Tối 10/1, Sở Y tế Hà Nội công bố thành phố ghi nhận 2.832 ca mắc mới. Như vậy, trong 9 ngày liên tiếp, Hà Nội vượt ngưỡng 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày và thường xuyên đứng đầu cả nước về số ca nhiễm.
Hàng tuần, UBND Hà Nội ra thông báo về cấp độ dịch. Các quận, huyện, thị xã sẽ dựa vào cấp độ dịch trên địa bàn để điều chỉnh các biện pháp hành chính phòng, chống dịch. Trong đó, người dân đặc biệt quan tâm đến việc dừng hoặc cho phép nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ.
Trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: "Hà Nội nên thay đổi cách chống dịch. Chúng ta không thể đi theo cách phòng chống dịch như vậy vì càng cấm thì người ta càng mở chui. Cấm ăn uống ở hàng quán thì người ta ăn uống, tụ tập ở nhà. Điều đó sẽ càng nguy hiểm hơn. Quan trọng nhất của việc ngăn chặn virus xâm nhập là thực hiện giãn cách chứ không phải cứ cấm mãi gây bức xúc cho người dân".
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, nếu kéo dài việc cấm các cơ sở kinh doanh đồ ăn uống bán hàng tại chỗ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh.
Người dân cần phải kiếm sống, cần phải kinh doanh và nhu cầu ăn uống là nhu cầu thiết yếu. Nếu cứ cấm các cơ sở kinh doanh đồ ăn, uống bán hàng tại chỗ sẽ đồng nghĩa với tỷ lệ rất lớn các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Như vậy Hà Nội không đạt được mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.
Hà Nội nên tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia vào chống dịch, để người dân có thói quen phòng ngừa, chứ không phải cấm để người ta tìm cách chống đối.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng
Thay vào đó, vị chuyên gia này cho rằng Hà Nội nên tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia vào chống dịch, để người dân có thói quen phòng ngừa, chứ không phải cấm để người ta tìm cách chống đối. "Quan trọng là phòng ngừa hành vi cá nhân chứ không nên áp dụng phương pháp hành chính", ông Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng chỉ ra rằng, Hà Nội chưa thích ứng tốt với công tác phòng dịch. Theo ông, căn bản nhất không phải là vấn đề số ca mắc bao nhiêu mà phải là lo cho người bị bệnh tốt như thế nào, cứu chữa họ thế nào để giảm tỷ lệ tử vong và người dân bớt lo lắng về tình trạng chữa trị nếu không may nhiễm.
"Hà Nội vẫn tổ chức cho người dân đi cách ly tại các trạm y tế quá nhiều. Điều này vô lý và gây bức xúc rất lớn cho người dân, vì điều đó làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Và quan trọng hơn, chúng ta cần phải biết rằng 2/3 số ca nhiễm là do lây chéo ở trong các khu cách ly. Người dân có thể cách ly tại nhà được vậy thì tại sao cứ bắt họ đi cách ly tập trung?
Cách phòng chống dịch của Hà Nội vẫn theo hướng cũ, như thế thích ứng chưa thật đúng nghĩa, chưa thực sự bình thường mới", ông Hùng phân tích.
Ủng hộ việc nên cho học sinh các cấp quay trở lại trường học càng sớm càng tốt, ông Hùng lý giải, tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở trẻ nhỏ rất thấp, tỷ lệ tử vong đặc biệt thấp, Hà Nội cũng đã triển khai tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, vì vậy cần cho học sinh học trực tiếp.
"Đối với trẻ nhỏ, việc đi học trở lại sau quãng thời rất dài phải ở nhà học online là điều cực kì quan trọng. Trẻ đến trường không chỉ học chữ mà còn trau dồi kiến thức xã hội, học giao tiếp với thầy cô, bạn bè... Để trẻ ở nhà lâu sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý và sự phát triển của một đứa trẻ.
Trường học mở cửa, học sinh đến trường cũng sẽ giảm tải rất lớn áp lực đối với gia đình, cũng như công tác tổ chức của nhà trường, giáo viên…", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng phân tích.
Về diễn biến dịch, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội dự báo, thành phố chưa đạt tới đỉnh dịch, chắc chắn số ca mắc COVID-19 sẽ còn tăng cao.
"Hà Nội sẽ có nhiều đỉnh dịch nữa bởi vì hiện nay đa số các F0 đều không có triệu chứng. Chính quyền cần phải tổ chức tư vấn thật tốt cho người dân mắc COVID-19. Khi người dân cần nhập viện không được để xảy ra tình trạng đùn đẩy khiến người bệnh không biết đi đâu. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải tư vấn người dân từ cách phòng ngừa, cách theo dõi những triệu chứng bệnh lý nặng, tư vấn uống thuốc như nào để mọi người có thể yên tâm khi cách ly tại nhà.
Đối với những bệnh nhân có triệu chứng nặng, chính quyền cần phải tổ chức cứu chữa hiệu quả, không để tử vong hoặc duy trì tỉ lệ tử vong như hiện nay", Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội lưu ý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội nên suy nghĩ lại cách chống dịch cho phù hợp bởi phần lớn người dân đã được tiêm phòng COVID-19. Thành phố phải có phương án sống chung với dịch trong trạng thái bình thường mới giống như ở TP.HCM.
So sánh về việc TP.HCM đã mở lại các dịch vụ karaoke, massage, spa, quán bar nhưng Hà Nội vẫn cấm, thậm chí hàng quán ăn uống được bán tại chỗ hay không còn phụ thuộc địa bàn trong tuần đó "cam hay vàng", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: "Bây giờ dịch ở chỗ nào cũng có, cấm hay không cấm không giải quyết được vấn đề gì. Dịch lây lan trong cộng đồng, gia đình, khu phố chứ có phải nhà hàng đâu".
"Hà Nội đang quá cẩn trọng trong phòng chống dịch", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Bình luận