• Zalo

Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học: Giết người hàng loạt do văn hoá ứng xử xuống cấp

Thời sựThứ Bảy, 15/08/2015 07:54:00 +07:00Google News

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ thảm án giết người hàng loạt là sự xuống cấp của văn hóa ứng xử giữa con người với nhau.

(VTC News) – Sự xuống cấp của văn hóa ứng xử giữa con người với nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ thảm án giết người hàng loạt.

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 3 vụ án giết người nghiêm trọng khiến 14 người trong 3 gia đình bị giết hại. Không chỉ việc các nghi phạm gây án còn rất trẻ, các vụ thảm án giết người hàng loạt này đều có đặc điểm chung là đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất bình thường, thậm chí là nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Cụ thể, trong vụ án ở Bình Phước, nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (cùng sinh năm 1991) đã xuống tay giết 6 người bắt nguồn từ việc Dương bị con gái chủ nhà nói lời chia tay. Vi Văn Mằn (sinh năm 1995) giết 4 người tại Nghệ An cũng chỉ khởi nguồn từ việc vào nhà nạn nhân để hái trộm chanh. Trong khi đó, vì tranh cãi chuyện dẫn nước vào ruộng, nghi can Đặng Văn Hùng (sinh năm 1989) cũng xuống tay sát hại 4 người tại Yên Bái.
 Đặng Văn Hùng - nghi phạm giết hại 4 người ở Yên Bái.
Vậy tại sao chỉ vì những lý do nhỏ nhặt mà những thanh niên còn rất trẻ đã nhẫn tâm giết hại hàng loạt người vô tội như vậy? Liệu những vụ thảm án như vậy có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới hay không?...

Liên quan đến vấn đề này, VTC News đã phỏng vấn Trung tá, TS. Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Báo động về văn hóa ứng xử

- Các vụ án mà thủ phạm giết nhiều người cùng một lúc đang xảy ra ngàng càng nhiều và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo bà, đâu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến các vụ thảm sát này?

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng qua theo dõi các vụ án, chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân sát sườn trong đời sống xã hội.

Trước hết, qua các vụ trọng án giết người xảy ra vừa qua, đặc biệt là các vụ án xảy ra ở Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái, có thể thấy, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, chỉ vì lý do không đáng có mà người ta đã giết hại nhau. Đó là điều báo động về văn hóa, cách ứng xử giữa con người với nhau đang xuống cấp nghiêm trọng.

Văn hóa ứng xử chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ thảm án đau lòng này.

Các đối tượng gây án ở đây còn là biểu hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách đạo đức. Có thể thấy, các nghi phạm gây ra 3 vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái đều còn rất trẻ, hầu hết đều không có công ăn việc làm ổn định, học thức hạn chế.

Các em còn có thể không được giáo dục, quản lý tốt ngay từ gia đình. Có em thiên về cuộc sống vật chất, thích đua đòi, muốn hưởng thụ vật chất nhưng lại lười lao động. Từ đó mà nảy sinh ý định giết người, cướp của. 
Lực lượng công an đang tích cực truy bắt Đặng Văn Hùng.
Ngoài ra, những trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực đầy cảnh chết chóc… cũng dần dần tiêm nhiễm và là lý do không nhỏ khiến nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sống có sự lệch lạc về nhân cách, hành vi.

Có thể nói, chính yếu tố nhận thức hạn chế, thiếu rèn luyện nhân cách, cộng với việc không được giáo dục về kỹ năng, văn hóa ứng xử giữa con người với con người… đã khiến một số người dần biến thành những con thú dữ. Họ đã gây ra các vụ thảm sát với phương thức dã man.

- Như bà nói thì nguyên nhân các hung thủ giết người là do họ có học thức  hạn chế. Tuy nhiên, thực tế nhiều đối tượng giết người lại có học thức cao. Ngay như đối tượng Nguyễn Hải Dương – một trong 2 nghi phạm sát hại 6 người ở Bình Phước, cũng là người có trình độ đại học. Vậy tại sao những đối tượng học thức cao này lại ra tay độc ác như vậy?

Người học cao chưa chắc đã có trình độ văn hóa cao. Không phải học đến cấp độ nào đó là có văn hóa. Văn hóa ở đây không chỉ là trình độ học vấn mà còn là vấn đề đạo đức, là cách ứng xử, giao tiếp, đối đãi với gia đình và mọi người trong xã hội

Trong các vụ án ở Bình Phước, Nghệ An và ở Yên Bái, nguyên nhân một phần còn có thể xuất phát từ kỹ năng ứng xử của chính nạn nhân. Khi nảy sinh mâu thuẫn nhỏ, chính nạn nhân đã không ứng xử hợp lý. Điều đó vô tình đã kích động, đánh thức bản tính máu lạnh trong con người hung thủ, từ đó chúng đã ra tay dã man.

Lo ngại thảm án giết người sẽ còn xảy ra

- Các vụ án hung thủ giết nhiều người một lúc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi hoang mang. Nhiều người lo ngại những vụ trọng án tương tự còn chưa chấm dứt. Quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?

Chúng ta đều mong muốn những điều tốt đẹp luôn tồn tại trong xã hội. Mỗi khi có một mâu thuẫn xảy ra, chúng ta đều mong hậu quả của nó là ở mức thấp nhất.

Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương khi được đưa tới dựng lại hiện trường vụ giết 6 người ở Bình Phước.
Với góc độ người nghiên cứu, chúng tôi cũng chỉ mong muốn một kết cục tốt đẹp, không dám nghĩ đến những vụ việc đau lòng. Nhưng thực tế thì điều đó đã xảy ra và có thể chưa phải là những vụ án cuối cùng.

Xã hội phát triển, nhu cầu con người tăng, áp lực vật chất tăng… Từ đó nhiều vấn đề mới đang phát sinh và sẽ xuất hiện mâu thuẫn. Tôi không dám tiên đoán trước, nhưng rất sợ là các vụ trọng án như vậy sẽ xảy ra nữa.

- Vậy theo bà, có cách nào để chúng ta có thể ngăn chặn loại tội phạm máu lạnh như vậy trước khi chúng gây tội ác hay không?

Pháp luật chúng ta rất chú trọng tới vấn đề phòng ngừa chứ không chỉ là chống tội phạm. Nhưng đó là câu chuyện lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành, của mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn mầm mống gây ra những vụ trọng án, đặc biệt là các vụ thảm sát như đã nói ở trên thì những việc chúng ta có thể làm ngay bây giờ là tăng cường công tác quản lý các đối tượng từng có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có biểu hiện hư hỏng. Nếu quản lý tốt các đối tượng này thì có thể hạn chế nguy cơ phát sinh tội phạm.

Ví dụ, trong vụ án xảy ra ở Yên Bái mới đây, theo báo chí đưa tin thì trước đó nghi phạm từng có biểu hiện hay gây gổ đánh nhau với người khác. Nếu kịp thời phát hiện, quản lý tốt thì có thể đối tượng đã không có cơ hội ra tay độc ác như vậy.
Vi Văn Mằn - kẻ xuống tay giết 4 người ở Nghệ An. Ảnh: Vietnamnet
Sau khi tiến hành khởi tố, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa các vụ án này ra xét xử trong thời gian sớm nhất theo thủ tục rút gọn. Áp dụng hình thức xét xử lưu động đối với các vụ án này.

Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các đối tượng gây án. Điều này vừa để trấn an dư luận, đồng thời cảnh báo, răn đe những đối tượng đang có ý định phạm tội, để chúng sợ hãi mà từ bỏ hành vi tội ác dã man.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng sống, kiến thức pháp luật cho người dân, nhất là cho giới trẻ. Như đã nói, trong cùng một tình huống, nếu người có kinh nghiệm, có hiểu biết sẽ có cách ứng xử thỏa đáng. Ngược lại, có thể dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật đang là một trong những điểm yếu của giáo dục chúng ta hiện nay.

Ngoài ra, một số gia đình cần thay đổi cách thức quan tâm, giáo dục đối với con trẻ. Không quá nuông chiều, không tạo cho con thói quen thích hưởng thụ, lười lao động. Việc giáo dục nhân cách, kỹ năng ứng xử cho con người ngay từ nhỏ của gia đình, nhà trường… là đặc biệt quan trọng.

Chúng ta cũng phải quản lý chặt chẽ, xóa bỏ những nguồn game, phim ảnh bạo lực, có nội dung không lành mạnh vốn được coi là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm hiện nay.

- Xin cảm ơn bà!

Minh Quyết(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn