• Zalo

Chuyên gia hiến kế 'làm sống lại' công viên ở Hà Nội

Đời sốngThứ Bảy, 29/10/2022 09:05:19 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, TP Hà Nội cần xóa bỏ hàng rào công viên để người dân có thể hưởng thụ những giá trị văn hóa thiên nhiên miễn phí.

Người dân mong đợi công viên 'hồi sinh'

Là một người gắn bó với Thủ đô nhiều năm nay, khi biết chủ trương “làm sống lại công viên” của UBND TP Hà Nội, ông Phạm Đình Trọng (Cầu Giấy, Hà Nội) rất phấn khởi và hy vọng, quyết sách này của Hà Nội sẽ sớm được thực hiện và thực hiện bài bản, có tổ chức hơn.

Theo ông Trọng, công viên được ví như lá phổi xanh của thành phố trong tiến trình đô thị hóa phát triển nhanh và mạnh như hiện nay. Khi bê tông hóa phủ dày đặc, công viên xanh, sạch, đẹp sẽ làm hài hòa cảnh sắc, bộ mặt đô thị.

Hàng ngày, đi dạo, tập thể dục trong công viên Cầu Giấy, ông Trọng nhận thấy sự xuống cấp trầm trọng của các hạng mục trong công viên. Hàng rào bảo vệ, công trình vệ sinh, dụng cụ tập thể dục, đồ chơi tại khu vui chơi dành cho trẻ em… cũ, hỏng, xuống cấp, không được sơn sửa, duy tu bảo dưỡng trong một thời gian dài.

Chuyên gia hiến kế 'làm sống lại' công viên ở Hà Nội - 1

Nhiều hạng mục ở công viên Cầu Giấy xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trọng cho rằng: “Mỗi cán bộ quản lý làm việc tại công viên phải xem công viên như chính ngôi nhà của mình chứ không phải nơi công cộng, cần phải có tinh thần, trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, tu sửa công viên. Khi thấy bộ phận nào đó hỏng hóc thì cần sửa chữa ngay, nếu không sẽ rất phản cảm. Người dân khi đi dạo, tập thể dục trong công viên, cũng cần nâng cao ý thức của mình, không nên có tư duy “cha chung không ai khóc”, vứt rác, xả rác bừa bãi”.

Ông Trọng cũng như nhiều người dân Thủ đô hy vọng, công viên ở Hà Nội sẽ khoác lên mình lớp áo xanh, sạch, đẹp đúng nghĩa. Có như vậy, công viên mới là địa điểm lý tưởng, là “lá phổi xanh” mà ai cũng muốn đặt chân đến.

Bà Đoàn Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ quan điểm, công viên chính là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, không chỉ là văn hóa với con người, với thiên nhiên mà nó còn là đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư trên địa bàn đó.

“Cuộc sống của người dân, sức khỏe của nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào công viên. Vì thế, chúng tôi mong muốn, cần xây dựng và giữ vững nét xanh, sạch, đẹp của công viên. Với những công viên chưa đáp ứng được vấn đề này thì phải được quan tâm đầu tư để công viên là điểm đến lý tưởng của người dân địa phương và du khách nước ngoài”, bà Huyền nói.

Cách cải tạo phải phù hợp với từng công viên

Theo ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, trong đời sống đô thị hiện đại, công viên là thể chế văn hóa không thể thiếu được. Công viên chính là một bộ phận cấu thành trong đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư nói chung, của đô thị hiện đại nói riêng. Công viên là nơi tích hợp, hội tụ những giá trị văn hóa lịch sử để đào tạo bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương, cũng như ghi nhận công lao của những thế hệ đi trước đối với đất nước, địa phương…

Ông Phong nêu lên một thực tế, tại thành phố Hà Nội và một số địa phương khác có tình trạng, nhiều công viên xuống cấp, bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất, người dân thì không có nơi vui chơi, giải trí. Để giải quyết tình trạng này, theo ông, cần phải thành lập cơ quan liên ngành, rà soát lại thực trạng của các công viên trên địa bàn để đánh giá mức độ sai lệch, lãng phí hoặc chệch hướng trong quá trình phát triển công viên. Từ đó, điều chỉnh lại theo quy hoạch phát triển chung của thành phố để đạt chất lượng cao nhất.

Chuyên gia hiến kế 'làm sống lại' công viên ở Hà Nội - 2

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị bỏ hoang, tràn ngập rác thải.

Lấy dẫn chứng về Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng), ông Phong nói, đây là công viên có biểu tượng của chị Võ Thị Sáu – nữ anh hùng cách mạng nổi tiếng. Hà Nội có thể xem đó là hồn cốt để biến công viên văn hóa lịch sử theo hướng, không chỉ có biểu tượng của chị Võ Thị Sáu mà có thể tập hợp biểu tượng của các anh hùng liệt sĩ cách mạng có công với đất nước để hình thành nên khu văn hóa tâm linh tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hay các danh nhân văn hóa có công với đất nước.

“Cần cố gắng định hình rõ chức năng, ý nghĩa của công viên cho từng hạng mục, công viên cụ thể. Có công viên về cây cảnh, có công viên chuyên về biểu tượng văn hóa tâm linh, có những công viên chuyên về công nghệ, có công viên triển lãm theo chuyên đề và phát triển với nét văn hóa đặc thù, riêng biệt, nhằm tạo sự đa dạng cũng như tạo sự đặc trưng của đời sống văn hóa, tinh thần trên địa bàn”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.

Chuyên gia hiến kế 'làm sống lại' công viên ở Hà Nội - 3

Các quán trà đá mọc lên như nấm trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Cũng theo ông Phong, trong mỗi công viên, thành phố nên đầu tư xây dựng những hạng mục chính, thực hiện chế độ công viên mở, không có tường rào để người dân có thể hưởng thụ những giá trị văn hóa thiên nhiên miễn phí. Còn những hạng mục cần phải đầu tư để phục vụ cho hoạt động giải trí như tàu lượn, bể bơi thì có thể đầu tư xã hội hóa và có thu phí, vốn trên cơ sở giá vé mà thành phố quy định. Tất cả đều quản lý công khai, hài hòa các lợi ích.

“Tôi tin rằng, khi chúng ta xác định thật tốt công năng, mục tiêu, tiêu chí đầu tư tốt, cơ chế quản lý tốt thì chắc chắn công viên sẽ là một trong những dự án, hạng mục thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trên địa bàn cũng như ngoài địa bàn. Đồng thời, góp phần thay đổi bộ mặt văn minh của đô thị, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Đặc biệt, góp phần thay đổi, cải thiện cảnh quan đô thị trên địa bàn”, ông Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Trả lại công viên cho cho cộng đồng

Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, công viên, vườn hoa là một bộ phận rất quan trọng để cấu thành một đô thị. Muốn xây dựng một đô thị thì phải có quảng trường, công viên, vườn hoa và rất nhiều những hạng mục khác. Hà Nội từ rất sớm đã có những công viên lớn lớn như, công viên Bách thảo, công viên Thủ Lệ…

Thế nhưng, thực trạng hiện nay thật đáng buồn bởi nhiều vườn hoa không được quan tâm chăm sóc, nhiều công viên bị xuống cấp, bỏ hoang, giống như một bãi đất vô chủ. Hà Nội đã có chủ trương sẽ xây dựng, tôn tạo, nâng cấp các công viên hiện có, các vườn hoa trong thành phố, đồng thời, xây dựng thêm những công viên mới, ví dụ như công viên Kim Quy với diện tích hơn 100 ha, được kỳ vọng rằng, đó sẽ là một Disney Land của thế giới đặt ở Việt Nam, một công viên hàng đầu châu Á. Tuy vậy, 7, 8 năm nay, công viên này vẫn chưa triển khai được, lý do là vướng dự án, nghĩa trang chưa di dời được. Hay công viên Thanh Hà, đó là công viên thiên văn học đã xây dựng xong nhưng  2 năm nay phải khóa cửa vì sai quy hoạch….

“Vấn đề này cần phải xem xét trách nhiệm, quản lý quy hoạch như thế nào. Cần phải giám sát việc thực hiện quy hoạch, chúng ta không được buông lỏng việc đó, làm xong rồi, hoàn chỉnh rồi thì khi đến lúc thực hiện lại làm sai quy hoạch”, ông Phạm Thanh Tùng nói.

Chuyên gia hiến kế 'làm sống lại' công viên ở Hà Nội - 4

Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Ngoài ra, ông Tùng cũng nêu một loạt các dẫn chứng khác như, công viên Hòa Bình được xây dựng để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, đến nay cũng xuống cấp, thậm chí có giai đoạn trở thành bãi đáp của tệ nạn xã hội. Hay công viên Hồ Linh Đàm cũng xuống cấp nghiêm trọng, trở thành bãi rác ở một khu đô thị kiểu mẫu của cả nước, gây phản cảm, gây lãng phí đất đai, tiền của…

“Một số công viên nhỏ khác như vườn hoa chí Linh, vườn hoa Pasteur, vườn hoa con cóc, rất nhiều vườn hoa mà ngày xưa trong quy hoạch cũ mà Pháp để lại, tuy nhỏ nhưng rất thuận tiện, đều nằm trong các ô phố thì cũng nên chỉnh trang, có đèn, có cây, có hoa để tạo những khu vui chơi giải trí cho người dân của từng khu vực. Còn những công viên lớn như công viên Kim Quy thì tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng, Nhà nước phải can thiệp, chính quyền phải can thiệp để cho doanh nghiệp thực hiện được”, ông Phạm Thanh Tùng nói.

Theo ông Tùng, Nghị quyết của thành phố là quyết tâm chính trị, lấy người dân làm trung tâm để cải thiện môi trường sống của Hà Nội, để Hà Nội xứng đáng là một thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình, thành phố văn hiến, văn minh, giàu bản sắc… Để thực hiện các mục tiêu đó thì cần có biện pháp quản lý quyết liệt hơn nữa, đổi mới hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, bởi chúng ta bước vào thời kỳ kỹ thuật số, kỷ nguyên số, chuyển đổi số, tất cả mọi việc quản lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc.

Tới đây, Hà Nội nên có chủ trương xóa bỏ các hàng rào công viên, làm công viên mở, trả lại công viên cho cho cộng đồng. Lúc này vấn đề đặt ra còn nhiều hơn nữa, phải giáo dục tuyên truyền ý thức cho người dân Thủ đô. Người dân phải biết giữ gìn công viên, vườn hoa của mình. Bởi đó là khoảng trống, khoảng xanh rất quý giá trong đô thị, vừa là văn hóa, vừa là nhân văn, vừa tạo nên bản sắc của người Hà Nội. Hà Nội thanh lịch thể hiện ngay trong sinh hoạt ở công viên.

Chung Thủy - Nguyễn Hà(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn