• Zalo

Chuyên gia giáo dục Hàn Quốc: 'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng'

Giáo dụcThứ Bảy, 17/11/2018 14:26:00 +07:00Google News

"Tôi nhận ra rằng nếu có học sinh ngủ hẳn ở trong tiết học thì đó là lỗi của giáo viên đang đứng giờ đấy nhưng ngày nay, học sinh thậm chí còn ngủ trước khi tôi bắt đầu bài giảng của mình, vậy thì lỗi là tại ai?".

Câu hỏi khá thú vị đã được GS Peck Cho (ĐH Sookmyung, Ủy viên cố vấn chính sách của Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc) đặt ra tới các giáo viên và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tại buổi hội thảo "Giáo viên của tương lai – Giải pháp giải tỏa áp lực và đổi mới giáo viên", do VTV7 cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức ngày 16/11.

'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng, vậy lỗi tại ai?'

 GS Peck Cho (ĐH Sookmyung, Ủy viên cố vấn chính sách của Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc). (Ảnh: Thanh Hùng) 

Tại đây, GS Cho đã chia sẻ kinh nghiệm từng là một giáo viên tới các giáo viên, sinh viên ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Ông Cho đưa ra hình ảnh trường cấp 3 mà ông đang giảng dạy và kể rằng ông cũng thường xuyên phải khuyên bảo học trò, làm rất nhiều điều để học sinh không ngủ trong giờ. “Nhưng trước đây, tôi cũng từng đối mặt với thực tế là ngày hôm sau các em ấy lại ngủ tiếp. Và nỗi căng thẳng của tôi càng lúc càng nhiều”.

Trong buổi nói chuyện, ông Cho lấy một dẫn chứng khi bất ngờ chiếu lên một hình ảnh động. Các giáo viên và sinh viên ở dưới hội trường đã không còn tập trung nhìn và nghe ông nói chuyện mà chỉ tập trung đọc và ngước nhìn hình ảnh mới được phát ra đó.

“Như vậy đấy, tôi nhận ra rằng bất cứ khi có cái gì đó chuyển động, bắt sáng, phát sáng hoặc thay đổi có phát ra tiếng động thì các bạn sẽ tự động hướng sự chú ý về đó. Học sinh cũng vậy. Cho dù tôi có nói về giáo dục hay lý thuyết, phân tích thì học sinh cũng không chú ý đến tôi mà tự động hướng sự chú ý về cái gì đó trực quan sinh động”, ông Cho nói.

Và đó cũng là một trong những cách để ông thu hút sự chú ý của các học sinh.

“Nếu học sinh không chú ý đến tôi tức là tôi đã mất sự cạnh tranh của mình. Sau một năm tôi đã nhận ra rằng nếu có học sinh ngủ hẳn ở trong tiết học thì đó là lỗi của giáo viên đang đứng giờ đấy”, ông Cho chia sẻ.

“Nhưng mà ngày nay, học sinh thậm chí còn ngủ trước khi tôi bắt đầu bài giảng của mình. Vậy thì lỗi là tại ai? Có phải do tôi hay không?”.

Theo ông Cho, câu trả lời không phải do ông, cũng không phải do học sinh mà trường hợp này do giáo viên dạy tiết trước đó.

“Giáo viên các tiết trước đó đã làm các học sinh ngủ mất rồi, và tôi là giáo viên tiết sau không còn sự lựa chọn nào hết”, GS Cho chia sẻ.

Nhưng dù trực tiếp do giáo viên nào thì tất cả đều đã là những người thất bại.

'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng, vậy lỗi tại ai?'

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lắng nghe phần chia sẻ kinh nghiệm của vị GS đến từ Hàn Quốc. 

GS Cho kể, thời ông còn đi học, thầy giáo ra rất nhiều bài tập và có rất nhiều dữ liệu trong tài liệu mà chúng tôi phải học. “Có quá nhiều thông tin chúng tôi phải nhớ từ sáng sớm đến lúc đi ngủ. Và hiện nay, với công nghệ thông tin phát triển, thậm chí giáo viên còn giao cho học sinh nhiều dữ liệu hơn nữa. Có một nghịch lý rằng công nghệ càng hiện đại thì càng ảnh hưởng xấu đến cách giảng dạy.

Ông mong rằng các giáo viên đừng đưa cho học sinh nhiều và nhiều hơn nữa những thông tin giống hệt nhau, hoặc thông tin nhanh và nhanh hơn nữa, mà hãy nghĩ đến cải tiến, sáng tạo và đổi mới.

“Chúng ta sẽ dùng công nghệ để làm những phần việc dạy dỗ mà buồn chán, còn con người thì sẽ làm những việc thú vị và có ý nghĩa hơn”, GS Cho khuyến nghị.

'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng, vậy lỗi tại ai?'

 

Ông Cho đưa ra một bản đồ thế giới được vẽ dựa trên một tiêu chí là sức sáng tạo của con người, thì Việt Nam gần như “mất hút”.

“Hiện nay khi nhìn vào bản đồ của sáng tạo thì bạn sẽ nhìn thấy Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đó là những quốc gia rất lớn”.

GS Cho nêu quan điểm: “Chúng ta vẫn hình dung học sinh tốt là người học rất chăm, nhớ rất nhiều thông tin, học từ sáng đến tối. Nhưng đó chỉ là học sinh tốt mà thôi, còn học sinh tốt hơn là với những tiêu chí cũ thì không còn là học sinh tốt nữa.

Bởi dù một em học sinh có thể nhớ được nhiều đến mức nào, học chăm ra làm sao, phân tích và tính toán giỏi thế nào… thì cũng không thể nào bì được với trí tuệ nhân tạo. Tôi tin robot có khả năng ghi nhớ tốt hơn 1 triệu lần so với một học sinh tốt nhất. Trí tuệ nhân tạo có thể tính toán và phân tích nhanh hơn một trăm triệu lần khả năng của chúng ta có thể”.

Hiện nay robot đã có thể làm mọi việc từ bác sỹ, cho đến luật sư, thậm chí là phát thanh viên trên truyền hình. “Nghề bác sỹ, luật sư cũng đã bị robot chiếm mất việc, vậy thì nghề giáo viên cũng sẽ rơi vào cảnh đó trong tương lai. Thực tế đã có robot giáo viên, chứ không phải điều xa xôi, viễn tưởng”.

'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng, vậy lỗi tại ai?'

 

Để thay đổi, liên quan đến sáng tạo, theo ông Cho có rất nhiều yếu tố nhưng chia làm 6 nhóm quan trọng.

Đầu tiên, không thể thiếu là kiến thức nền tảng. Muốn làm bất cứ sự sáng tạo nào thì vẫn cần phải có kiến thức.

Thứ hai, là có suy nghĩ mông lung về một thứ chưa từng tồn tại.

Thứ ba, là cần có óc tò mò và thêm một chút phiêu lưu sẵn sàng chấp nhận thử thách. Nếu bạn nhìn thầy một rủi ro hãy sẵn sàng chấp nhận nó, chứ nếu nhìn thấy rủi ro mà đầu hàng ngay thì sẽ không bao giờ sáng tạo. 

Yếu tố cuối cùng, rất đặc biệt,… mà theo ông Cho là “cứ để nó trống thế thôi”.

Khoảng trống này đơn giản có thể giành cho khả năng giao tiếp và đồng cảm với người khác.

'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng, vậy lỗi tại ai?'

 

Theo ông Cho, cần phải tạo khoảng trống cho học sinh để các em có thể kiến tạo chính cuộc sống của mình. 

“Đấy chính là khả năng để chấp nhận và thích ứng với những ý tưởng mới. Những học sinh còn những khoảng trống ấy mới là những học sinh tốt nhất, những học sinh trong mơ của chúng ta, chứ không phải là các em đã quá nặng nề về đầu óc”.

Ông Cho dẫn chứng câu chuyện 30 năm trước, ông dạy ở trường đại học, khi chuẩn bị cho sinh viên những chiếc áo đặc biệt in đầy công thức. Chiếc áo này ghi mọi công thức mà sinh viên định cần cho kỳ thi tốt nghiệp. Các thông tin cũng được in ở mặt sau của áo để khi ngồi trên lớp, học sinh phía sau cũng có thể xem luôn được các công thức trên áo bạn. Học sinh được phép mặc áo này trong kỳ thi tốt nghiệp.

"Tôi muốn nói với sinh viên của mình rằng không cần phải ghi nhớ những điều này, mà đơn giản chỉ cần mặc áo vào rồi lại cởi nó ra. Kiểm tra, sinh viên cũng có thể mang bất cứ cuốn sách, vở nào hay bất cứ cái gì họ muốn vào phòng thi một cách thoải mái”.

'Học sinh ngủ trước cả khi tôi bắt đầu bài giảng, vậy lỗi tại ai?'

 

Ông Cho cho rằng, thời đại mà thông tin gì cũng có thể tra cứu ngay bằng cách lướt những đầu ngón tay, thì trí nhớ không còn là kỹ năng để đo lường năng lực của học sinh nữa.

“Nếu có một lớp học mà tất cả học sinh hăng hái giơ tay xin trả lời câu hỏi từ giáo viên, thì đó vẫn là một lớp học dở. Lớp học tốt phải là tất cả học sinh hăng hái giơ tay nhưng mỗi em đều có câu hỏi của riêng mình và muốn dành cho giáo viên để nhận được giải đáp. Việc trả lời câu hỏi thì thậm chí robot có thể thực hiện giúp, nhưng biết đặt câu hỏi đúng chính là bước khởi đầu của sáng tạo”.

Vì vậy, ông cho rằng các giáo viên nên cho phép và khuyến khích các học sinh đặt câu hỏi trong lớp học. “Đấy là cách chúng ta khuyến khích sự tò mò của học sinh và vì vậy chúng ta cũng cho phép học sinh được sai lầm. Thay vì trừng phạt, hãy hoan nghênh. Nếu học sinh sợ bị mắc lỗi, sai lầm thì các em sẽ không bao giờ dám dấn thân vào bất cứ việc gì”. 

Ông Cho cho rằng giáo viên chính là chất xúc tác, người dẫn đường cho sự thay đổi.

“Tôi nhận thấy hằng năm phải có đến 200 giáo viên có những buổi dạy có nội dung giống nhau, nếu quay lại hình ảnh lúc giảng dạy sẽ thấy đau lòng. Giống như một việc nhưng lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng tháng và rất nhàm chán”.

Để tạo động lực cho giáo viên thay đổi, việc làm đầu tiên, theo ông Cho có lẽ giáo viên có thể quay và xem lại bài giảng của mình để thấy cần sự thay đổi. “Và khi xem lại giờ học của mình, điều đó sẽ diễn ra ngay trong bản thân mỗi giáo viên”, ông khẳng định.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn