- Lần đầu tiên dưới thời HLV Park Hang Seo, Việt Nam mất quyền tự quyết trước lượt đấu cuối vòng bảng ở một giải chính thức. Điều này ảnh hưởng như nào tới tâm lý cầu thủ?
Ông Nguyễn Sỹ Hiển: Trước tiên, tôi xin khẳng định là tinh thần toàn đội hiện rất tốt. Qua ban huấn luyện, tôi biết các cầu thủ đều quyết tâm và lạc quan trước trận gặp Triều Tiên. Thứ hai, những khó khăn gặp phải ở U23 châu Á 2020 đã được HLV Park Hang Seo cùng ban huấn luyện lường trước. Dựa trên chất lượng, điểm rơi phong độ và thể lực cầu thủ, đội biết mình sẽ không có một vòng bảng dễ dàng.
Tâm lý cầu thủ trước trận gặp Triều Tiên là điều được nhiều người quan tâm lúc này, bởi nỗi lo về việc UAE hòa có bàn thắng với Jordan - kết quả khiến Việt Nam dừng bước. Tuy nhiên, tôi lại yên tâm ở điểm này vì HLV Park luôn chủ trương giải quyết từng trận một. Xuyên suốt các giải đấu lớn trong hơn hai năm qua, phương châm ấy được ông quán triệt tới học trò. Chúng ta sẽ bước vào cuộc đấu với Triều Tiên với một suy nghĩ duy nhất, đó là đánh bại đối thủ này.
Khác với đội tuyển quốc gia, nơi tập trung những cầu thủ tốt nhất cả nước và có tâm lý thi đấu ổn định, thành tích của các đội trẻ, kể cả U23, có tính thời kỳ. Ở giải năm nay, nhiều nền bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Iran, Qatar đã dừng bước. Nói vậy để thấy rằng Việt Nam không thể dựa vào tấm HC bạc ở Thường Châu để tự tin rằng mình sẽ tiếp tục gặt hái thành công trên đất Thái Lan.
Tôi thích suy nghĩ thực dụng trước trận gặp Triều Tiên hơn. Hãy AQ một chút theo hướng, là nếu chẳng may chơi không tốt, chúng ta có nguy cơ rơi xuống đáy bảng D khi hết giải. Đừng bận tâm tới việc UAE và Jordan sẽ chơi như nào. Mỗi cầu thủ cần tự nhắc bản thân, rằng phải hạ Triều Tiên để có năm điểm khi kết thúc vòng bảng.
Dù vị trí chung cuộc có thế nào, Việt Nam vẫn có quyền tự hào bởi chừng đó điểm là ngang với đội đầu bảng A Australia, và hơn ba đội nhì bảng A, B, C.
- Là một trong hai đội chưa ghi bàn nào ở U23 châu Á, Việt Nam cần làm gì để hoàn thành mục tiêu đánh bại Triều Tiên?
Tôi cho rằng không có đội yếu ở giải năm nay. Trung Quốc, Nhật Bản, dù bị loại trước lượt trận cuối, vẫn chơi một trận ra trò. Chính bởi quyết tâm này mà hai đối thủ của họ là Iran và Qatar đều không có vé đi tiếp. Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Lối chơi tạt cánh đánh đầu của họ có vẻ cũ kỹ nhưng tiềm ẩn nguy hiểm, bởi Triều Tiên thừa thể lực và quyết tâm, nhất là vào cuối trận.
Không riêng gì Triều Tiên, Việt Nam muốn vượt qua bất cứ đối thủ nào, trước hết chúng ta cần là chính mình. Dưới thời HLV Park Hang Seo, Việt Nam chơi có bản sắc, triết lý rõ ràng. Không thể vì nôn nóng kiếm ba điểm mà các cầu thủ từ bỏ bí quyết thành công đã theo họ hai năm qua, đó là phòng ngự chắc chắn và phản công sắc bén.
Điểm lợi của Việt Nam trận này là tâm lý không có gì để mất của Triều Tiên. Đối thủ đã bị loại, và sẽ như Trung Quốc, Nhật Bản, họ muốn chơi một trận cống hiến, thậm chí dồn dập tấn công từ phút đầu. Khi nhận định như vậy, ban huấn luyện sẽ có những phương án phù hợp để khai thác khoảng trống sau lưng họ. Nếu kịch bản trận đấu diễn ra như thế, Việt Nam có cơ hội chiến thắng. Cũng không loại trừ khả năng, nếu chúng ta có bàn mở tỷ số sớm, sức ép sẽ bị trả ngược về phía UAE và Jordan.
- Ông trông chờ vào sự điều chỉnh nhân sự nào ở trận gặp Triều Tiên?
Thông thường, khi một đội muốn ghi bàn, họ sẽ tăng cường cầu thủ tấn công. Trong trường hợp của Việt Nam, tôi thấy những cái tên như Trọng Hùng, Việt Hưng, Thái Quý... được nhắc đến. Đó đều là những tiền vệ kỹ thuật, có thể mang tới đột biến cho chúng ta nếu ra sân tối nay.
Nhưng cá nhân tôi chờ đợi sự trở lại của Đình Trọng. Trong hai trận đầu tiên gặp UAE và Jordan, trung vệ Hà Nội vào sân từ ghế dự bị do chưa đạt 100% thể lực. Chất lượng phòng ngự của Việt Nam trước và sau khi Đình Trọng xuất hiện khác hẳn. Chúng ta chơi chắc chắn, kín kẽ hơn, và không còn để những pha bóng đánh vỗ mặt xuất hiện. Quan trọng hơn, các cầu thủ ở hàng phòng ngự có cảm giác tự tin hơn khi Đình Trọng thi đấu.
Tôi có đọc một thống kê trên Opta, rằng khối đội hình của Việt Nam ở hai trận đã đấu nằm ở vị quá thấp. Điều ấy mang tới hai hiệu ứng tiêu cực.
Thứ nhất, các cầu thủ tấn công phải nhận bóng cách rất xa khung thành đối phương, trong khi Việt Nam lúc này không có những cầu thủ biết đột phá như Công Phượng, Văn Đức trước đây. Thứ hai, các tiền đạo không thể duy trì sự tập trung cho nhiệm vụ săn bàn, bởi nỗi lo phòng thủ canh cánh. Nhiều lần tôi thấy Đức Chinh và Tiến Linh phải lùi về sát cấm địa để hỗ trợ đồng đội. Những điều ấy sẽ không còn nếu Đình Trọng đá chính.
Bình luận