Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU), Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có nhiều điểm mới bảo vệ rất tốt quyền lợi cho người mua nhà.
Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư phải công bố thông tin rõ ràng trước khi đưa những bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh. Việc này giúp người mua được tiếp cận thông tin minh bạch, không bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn sử dụng không đúng mục đích.
Quy định giảm tiền đặt cọc tối đa 5% và số tiền thu tối đa đã bao gồm tiền đặt cọc là 50% giá trị hợp đồng sẽ giúp nhà đầu tư giảm áp lực tài chính, giảm thiệt hại nếu có rủi ro xảy ra, chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính và năng lực triển khai để đưa dự án về đích thì mới thu được tiền. Điều này cũng giúp thị trường bất động sản thanh lọc bớt các chủ đầu tư yếu kém, nâng cao tính chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 cũng có nhiều quy định mới để kiểm soát hoạt động mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, như: yêu cầu chủ đầu tư phải giải chấp (nếu có thế chấp dự án, nhà ở hình thành trong tương lai) trước khi giao dịch kinh doanh với khách hàng hoặc trước khi huy động vốn…
"Điều này giúp cho người mua yên tâm, không lo việc chủ đầu tư không trả được nợ ngân hàng thì ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm là dự án, ngây thiệt hại cho khách hàng mua sản phẩm từ dự án", ông Huy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, quy định yêu cầu phát triển nhà ở và không được phân lô, bán nền tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III cũng sẽ giúp giảm thiểu việc lừa đảo mà người mua phần lớn là nạn nhân như trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc PropertyGuru Việt Nam khu vực miền Nam nhận định, sau ngày 1/8, 3 bộ luật lớn liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai cùng lúc có hiệu lực thực thi, tác động rất lớn và liên quan đến nhiều đối tượng tham gia thị trường.
Đối với những người muốn mua căn hộ hay đất nền xây nhà để phục vụ nhu cầu ở thực, ông Tuấn cho rằng đều nên mua sau 1/8.
Ông Tuấn đánh giá, nhìn chung các quy định vừa được điều chỉnh từ 3 luật này đang nghiêng về bảo vệ toàn diện hơn các quyền lợi của người mua nhà.
Đơn cử, quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai khi đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình.
"Những điều này đảm bảo cho người mua nhà không bị lạm thu, thoát khỏi rủi ro chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng trước khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết", ông Tuấn đánh giá.
Ngoài ra, với Luật Nhà ở (sửa đổi), các chủ đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính mạnh hơn, năng lực hoàn thiện pháp lý và triển khai dự án tốt hơn, thông qua đó sẽ giúp bảo vệ lợi ích của khách hàng.
Quy định siết chặt việc chủ đầu tư không được phân lô, bán nền mà phải tập trung vào đầu tư tạo lập nhà ở, công trình trên đất thay vì chỉ đầu tư hạ tầng và "bán lúa non", qua đó giúp người mua đất nền tránh được tình trạng mua xong rồi không xây nhà ở được.
"Trên đây chỉ là một trong số ít các quyền lợi mà người mua bất động sản được đảm bảo tốt hơn trong các bộ luật mới", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận