Liên quan đến việc Sở GTVT Hà Nội dự kiến thí điểm cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, ngày 12/3, trả lời VTC News, ông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết rất đồng tình với đề xuất giảm dần, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.
Theo ông Liên, việc hạn chế xe máy là cần thiết nhưng nếu muốn thực hiện sớm hơn thì Sở GTVT phải tiếp tục trình đề xuất lên UBND, HĐND TP Hà Nội để thông qua một kế hoạch bổ sung.
"Tôi rất hoan nghênh đề xuất của Sở GTVT về việc cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương. Đó là sự căn cơ của cơ quan quản lý nhà nước vì lợi ích của toàn dân và vì lợi ích của TP Hà Nội.
Tuy nhiên, dù cấm 1-2 tuyến đường thì cũng phải được sự đồng thuận của người dân, phải căn cứ việc phục vụ lợi ích của người dân như thế nào. Vấn đề này là bản lĩnh của các nhà quản lý xã hội nên phải nghiên cứu hết sức chu đáo" – ông Liên nói.
Ông Liên phân tích, cơ sở để đưa ra đề xuất cấm xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương là 2 tuyến đường này đã có những phương tiện giao thông công cộng hiện đại là tàu đường sắt trên cao và xe buýt nhanh (BRT).
Bên cạnh đó, vị chuyên gia giao thông này cho rằng cần phải xét số lượng người di chuyển trên 2 tuyến đường này như nào và có đáp ứng được khoảng 50% lưu lượng hành khách trên tuyến đó không thì cơ quan chức năng mới có thể đi đến kết luận được.
"Tôi cho rằng, về việc cấm xe máy hoạt động trên 2 tuyến đường đó thì cơ quan quản lý nhà nước phải hỏi ý kiến của người dân, của tổ chức chính trị, xã hội đánh giá lại để biến chủ trương này thành hiện thực", nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ.
Ông Liên phân tích thêm ở nước ngoài các phương tiện ô tô đi rất có hàng lối và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông nên không bị chiếm quá lớn diện tích lòng đường. Nhưng ở Việt Nam dù đường có rộng thênh thang mà có 2-3 làn đường dành cho xe ô tô thì người lái xe ô tô vẫn cố chen lấn lên để xếp thành 5-6 hàng rồi chen chúc nhau để đi. Xe máy cũng có tình trạng như vậy.
Tuy nhiên, xe ô tô lại chiếm diện tích mặt đường nhiều hơn nên chúng ta phải xem xét để đánh giá đúng.
Ông Liên cho rằng nếu chỉ nói đến việc cấm xe máy mà không nói đến việc hạn chế xe ô tô đi trong nội thành thì sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Từ đó dẫn đến những phản ứng của người dân và không tạo được sự đồng thuận.
Ngoài ra, 2 tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có mật độ người tham gia giao thông lớn, thực tế người dân vẫn có nhu cầu đi xe máy.
Ông Liên đưa ra ví dụ: “Nếu đi từ Yên Nghĩa vào trung tâm TP Hà Nội mà không đi tuyến đó thì biết đi đường nào? Có đường cho người dân đi hay không?
Chúng ta có thể xem xét lưu lượng xe máy và mật độ xe ô tô cá nhân bằng cách quan sát buổi sáng thì xe từ Hà Đông đi vào TP Hà Nội đông hơn còn buổi chiều thì ngược lại. Như vậy có nên làm dải phân cách cứng cố định không hay là buổi sáng mình mở rộng đường cho chiều đi vào nội thành, còn buổi chiều mở rộng đường cho phương tiện đi ra nhiều hơn''.
Cùng với đó, ông Liên cho rằng khi đặt vấn đề đến cấm xe máy thì cũng phải tính đến hạn chế xe ô tô cá nhân ở tầm lâu dài.
Để làm được điều đó, các cơ quan thi hành công vụ phải gương mẫu trước thì mới thuyết phục được người dân vì bây giờ số lượng xe ô tô cá nhân của các cơ quan nhà nước khá nhiều.
Nếu người có tiền hoặc những người trong cơ quan nhà nước mua sắm ô tô nhưng người dân có xe máy không được đi thì sẽ tạo nên sự bất hợp lý.
Để thuyết phục được người dân thì các cơ quan công sở nhà nước phải gương mẫu sử dụng các phương tiện công cộng. Mục đích phải xuất phát từ bảo vệ người dân, bảo vệ xã hội, tránh ô nhiễm môi trường, tránh ùn tắc và tai nạn giao thông.
"Để cấm hay hạn chế được xe máy và ô tô thì đó phải là sự tư duy rất khoa học của người lãnh đạo để hợp lòng dân" – ông Liên chia sẻ.
Video: Cấm xe máy liệu có khả thi?
Cùng quan điểm với nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc cấm hay không cấm xe máy, phải tính toán đến tất cả các yếu tố như kinh tế, dân sinh, xã hội, môi trường...
"Đối với việc này, các đề án phải rất rõ, và phải lấy được ý kiến của người dân để theo nguyên tắc là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Giả sử bây giờ cấm xe máy, thì phải đảm bảo cho người đân đi lại bằng cái gì để phát triển kinh tế xã hội, xe máy của người dân giải quyết ra sao…”, ông Nhưỡng nói.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phải tính toán đến những vấn đề lợi ích và phi lợi ích, tránh tình trạng chỉ tính lợi ích ở một phía, chứ không tính đến những vấn đề khác.
Vì vậy, đại biểu Nhưỡng khẳng định việc cấm xe máy phải được tính toán thận trọng, trên những yếu tố phát triển kinh tế xã hội, đô thị.
Ngày 9/3, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Văn Viện cho biết, sở này đang nghiên cứu trình lãnh đạo UBND, HĐND TP Hà Nội đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.
Mục đích chính của đề án này nhằm giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, bên cạnh đó hướng người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang công cộng.
Ông Viện cho rằng, nếu cấm được xe máy càng sớm càng tốt.
Chiều 11/3, thông tin với báo chí, ông Vũ Văn Viện cho biết sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào hoạt động, Sở GTVT có thể lựa chọn một trong hai tuyến là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông để dừng hoạt động xe máy.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết việc thí điểm dừng hoạt động của xe máy tại 2 tuyến đường nêu trên không thực hiện nóng vội mà sẽ được nghiên cứu thấu đáo, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan.
Trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân.
Bình luận