Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm, tại nhiều dự án BOT từ Bắc vào Nam khi dư luận bất bình về hình thức đầu tư này, dư luận cả nước đặt ra câu hỏi: Liệu có tham nhũng, lợi ích nhóm tại các dự án BOT hay không?
PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải về vấn đề này.
Video: Đi 8 km thu phí 45 km tại trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang
Chắc chắn có lợi ích nhóm
- Thưa ông, hầu hết các dự án BOT giao thông hiện nay được xây dựng trên cơ sở hạ tầng cũ, ví dụ như BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ rải lại thảm nhựa trên nền Quốc lộ 1A và thu phí. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Vấn đề thu phí rất tế nhị, nếu khách quan nhìn vào thì đúng là việc mới thảm lại mặt đường mà thu phí rõ ràng là bất cập. Nhưng việc thu phí nhiều hay ít, thu trước thu sau, còn phụ thuộc vào người duyệt dự án. Họ có những thỏa thuận “anh ký với tôi thế này, tôi cho anh thế này”, mặc dù không bắt được tận tay nhưng ai cũng hiểu điều đó.
Cơ quan quản lý phải có gì, chứ không bao giờ có chuyện tự làm được. Ví dụ trên Quốc lộ 1, anh có đủ năng lực tài chính, anh đi xin mở cây xăng, nhưng ai cho anh mở đường nhánh vào đó? Đều phải "chạy" hết, lợi ích cả đấy chứ. Hiểu thì hiểu thế thôi, nhưng bắt được rất khó.
- Mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, từ lâu thế giới đã đưa ra cảnh báo “rủi ro xảy ra tham nhũng trong BOT luôn là lớn nhất”. Thực tế, những sai phạm trong dự án BOT thời gian qua cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có tham nhũng, lợi ích nhóm trong dự án BOT hay không?
Về lợi ích nhóm trong BOT chắc chắn có, nhưng có như thế nào thì chịu. Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra sai phạm tại hàng loạt dự án BOT về thời gian thu phí, chênh lệch thu phí. Không có lợi ích thì chẳng lẽ là tính nhầm? Tuy nhiên, không bắt được thôi, lợi ích nhóm rất khó bắt. Chính Quốc hội phải nói ra điều đấy, khi xây dựng các văn bản pháp luật có nói rõ: Phải chống lợi ích nhóm. Tại sao phải chống lợi ích nhóm? Vì anh chỉ ra 1 điều kiện là có lợi cho doanh nghiệp, lợi cho trường hợp này, trường hợp kia rồi.
Khi họ "bắt tay" với nhau thì người dân chịu thua
- Ông có đề xuất nào để hạn chế những bất cập mà hình thức BOT hiện nay đang tồn tại?
Theo tôi, từ khi lập dự án đầu tư xây dựng phải tính toán thời gian thu hồi vốn, chỉ cần quản lý chặt cái đó là xong. Phải có cơ quan khách quan thẩm định.
Để giải quyết triệt để những bất cập về việc thu phí, thời gian thu phí, thì nên tách ra riêng biệt giữa đơn vị xây dựng và thu phí. Ví dụ, chủ đầu tư bỏ tiền xây dựng, nhà nước thu phí hoàn vốn cho chủ đầu tư.
Nhà nước thuê ông làm BOT, ông tính tiền đầu tư và tiền lãi là bao nhiêu, sau đó nhà nước thu, nhà nước đảm bảo thời gian hoàn vốn đúng hạn, nếu thiếu thì nhà nước phải chịu.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ
Chủ đầu tư sẽ tính toán anh đầu tư hết bao nhiêu, lãi suất cho dự án là bao nhiêu, thu phí trong thời gian bao lâu. Sau đó, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm thu phí và trả cho chủ đầu tư.
Ví dụ như, trong thời gian đó, kinh tế phát triển, nhà nước có ngân sách để trả sớm tiền đầu tư cho doanh nghiệp thì trả hết luôn. Như vậy, doanh nghiệp sớm được hoàn vốn, tránh được tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Giả sử thời gian thu hồi vốn là 20 năm, nhưng chỉ 10 năm, nhà nước đã thu hồi được vốn thì trả luôn, rút ngắn thời gian thu phí.
Nhà nước thuê ông làm BOT, ông tính tiền đầu tư và tiền lãi là bao nhiêu, sau đó nhà nước thu, nhà nước đảm bảo thời gian hoàn vốn đúng hạn, nếu thiếu thì nhà nước phải chịu. Còn sớm hơn dự kiến thì có lợi cho cả hai bên và trừ bớt lãi suất đi. Phải tách độc lập ra, việc thu phí phải do nhà nước đảm nhận.
Hiện nay, chủ đầu tư bỏ vốn xây dựng và thu tiền hoàn vốn nên mới dẫn đến việc chênh lệch số tiền thu phí mỗi ngày. Việc này, thanh tra đã chỉ ra sự vênh trong số liệu báo cáo.
- Đặt giả thiết, đơn vị nhà nước thu nhưng làm sao để tránh được tham nhũng hoặc đơn vị được giao "móc nối" với doanh nghiệp để tham nhũng?
Vấn đề đó lại là câu chuyện chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm. Khi các bên họ bắt tay với nhau thì người dân chịu thua. Nhiệm vụ công an là đi bắt kẻ cắp, nhưng nếu hai bên thông đồng với nhau thì bó tay.
Nếu còn tiếp tục để chủ đầu tư tự thu phí, sẽ còn nhiều vấn đề bất cập. Làm theo phương án trên, chủ đầu tư sau khi xây dựng tính toán chi phí đã bỏ ra đầu tư, nhà nước đưa ra mức lãi suất trong thời hạn bao nhiêu năm để hoàn vốn, mức lãi suất được hai bên thỏa thuận và thống nhất.
Sau đó, nhà nước chịu trách nhiệm thu hồi hoàn trả doanh nghiệp, hoàn vốn sớm thì cả doanh nghiệp và nhà nước được lợi. Còn đến hạn mà nhà nước chưa thu hồi được thì phải lấy nguồn thu khác bù vào để trả cho doanh nghiệp. Về lý thuyết, phương án này sẽ giải quyết được tất cả những bất cập hiện tại của dự án BOT.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận