Tại Hội nghị đối thoại của tỉnh Khánh Hòa với doanh nghiệp (lần 2 năm 2018), mới đây với sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp (DN) cùng đại diện của các sở ban ngành được dư luận quan tâm khi nhiều ý kiến đưa ra cho thấy còn nhiều trường hợp DN kiến nghị nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Trong đó, “nóng” lên lĩnh vực phát triển du lịch, đặc biệt liên quan đến sự ngưng trệ trong thủ tục xây dựng, đầu tư dự án.
Theo phản ánh của một số DN việc thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã quản lý "cứng nhắc" làm cho hoạt động đầu tư của DN bị ngưng trệ. Cụ thể, gần đây chính quyền tỉnh này đã ban hành công văn 12143 ngày 27/11 yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phải kiểm tra tất cả các dự án đầu tư du lịch, nếu có thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn, thay đổi cổ đông... mà thuộc diện dự án chậm tiến độ thì phải lấy ý kiến các ngành liên quan, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến.
Về vấn đề này, trả lời báo chí GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, việc tăng cường kiểm soát chuyển nhượng các dự án bất động sản du lịch là cần thiết, nhưng phải phù hợp với đời sống kinh doanh và không nên cứng nhắc làm cho hoạt động đầu tư du lịch ở các địa phương bị ngưng trệ."Việc ban hành các quy định hay các văn bản chỉ đạo nội bộ của chính quyền cần phải nhìn và hiểu nhiều mặt khác nữa của thực tiễn, chứ không phải chỉ nhìn riêng về điều luật.
Thực tế hiện nay, vì có các dự án chậm tiến độ nên mới nảy sinh nhà đầu tư mới mua lại để tái cơ cấu. Riêng cái này, chúng ta phải ủng hộ doanh nghiệp. Thậm chí, có những DN đã được cơ cấu lại, tăng vốn, có vốn mới mà chứng minh được năng lực triển khai dự án thì cho phép được nộp phạt và triển khai tiếp", GS Đăng Hùng Võ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua việc quản lý đầu tư cho bất động sản du lịch ở các "điểm nóng" như Khánh Hòa đang còn nhiều bấp cập, các nhà đầu tư có ý kiến nhiều nhất.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, chủ đầu tư các dự án hầu hết là pháp nhân doanh nghiệp không phải cá nhân. "Luật Doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp tăng vốn, cho phép thay đổi người đại diện, sang nhượng cổ phần...
Vì vậy, chỉ nên quy định như khoản b của điều 2 thực hiện khoanh đối tượng dự án là các dự án có vi phạm quy định pháp luật", ông Nam nói. Theo ông Nam, các địa phương phát triển bất động sản du lịch với tốc độ nhanh như Khánh Hòa thì chính quyền cần phải có chính sách chung thống nhất để giải phóng môi trường đầu tư, không để bị đình trệ, gián đoạn.
"Việc ra các văn bản mang tính nội bộ cũng phải thống nhất với quy định chung tránh tình trạng giấy phép con dồn sức ép lên doanh nghiệp trong thủ tục hành chính, trong khi thủ tục hành chính cần được thông thoáng hơn để khuyến khích nhà đầu tư”, vị này phân tích.
Trước đó, tại buổi đối thoại với DN, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh cũng thừa nhận hiện nay, giữa quy định và thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp nên gây khó khăn cho DN. Đối với các vấn đề liên quan đến mặt bằng, hạ tầng cụm công nghiệp và thanh tra DN, những vướng mắc chậm được giải quyết, lãnh đạo tỉnh này đề nghị các sở liên quan phải tiếp thu và trả lời cho DN, chậm nhất hết quý I/2019 phải xử lý dứt điểm.
Đề cập về văn bản số 12143/UBND-KGVX của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây ban hành về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh mà một số DN cho rằng cứng nhắc, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh này cho biết, công văn trên là chỉ đạo điều hành bình thường của UBND tỉnh.
“Việc kiểm tra, lấy ý kiến các ngành liên quan đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định đầu tư, chứ tỉnh không đưa ra bất cứ quy định nào để cho rằng hạn chế quyền của DN hay cấm DN ”, vị cán bộ lý giải.
Theo văn bản số 12143/UBND-KGVX của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây ban hành về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn, đáng chú ý việc yêu cầu ngăn ngừa chuyển nhượng những dự án BĐS du lịch không đúng quy đinh.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Kế hoạch- Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.
Ngoài ra, trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, yêu cầu Sở này phải kiểm tra lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.
>>> Đọc thêm: Bất động sản năm 2019: Cung có theo kịp cầu?
Bình luận