• Zalo

Chuyên gia: Mở trạm thu phí, người ta đã quên mất vai trò của dân

Thời sựThứ Ba, 15/08/2017 08:02:00 +07:00 Google News

Chuyên gia chuyên nghiên cứu BOT cho rằng, trong quá trình mở ra một trạm BOT các nhà quản lý đã quên mất đi vai trò của người dân.

Video: Tài xế đưa cọc tiền 200 đồng cho nhân viên tự rút tại trạm BOT Cai Lậy

 

Thời gian gần đây, việc người điều khiển ô tôđem tiền lẻ để phản đối, gây khó dễ cho các trạm thu phí (BOT) xuất hiện ngày một nhiều.

Tình trạng này xuất hiện đầu tiên tại trạm thu phí Bến Thủy (Vinh, Nghệ An) vào ngày 3/2/2016. Hàng chục người dân đưa ô tô, xe tải chặn đường, dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí Bến Thủy khiến giao thông tắc nghẽn hàng cây số.

Sự việc kéo dài trong 5 ngày, sau đó Bộ giao thông vận tải đã có văn bản giảm 50% giá vé qua trạm thu phí này.

a1

Người dân mang tiền lẻ đến mua vé để phản đối trạm thu phí Bến Thủy. 

Tuy nhiên vụ việc vẫn chưa dừng lại, người dân vẫn mang ô tô và tiền lẻ để phản đối, gây khó dễ cho BOT Bến Thủy vì cho rằng mức giảm như vậy vẫn chưa hợp lý. Chỉ đến khi Bộ giao thông vận tải quyết định miễn phí 100% vé qua trạm thu phí cho người dân địa phương, tình trạng này mới chấm dứt.

Không lâu sau, chiêu thức dùng tiền lẻ mua vé qua trạm cũng được cánh tài xế áp dụng ở trạm thu phí Cầu Rác (Hà Tĩnh) và trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình).

Và mới đây nhất, tình trạng này đang xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đỉnh điểm nhất là vào chiều qua (13/8), khoảng 50 tài xế ô tô rủ nhau dùng tiền lẻ qua trạm, mua heo quay đến cúng khiến trạm thu phí Cai Lậy hỗn loạn, buộc chủ đầu tư phải xả trạm để điều tiết giao thông.

Có thể thấy, các vụ việc trên đều có điểm chung là người dân dùng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí bởi họ cho rằng mức phí họ phải nộp là quá cao và không hợp lý.

Tình trạng này xuất hiện ngày một nhiều đang khiến nhiều người lo ngại phải chăng việc dùng tiền lẻ để phản đối các trạm thu phí là một trào lưu đang được người dân thay nhau áp dụng.

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica, người chuyên nghiên cứu về BOT khẳng định, nguyên nhân sâu xa của việc dân mang tiền lẻ phản đối trạm BOT là do khi đầu tư một dự án BOT cần phải được sự đồng ý từ 3 bên, một là nhà nước hai là doanh nghiệp và cuối cùng là người dân.

Thế nhưng trong quá trình mở ra một trạm BOT người ta quên mất đi vai trò của người dân. Cuối cùng đã khiến dân bức xúc dẫn đến việc phản đối bằng tiền lẻ.

“Người dân có quyền phản đối, phản ứng về sự vô lý tại các trạm BOT, tuy nhiên việc dùng tiền lẻ đã đi quá đà, không phù hợp. Chính quyền cần sớm vào cuộc vì nếu sự việc lên đến đỉnh điểm thì rất khó để giải quyết, cần phải làm rõ những cái đúng cái sai của người dân để cho họ hiểu.

Phải nhận định rằng, trong những lần xảy ra vụ việc này chính quyền vào cuộc còn rất chậm chạp”, ông Đức cho biết.

Vị Tiến sĩ này khẳng định hệ thống BOT ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều bất cập, chủ trương thì đúng nhưng thực hiện thì sai.

“Rõ ràng ở nhiều tuyến đường hiện nay, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ tiền ra sửa chữa, không phải làm mới nhưng vẫn trắng trợn lập trạm BOT để thu phí của người dân.

Như thế thì dân phản ứng là đúng, không có luật nào quy định sửa đường mà được phép lập trạm BOT để thu phí. Đây là cái bất cập rất lớn hiện nay nhưng vẫn chưa được giải quyết được.

Cá nhân tôi cho rằng, hoạt động các trạm BOT hiện này đang có sự dính líu của lợi ích nhóm. Điều này thể hiện ở việc nhiều nhà thầu không đủ điều kiện vẫn được đầu tư xây dựng BOT, rồi đến việc số báo cáo doanh thu của một số trạm thu phí đều là con số ảo, không đúng với thực tế.

Bao giờ còn những bất cập này thì việc dân dùng tiền lẻ để phản đối sẽ còn diễn ra”, ông Dũng khẳng định.

TS Đức phân tích thời gian thu phí, mức phí sẽ dựa trên tổng mức đầu tư dự kiến. Dựa trên tổng mức đầu tư ấy thì Bộ Tài chính sẽ dựa vào đó và quyết định mức thu phí.

“Tổng mức đầu tư chia cho mức thu phí thì sẽ ra thời gian thu phí”, TS Đức lý giải.

Nhưng vấn đề ở chỗ tổng mức đầu tư đó về nguyên tắc phải do một cơ quan hoàn toàn độc lập đề ra dựa trên nghiên cứu khả thi. Từ trước năm 2016, có một thực tế là nghiên cứu khả thi lại do chính nhà đầu tư thuê để làm.

"Nhà đầu tư bỏ tiền nên họ có thể uốn bằng nhiều cách. Một trong những cách hay được sử dụng đó là tính lưu lượng xe. Lưu lượng xe có thể chỉ tính 2-3 lần sau đó chọn con số tốt nhất để suy ra. Ngay từ đầu đã không minh bạch", TS Đức lý giải thêm.

Vì vậy, ông Đức đề nghị phải có các cơ quan nghiên cứu độc lập để cùng tham gia vào quá trình lập dự án.

"Nếu chúng ta có một đơn vị tư vấn độc lập nghiên cứu ngay từ đầu thì sẽ tính toán tổng mức đầu tư chính xác hơn. Chính tổng mức đầu tư lên cao như vậy nên dẫn tới việc thời gian thu phí quá dài. Các dự án BOT của chúng ta quyết toán rất chậm, thúc lên thúc xuống mà quyết toán vẫn chưa xong. Rõ ràng, như vậy người ta đang cố gắng mập mờ", vị chuyên gia này kiến nghị.

thu_phi_1-1030250

Người dân bỏ tiền lẻ trong chai nhựa mua vé để phản đối trạm thu phí Cai Lậy. 

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc dùng tiền lẻ phản đối các trạm thu phí đang ngày một gia tăng, đặt ra nhiều vấn đề khó lường. 

“Nhìn nhận vào thực tế chúng ta thấy được rằng, vấn đề dùng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí đang ngày một gia tăng. Việc làm này đã gây ảnh hưởng đến giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trị an, là việc làm tiêu cực. Tôi cho rằng đây là việc không nên làm.

Không những thế, hiện nay trên mạng xã hội đang có xu hướng lập các nhóm, trang để cổ động việc người dân mang tiền lẻ đi phản đối các trạm thu phí.  Đây là tiền lệ không tốt, là một trào lưu nguy hiểm cho xã hội.

Cơ quan chức năng cần phải kiểm tra, xem xét xử lý nghiêm. Ngoài ra cần kiểm tra xem liệu có sự kích động của các thế lực bên ngoài hay không”, ông Liên chia sẻ.

Video: Dân Thái Nguyên mang ô tô diễu hành phản đối trạm thu phí

Nhận xét hành vi của người dân khi dùng tiền lẻ để phản đối trạm BOT là sai, tuy nhiên ông Liên chỉ ra rằng, việc làm của người dân xuất phát từ những điều bất hợp lý của hoạt động BOT hiện nay.

“Mặc dù gần đầy có một số tín hiệu đáng mừng, là việc dỡ bỏ một số trạm thu phí, giảm giá vé một số nơi, giải quyết thỏa đáng cho người dân ở một số địa phương gần trạm thu phí.

Tuy nhiên, điều thấy rõ ở Việt Nam là số lượng trạm BOT quá nhiều, trong số đó không ít trạm được xây dựng bất hợp lý, nhiều trạm thu giá vé quá cao.

Đáng lẽ ra theo quy định cứ 70km mới có một trạm thu phí, nhưng ở Việt Nam cứ cách 30km đã có một trạm BOT. Đấy là chưa kể nhiều trạm BOT xây dựng không hợp lý, hoạt động không minh bạch.

Thêm vào đó, sự phản ứng của người dân đối với những BOT cũng xuất phát từ việc cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải cùng chính quyền địa phương chưa vào cuộc giải quyết một cách dứt điểm những kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp", ông Liên nói.

oooolll 3

Ông Liên cho rằng, việc người dân liên tiếp dùng tiền lẻ để phản đối BOT đang trở thành một trào lưu nguy hiểm cho xã hội. 

"Vừa qua tôi thấy sau khi quốc hội có ý kiến, các đoàn thanh tra đã kiểm tra và phát hiện ra những cái bất cập trong việc thu phí BOT. Tuy nhiên, trong tình thế nguy cấp như vậy sự vào cuộc của chính quyền, của Bộ Giao thông vận tải lại rất chậm chạp”, ông Liên nhấn mạnh.

Ngọc Thắng
Bình luận
vtcnews.vn