Thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của COVID-19. Tuy vậy, theo số liệu khảo sát từ các công ty nghiên cứu thị trường, giá nhà ở vẫn tiếp tục tăng.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính trên toàn quốc, so với thời điểm năm 2020, giá bất động sản 2021 tăng ở tất cả các phân khúc, mạnh nhất là đất nền với mức tăng 20-30%; tiếp theo là nhà liền thổ với 15-20% và chung cư với 5-7%.
Và năm 2022, các chuyên gia dự báo, giá nhà đất sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên do Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES) tổ chức, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thông tin, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch phức tạp nhưng các giao dịch bất động sản vẫn sôi động.
“Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt”, ông Đính nhận định.
Chia sẻ về giá bất động sản năm 2022, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cũng cho rằng, trong năm nay, giá nhà ở vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người mua ở thật.
Việc tăng giá theo bà Hằng cũng sẽ rất thận trọng. Giá sẽ ở ngưỡng hợp lý, biệt thự tăng từ 6-7%, trong khi đó nhà liền kề và shophouse có mức tăng cao hơn.
Tương tự, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, giá căn hộ sẽ tăng khoảng 3 - 7% tùy từng phân khúc trong năm 2022. Riêng phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng trưởng khoảng 5 - 7%. Còn phân khúc bình dân và trung cấp, mức giá có thể tăng khoảng 3 - 5%.
“Xu hướng tăng giá dự báo tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM. Tình trạng lệch pha cung cầu trong hai năm tới vẫn sẽ tiếp diễn”, bà Dung dự báo.
Các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản 2022. Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có 4 cơ hội: Thứ nhất, bất động sản công nghiệp vẫn đang nóng trên thị trường Việt Nam. Đây là xu hướng lâu dài do có sự chuyển dịch từ Trung Quốc và cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày càng phát triển, lực lượng lao động dồi dào.
Thứ hai, đầu tư công về hạ tầng giao thông như vành đai 4, vành đai 3 sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.
Thứ ba, đây không chỉ là vấn đề an toàn, mà còn là bộ mặt đô thị. Đại dịch và đầu tư công kích thích đô thị hóa vùng ven: Pháp lý mở cơ hội để tái thiết đô thị 2.000 chung cư cũ cần được cải tạo ở Hà Nội và TP.HCM tương tương với 500ha quỹ đất. Như vậy, chúng ta đang có các quỹ đất ngay trong lòng thành phố lớn.
Thứ tư, đại dịch tạo nên nhu cầu sống xanh. 61% người có nhu cầu sống gần không gian xanh và có sân vườn, 45% muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - gói hỗ trợ phát triển nền kinh tế với quy mô 350.000 tỷ đồng tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó có phát triển kết cấu hạ tầng, đây cũng chính là một lực đẩy cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh cơ hội, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng chỉ ra một điểm nghẽn hiện nay là hệ thống pháp luật về đất đai và bất động sản. Cụ thể, sửa đổi Luật Đất đai đang phải tạm thời dừng lại, các giải pháp trong lĩnh vực bất động sản du lịch cũng chưa được giải quyết. Do đó, việc giải quyết các điểm nghẽn này đang trở thành một vấn đề quan trọng hàng đầu.
Bình luận