Ngày 29/8, Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 từ một khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng, nhiều ý kiến cảnh báo những vụ thử nghiệm tương tự như vậy chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin ngày 30/8, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gọi đây là “bước đầu tiên của chiến dịch quân sự của quân đội nhân dân Triều Tiên tại Thái Bình Dương và màn mở đầu cho Guam”.
Carl Baker, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington DC. đã lý giải tại sao Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa và những mục tiêu mà nước này đặt ra khi thử tên lửa.
Đầu tiên, theo ông vụ thử tên lửa này chứng tỏ khả năng phóng một tên lửa có khả năng với tới Guam của Triều Tiên. Tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 29/8 đã di chuyển được quãng được 2.700 km và đi qua lãnh thổ Nhật Bản.
Quãng đường này chỉ ngắn hơn 500 km so với khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới Guam và quãng đường tối đa mà tên lửa này có khả năng bay được là 4.000 km. Theo chuyên gia Carl Baker, Triều Tiên đã khéo léo chọn quãng đường bay cho tên lửa để tránh các cáo buộc tên lửa của nước này nhắm vào Guam.
Thứ hai, vụ phóng tên lửa nãy chứng tỏ Bình Nhưỡng tỏ ra tin tưởng vào độ tin cậy của tên lửa Hwasong-12 và hệ thống dẫn đường của tên lửa này. Tầng thứ nhất của tên lửa rơi xuống vùng biển Nhật Bản và tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương với khoảng cách tương tự từ Triều Tiên đến Guam.
Video: Triều Tiên tung video vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản
Thứ ba, vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên có thể coi là hành động gửi thông điệp bác bỏ hoàn toàn quan điểm của tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Bình Nhưỡng đang sợ hãi trước thông điệp “lửa và cơn thịnh nộ” của ông.
Cuối cùng, Triều Tiên chứng tỏ sự tin tưởng cao độ rằng các quốc gia khác sẽ cố gắng ngăn Mỹ thực hiện bất cứ hành động phòng ngừa nào. Theo chuyên gia Carl Baker, bên cạnh việc kiểm tra các đặc tính kỹ thuật của tên lửa, vụ phóng thử tên lửa ngày 29/8 cũng có những tính toán về mặt quan hệ quốc tế.
Chuyên gia Carl Baker nhận định, vụ thử tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên nhằm mục đích gia tăng căng thẳng ở khu vực bán đảo Triều Tiên, từ đó làm gia tăng bất đồng giữa nhiều quốc gia có liên quan, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Mặc dù có khó có thể dự đoán hậu quả dài hạn của vụ thử tên lửa mà Triều Tiên thực hiện ngày 29/8, song về ngắn hạn thì vụ thử tên lửa này sẽ gây ra bất đồng giữa các quốc gia kể trên xét trên phương diện phản ứng của họ đối với vụ phóng tên lửa, chuyên gia Carl Baker kết luận.
Bình luận