(VTC News) - 'Một bộ phận những người có tư tưởng bảo thủ ở Mỹ đang cố tình gia tăng căng thẳng với nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân và dường như đang ‘vô tư’ đẩy thế giới đến bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân', cựu cố vấn chính sách ngoại giao của Mỹ William R. Polk cảnh báo.
Washington dường đang dần quay lại một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh với Matxcơva liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mà quên đi một điều rằng Nga vẫn đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân ‘ngang ngửa’ Mỹ và có thể triển khai bất cứ lúc nào.
Giáo sư Polk đưa ra nhận định trong bài viết đăng tải trên trang Consortiumnews.com, ‘Các quyết định về vũ khí hạt nhân đang và sẽ vẫn là phần quan trọng nhất trong vấn đề an ninh thế giới'.
Hình ảnh bom hạt nhân B61 |
'Vì chỉ cần sai sót nhỏ hay hành động không đúng nào cũng sẽ có thể gây tai hoạ. Giờ đây, chúng ta dường như đang tiến gần hơn đến nguy hiểm bằng việc khiêu khích sử dụng vũ khí hạt nhân’.
Theo cựu cố vấn chính sách ngoại giao của Mỹ, người từng làm việc trong hội đồng Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ thời kỳ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự đối đầu kéo dài 13 ngày giữa Mỹ và Liên Xô, khi tương lai của thế giới đang ở thế cân bằng, từng là thử thách khủng khiếp cho cả hai bên.
‘Tôi vẫn nhớ thời điểm kinh hoàng đó, may mắn là nó chỉ diễn ra trong vài phút. Khi đó, tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc. Sau khi tôi gặp gỡ những người đồng cấp Liên Xô, tôi nhận ra rằng không phải chỉ mình tôi có cái cảm giác đó’, ông Polk nói thêm.
Ông Polk nhấn mạnh, bên cạnh đó, những sai sót về kỹ thuật cũng có thể làm tình hình thêm khó khăn đồng thời nhắc đến vụ máy bay Mỹ từng đánh rơi quả bom hạt nhân ngay trên đất nước này. Tuy nhiên, do lỗi kỹ thuật nên quả bom không phát nổ.
Trữ lượng đầu đạn hạt nhân của các quốc gia trên thế giới |
‘Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara từng nhân định, trong nhiều năm Mỹ đã có ít nhất 500 quả tên lửa được trang bị vũ khí hạt nhân ‘luôn trong tình trạng sẵn sàng’ ở Châu Âu.
Nếu nhân số tên lửa đó với số tháng, các vùng ảnh hưởng trên một khu vực rộng cộng với việc tiếp tục thay đổi nhân sự, thì rõ ràng kể cả những hệ thống điều khiển và chỉ huy tốt nhất cũng trở nên yếu kém’, giáo sư Polk nói.
Trữ lượng đầu đạn hạt nhân của các quốc gia trên thế giới bắt đầu gia tăng kể từ khi cuộc chạy đua hạt nhân bắt đầu cách dây 60 năm.
Trang mạng rbth.com dẫn nguồn Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 15.850 đầu đạn hạt nhân.
Các quốc gia sở hữu hệ thống nguy hiểm này bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Trong số đó, có khoảng 1.800 đầu đạn nằm trong tình trạng cảnh báo cao.
Minh Lý (Theo Sputnik)
Bình luận