• Zalo

Chuyên gia Liên hợp quốc: Myanmar có thể trở thành nước 'siêu lây nhiễm'

Thời sự quốc tếThứ Năm, 29/07/2021 10:02:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Myanmar cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành một quốc gia "siêu lây nhiễm" COVID-19.

Quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc sau chính biến quân sự đầu tháng 2. Chương trình tiêm chủng của Myanmar trong khi đó bị đình trệ, hệ thống xét nghiệm sụp đổ và các bệnh viện chính phủ gần như không hoạt động.

Chuyên gia Liên hợp quốc: Myanmar có thể trở thành nước 'siêu lây nhiễm'  - 1

Người dân xếp hàng chờ lấy bình oxy. (Ảnh: AP)

Các bác sĩ, những người đi đầu trong cuộc đình công phản đối quân đội và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước, cố gắng điều trị bí mật cho bệnh nhân trong khi lo ngại về tình trạng bạo lực và nguy cơ bị bắt giữ.

Theo Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, 4.629 người đã chết vì COVID-19 ở nước này từ ngày 1/6. Các số liệu dù vậy vẫn bị cho là đánh giá chưa đầy đủ.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/7 đã thông báo rằng 10 lò hỏa táng mới sẽ được xây dựng tại các nghĩa trang ở Yangon, thành phố lớn nhất ở Myanmar.

Tình trạng thiếu oxy, thiết bị y tế và thuốc men nghiêm trọng diễn ra ở các thành phố trên khắp Myanmar. Bên ngoài nhà, người dân treo cờ vàng và trắng để báo hiệu rằng họ cần thực phẩm hoặc thuốc men, trong khi mạng xã hội tràn ngập những lời cầu cứu và thông báo về những người qua đời.

Báo cáo viên Tom Andrews cho biết các chính phủ quốc tế, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng, nếu không họ sẽ thấy một đợt bùng phát không kiểm soát được ở biên giới, để lại hậu quả khó lường.

Chuyên gia Liên hợp quốc: Myanmar có thể trở thành nước 'siêu lây nhiễm'  - 2

Cách ly ở Myanmar. (Ảnh: Reuters)

“Myanmar đang trở thành nơi siêu lây lan COVID-19 với những biến thể rất độc hại như Delta và các dạng khác của bệnh, (các dạng) cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ dễ gây chết người, cực kỳ dễ lây lan… Điều này rất, rất nguy hiểm vì mọi lý do”, Andrews nói.

Vào tháng 2, hội đồng bảo an đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở tất cả các bang đang xảy ra xung đột ở Myanmar, để các nhân viên y tế có thể cung cấp vaccine COVID-19 một cách an toàn. Andrews nói rằng nghị quyết bây giờ nên được tái khẳng định, liên quan đến cuộc khủng hoảng Myanmar. Điều này có thể giúp mở đường cho các cơ quan quốc tế hỗ trợ nhiều hơn.

Andrews cho biết nhu cầu hành động quốc tế là cấp thiết hơn bao giờ hết, khi: "Người dân Myanmar đang rất hy vọng rằng cộng đồng quốc tế đang quan tâm đến những gì đang xảy ra".

Phương Anh(Nguồn: The Guardian )
Bình luận
vtcnews.vn