Cựu tiền vệ tuyển Nhật Bản Toshiya Fujita nhận xét: "Mẫu tiền đạo như Công Phượng ở Nhật Bản không có nhiều". Bốn năm trước, Phượng thất bại trong lần xuất ngoại khi chơi cho Mito Hollyhock. Lúc này, mọi chuyện có lẽ đã khác.
- Ông đã theo dõi trận đấu giữa Nhật Bản và Việt Nam tại tứ kết Asian Cup 2019, vậy ông đánh giá thế nào về Công Phượng?
Cậu ấy có khả năng rê dắt rất tốt. Tình huống chân sút này một mình quấy phá hàng thủ Nhật Bản trong hiệp 1 cho thấy điều đó. Ngoài ra, Công Phượng lúc này chạy chỗ thông minh hơn.
Tôi nhớ ở trận gặp Jordan, tiền đạo này có bàn thắng đẹp nhờ biết cách di chuyển.
- Công Phượng từng thất bại ở J.League, vậy theo ông, đâu là lý do?
Thời điểm Phượng sang Nhật, trời đã vào mùa đông. Với những cầu thủ không quen với điều kiện thời tiết này, khó để cậu ấy thích nghi trong môi trường mới.
Đó chưa kể tư duy chơi bóng của cầu thủ này không hợp với HLV, khi ấy thích sử dụng lối chơi bóng dài và cả chế độ sinh hoạt.
- Vậy liệu thất bại đó có tạo ra áp lực cho Công Phượng, nếu được trao cơ hội sang Nhật thi đấu lần nữa?
Tôi không cho rằng Phượng sẽ sợ hãi. Đời cầu thủ có mấy lần được xuất ngoại đâu, vì vậy anh ấy nên chấp nhận thử thách. Mỗi lần chuyển tới môi trường mới sẽ mang đến cho Công Phượng kinh nghiệm quý giá.
Để nâng tầm đẳng cấp, tôi cho rằng tiền đạo sinh năm 1995 nên tiếp tục sang Nhật.
- Theo ông, Công Phượng cần làm gì để tìm được chỗ đứng ở J.League?
Đầu tiên, hãy nói về lợi thế của Công Phượng. Cậu ấy đã có 1 năm thi đấu ở Nhật Bản, do đó quen với môi trường và văn hóa chơi bóng tại đây. Để tìm được chỗ đứng, Phượng cần ghi bàn nhiều hoặc thể hiện khả năng kiến tạo. Dĩ nhiên, tiền đạo này sẽ phải nỗ lực nhiều.
Không dễ để một cầu thủ Đông Nam Á tìm được chỗ đứng ở Nhật Bản, tuy nhiên tôi tin Phượng sẽ làm được điều đó.
- Ông từng đề cập đến vấn đề Công Phượng không phù hợp với triết lý HLV, dẫn đến thất bại?
Đúng vậy. Tôi nghĩ Công Phượng phù hợp khi được đứng trong đội hình đá ban bật nhỏ. Những đội sử dụng lối chơi bóng dài không phù hợp với Công Phượng.
Tiền đạo này có khả năng rê dắt tốt, mà trong bóng đá, mẫu cầu thủ như chân sút sinh năm 1995 được dành để tạo ra sự đột biến.
- Mẫu tiền đạo như Công Phượng ở J.League có nhiều không, thưa ông?
Không có nhiều. Nếu HLV biết phát huy sở trường của Công Phượng, đội bóng đó sẽ sở hữu thứ vũ khí lợi hại. Trong trường hợp đội nhà gặp bế tắc, một pha đột phá như Phượng từng thể hiện trong trận gặp Nhật Bản, sẽ trở thành bước ngoặt định đoạt trận đấu.
- Sau cùng, ông có lời khuyên nào để bóng đá Việt Nam có thể phát triển, từ đó sản sinh ra nhiều lứa cầu thủ xuất sắc?
Câu trả lời rất đơn giản: Hãy đầu tư cho cầu thủ trẻ nhiều hơn. Ngoài ra, giải vô địch quốc gia phải có sự cạnh tranh và mang tính chuyên nghiệp cao. Những cầu thủ như Công Phượng càng được cọ xát nhiều, lại càng tiến bộ. Như vậy, đội tuyển Việt Nam mới mạnh hơn trong tương lai.
Bình luận