấm" của Trung Quốc", ông Markey phân tích.
Tuy nhiên, ông Markey tin rằng Mỹ và Trung Quốc dù leo thang căng thẳng sau tuyên bố này cũng sẽ không dẫn tới nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Ông Greg Polling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) đánh giá tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo “rất quan trọng”, nhưng Washington cần có thêm hành động để hạn chế các chính sách bành trường của Trung Quốc.
“Đây phải là bước đi đầu tiên trong một chiến dịch dài hạn nhằm nhấn mạnh các hành vi phi pháp của Trung Quốc và ủng hộ các đối tác của Mỹ”, ông Polling phân tích.
Trước đây, chính sách của Mỹ lưu ý tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua hòa giải quốc tế.
Tuy nhiên, hôm 13/7, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế nằm ngoài phạm vi 12 hải lý kéo dài từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng, Trung Quốc không thể yêu cầu quyền chiếm hữu đối với các vùng lãnh thổ như bãi ngầm san hô James Shoal, chỉ cách Malaysia 80 km, nhưng cách bờ biển Trung Quốc gần 1.852 km.
“Đây là lần đầu tiên Mỹ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông là phi pháp. Nhưng tuyên bố là chuyện, quan trọng là Mỹ sẽ làm gì với tuyên bố đó”, Chris Johnson, nhà phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Bình luận