• Zalo

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc âm mưu biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp

Thế giớiChủ Nhật, 06/10/2019 09:26:00 +07:00Google News

Theo nhà nghiên cứu James Borton, hành động của Trung Quốc đi ngược lại mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà các nước đang theo đuổi.

Dù “Tứ Sa” đóng vai trò chiến lược trong tham vọng Biển Đông của Trung Quốc nhưng xét về khía cạnh pháp lý, nó cũng không có giá trị gì giống như cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra”. Đó là nhận định của ông James Borton, tác giả, nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông hiện đang được mời cộng tác tại Trung tâm Khoa học Ngoại giao Đại học Tufts (Hoa Kỳ); và cũng là người đang thực hiện cuốn sách “Những thông điệp từ Biển Đông”. Theo nhà nghiên cứu James Borton, Trung Quốc cũng đang “đánh lận con đen” với ý đồ biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam, thành vùng tranh chấp”.

vov_jam_mcan

Nhà nghiên cứu James Borton.

Theo học giả này, hành động của Trung Quốc đi ngược lại với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà các nước đang theo đuổi.

Cạnh tranh giữa Trung Quốc và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã diễn ra từ lâu và ngày càng trở nên căng thẳng. Đó là bởi đây là khu vực giàu tài nguyên năng lượng khoáng sản và trữ lượng khí đốt rất lớn. Chính vì thế, Trung Quốc luôn muốn khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, thực chất để phô trương sức mạnh nhưng một mặt cũng nhằm tới những tính toán khác.

Tôi đã nhiều lần trao đổi với các thuyền trưởng và các thuyền viên tàu cá của Việt Nam trong những năm gần đây và họ đều nói rằng, Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một ngư trường giàu tài nguyên và Trung Quốc chắc chắn muốn giành lấy nguồn tài nguyên này để đảm bảo an ninh lương thực của họ”, nhà nghiên cứu độc lập James Borton phân tích.

Chính vì thế, việc Trung Quốc vi phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 không phải nhằm củng cố những tuyên bố phi lý của họ như 'chủ quyền lịch sử' hay 'đường 9 đoạn' bao trùm khắp Biển Đông mà chỉ để phục vụ cho sự phát triển sức mạnh của Trung Quốc trong thời gian gần đây”, chuyên gia James Borton khẳng định.

Ngoài các mục đích này, theo nhà nghiên cứu James Borton, việc điều nhóm tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam còn nhằm hiện thực hóa chiến lược Tứ Sa mà Trung Quốc đưa ra năm 2017.

Trung Quốc có tham vọng biến 80% diện tích Biển Đông thành ao hồ của riêng mình, thể hiện rõ trong bản đồ “đường lưỡi bò” được đính kèm trong một Công hàm của nước này gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm 2009.

Tuy nhiên, không một cường quốc nào, không có bất cứ một tổ chức luật pháp quốc tế có uy tín nào công nhận yêu sách vùng biển rộng tới 2.000.000 km2 ở Biển Đông của Trung Quốc vì nó vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Marvin Ott, Giáo sư trường Đại học Johns Hopkins khẳng định, Trung Quốc biết rõ yêu sách này trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại. “Nhận ra điều này hơn ai hết, họ đưa ra tuyên bố chủ quyền nhưng không thể cung cấp được những bằng chứng hợp pháp, những cơ sở để bảo vệ cái họ tuyên bố.”

Ý đồ “biến vùng không tranh chấp, thành vùng có tranh chấp”

Trung Quốc không muốn lùi bước, quyết độc chiếm Biển Đông. Bắc Kinh ý thức được rằng, để phù hợp với Luật Biển, yêu sách đó phải được thiết lập dựa trên UNCLOS. Tuy nhiên, hầu hết các bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam đều không nổi lúc thủy triều lên trong tình trạng tự nhiên của nó, không đáp ứng được định nghĩa về “đảo” theo Điều 121 của UNCLOS.

Chính vì thế, Trung Quốc “hết lần này, đến lần khác” đưa ra yêu sách lịch sử để đòi cái gọi là chủ quyền của họ trên Biển Đông. Sau khi đưa ra cái gọi là “Bản đồ đường 9 đoạn” bị cộng đồng quốc tế phản đối, năm 2017, Trung Quốc lại đưa ra cái gọi là “Tứ Sa” hòng hiện thực hóa âm mưu của mình.

Cái mà Trung Quốc gọi là “Tứ Sa” thực chất là các quần đảo Pratas, Trường Sa, Hoàng Sa và Bãi Macclesfield. Dù “Tứ Sa” đóng vai trò chiến lược trong tham vọng Biển Đông của Trung Quốc nhưng xét về khía cạnh pháp lý, theo nhà nghiên cứu James Borton, nó cũng không có giá trị gì giống như cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra. Chuyên gia Mỹ nhận định việc Trung Quốc điều tàu đến các đảo mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên Biển Đông thực chất là một cách để họ “lấy lại thể diện” sau thất bại trong vụ Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo này.

Hành động của Trung Quốc đi ngược lại với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà các nước đang theo đuổi. “Việc Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương 8 vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam còn được cho là một hành động mang tính thách thức về mặt pháp lý đối với quyền, chủ quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS. Sự nguy hiểm của hành động này chính là, dù Việt Nam đã khai thác khu vực thuộc chủ quyền của mình từ hàng chục năm qua, Trung Quốc vẫn tìm cách biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp, “đánh lận trắng thành đen” tạo sóng căng thẳng về địa- chính trị trong khu vực”, nhà nghiên cứu độc lập James Borton nói.

Theo nhà nghiên cứu James Borton, việc Trung Quốc liên tục đưa nhóm tàu Hải Dương 8 còn một mục đích nữa đó là ngăn cản các hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Việt Nam. Theo ông Borton, sự xuất hiện của tàu cẩu Lam Kình- thuộc sở hữu của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc- là nhằm gửi một thông điệp chính trị quan trọng: “Trung Quốc vẫn đang kiểm soát Biển Đông” bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Rõ ràng hành vi của Trung Quốc là bất chấp các quy định của UNCLOS và các chuẩn mực quốc tế. Và ASEAN cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để ngăn cản các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc có 'một đại chiến lược' đối với Biển Đông. Họ muốn hoàn toàn kiểm soát khu vực này. Tôi tin rằng, các nước ASEAN sẽ cùng đoàn kết và hợp tác với các cường quốc về biển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn chiến lược “đầy mạo hiểm” này của phía Trung Quốc”, ông James Borton nói. 

Trung Quốc đang tham gia vào một “kịch bản không thực tế” khi họ muốn đối đầu với Hải quân các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh và Australia. Những nước này sẵn sàng làm mọi cách để đảm bảo duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Chính vì thế, có thể khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình.

Cũng theo nhà nghiên cứu James Borton, Việt Nam nên cùng các nước ASEAN và các đối tác khác là Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ khuyến khích Trung Quốc cùng thực thi Bộ Quy tắc ứng xử cho Những đụng độ bất ngờ trên Biển (CUES). Đây chính là cách thức hết thức hiệu quả để hạn chế tối đa những thách thức về an ninh mà Trung Quốc gây ra trong khu vực.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn