Với 2 thử nghiệm phóng tên lửa trong vòng 3 ngày (26-29/8), Triều Tiên lại một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi vụ phóng tên lửa ngày 29/8 là mối đe dọa “nghiêm trọng và nguy hiểm nhất” từ trước đến nay với nước Nhật. Chính quyền Nhật thậm chí phải cảnh báo người dân vùng phía Bắc tìm nơi trú ẩn ngay trong buổi sáng 29/8.
Trước đó, sau hơn 3 tuần kể từ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ca ngợi sự “kiềm chế” của Triều Tiên và gợi ý “có lẽ chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy con đường tiến đến đối thoại trong tương lai không xa”. Tổng thống Donald Trump thì nói rằng lãnh đạo Kim Jong-un “cuối cùng thì cũng tôn trọng chúng ta”.
Tuy nhiên, theo The Guardian, thử nghiệm tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên đã đập tan hi vọng về tiến trình đi tới đối thoại của Washington và Bình Nhưỡng. Thử nghiệm lần này được thực hiện với một tên lửa tầm trung, được cho là Hwasong-12 đã phát triển. Tên lửa đã bay qua vùng lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương, cách nơi phóng khoảng 2.700 km.
Video: Triều Tiên tung video phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản
Vào thời điểm Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng tấn công đảo Guam và sẽ quan sát thêm động thái của người Mỹ, các chuyên gia về Triều Tiên đã cảnh báo có thể giới cầm quyền Mỹ đang hiểu lầm rằng những đe dọa của Tổng thống Donald Trump đã khiến Bình Nhưỡng lùi bước trong việc tiến hành thêm các thử nghiệm vũ khí, bao gồm cả kế hoạch tấn công đảo Guam như đã định.
“Họ có thể sẽ trở nên hung hăng hơn,” Kelsey Davenport, giám đốc chương trình chính sách không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói. “Bình Nhưỡng có thể vẫn nhắm đến tên lửa tấn công vùng gần đảo Guam như đã lên kế hoạch.”
“Thời điểm là rất quan trọng. Mỹ và Hàn Quốc đang triển khai tập trận và Nhật vừa đặt ra các biện pháp trừng phạt đơn phương, trong khi Bình Nhưỡng luôn luôn dùng khiêu khích đáp trả lại khiêu khích”.
Bà nói thêm: “Điều này cho thấy những phát ngôn đe dọa của Tổng thống Donald Trump đã không khiến Bình Nhưỡng lùi bước, nhưng Triều Tiên vẫn thể hiện dấu hiệu cho thấy họ có thể mở cửa đàm phán. Họ đã nói sẽ không sẵn sàng đàm phán về chương trình hạt nhân trong khi Mỹ vẫn tham gia vào một ‘chính sách thù địch’. Triều Tiên không nói là sẽ không bao giờ đối thoại.”
Suzanne DiMaggio, một chuyên gia tại Quỹ Nước Mỹ Mới thì cho rằng hiện tại, Triều Tiên đang đánh giá các phương án của mình để tìm ra con đường tốt nhất. “Tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng tham gia đàm phán một khi họ cảm thấy mình có thể tham gia với một vị thế có sức mạnh”.
Từng tham gia tổ chức cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa chính quyền Trump và các đại diện chính phủ Triều Tiên ở Oslo vào tháng 5/2017, DiMaggio nói thêm: “Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể sẽ phải chứng kiến một thử nghiệm phóng tên lửa khác, thậm chí là một thử nghiệm hạt nhân khác trong những tuần và tháng sắp tới”.
Bình luận