Chuyên gia dự báo biến động điểm chuẩn đại học

Tuyển sinhChủ Nhật, 28/08/2022 19:03:23 +07:00

Theo quy định, trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1, các chuyên gia dự đoán điểm chuẩn năm nay không có nhiều biến động.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội, nhận định điểm chuẩn vào một số ngành của trường có thể tăng một chút so với năm ngoái, dao động từ 0,5 - 1 điểm. Riêng những ngành có điểm trúng tuyển ở những năm đã rất cao, năm nay, điểm chuẩn sẽ khó có thể tăng hơn.

Chuyên gia dự báo biến động điểm chuẩn đại học - 1

Một số ngành tăng không đáng kể

Từ kinh nghiệm 3 năm trở lại đây, TS Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ với ĐH Hà Nội, ngành có điểm chuẩn đầu vào cao là những ngành thị trường đang có nhu cầu, chẳng hạn Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh. 4 ngành này có điểm cao nhất.

Một số thí sinh chia sẻ do điểm số hạn chế, các em không có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào ngành học mong muốn thuộc ĐH Hà Nội. Các em băn khoăn, nếu trúng tuyển vào ngành không yêu thích nhất, sau khi vào học có được chuyển sang ngành khác hay không. Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội trao đổi theo quy định, thí sinh không thể chuyển sang ngành khác.

Ví dụ, một số thí sinh muốn học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng biết khó đỗ được ngành này nên đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Nga, thường lấy điểm thấp hơn. Khi đã vào học Ngôn ngữ Nga, thí sinh không thể bỏ ngành này để chuyển sang học ngành Ngôn ngữ Anh.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương cho hay sinh viên có cơ hội khác để theo học ngành yêu thích, bằng cách đăng ký học song ngành, tức học cùng lúc 2 chương trình. Nếu thí sinh trúng tuyển vào trường theo ngành học bất kỳ, sau một học kỳ, điểm trung bình chung của em đạt từ 6 trở lên, sinh viên có thể đăng ký học cùng lúc ngành thứ 2 trong trường.

“Tuy nhiên, sinh viên phải duy trì cả 2 chương trình này trong suốt thời gian học 4 năm. Việc này tương đối vất vả, tùy theo cặp ngành học sinh viên lựa chọn mà quá trình học có thể dễ dàng hơn hoặc vất vả hơn” , TS Nguyễn Thị Cúc Phương trao đổi.

Năm 2022, ĐH Hà Nội chủ yếu xét tuyển theo khối D gồm tổ hợp các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhà trường xét tuyển ở 26 ngành đào tạo với tổng 3.140 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, trường còn có 240 chỉ tiêu của các chương trình liên kết quốc tế.

Năm nay, trường dành 5% trên tổng chỉ tiêu cho xét tuyển thẳng, 45% chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp theo quy định của trường, 50% còn lại cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Chuyên gia dự báo biến động điểm chuẩn đại học - 2

Dự báo điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động.

Tăng không nhiều và giảm không đáng kể

Tại buổi Tư vấn tuyển sinh trực tuyến đại học chính quy năm 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ xét tuyển thẳng cao và tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi Đánh giá năng lực (ĐGNL). Vì vậy, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn năm ngoái.

Để có thể dự đoán điểm chuẩn năm nay bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ thí sinh có thể lấy điểm chuẩn của năm 2021 cộng thêm 0,5-1 điểm sẽ ra điểm ở ngưỡng an toàn để cân nhắc đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn của những ngành hot có thể tăng 1 - 2 điểm.

Ngoài ra, tùy theo ngành/chương trình đào tạo (trừ một số ngành khó tuyển), điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn 2 - 6 điểm, một số ngành “cực hot” như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Y dược, Hàn Quốc học… điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn 7-8 điểm.

Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội tăng ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển lên 20 điểm. Năm ngoái, mức điểm này là 18 điểm. Như vậy, điểm sàn năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội tăng 2 điểm so với năm trước.

Dự đoán, điểm chuẩn khối khoa học sức khỏe sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021. TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, Đà Nẵng, phân tích số thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên không nhiều như năm trước.

Ngoài ra, khối ngành Công nghệ thông tin, điểm chuẩn có thể cao hơn so với năm trước. Khối ngành này được các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm nên số thí sinh cạnh tranh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT tăng lên, trong khi chỉ tiêu lại ít đi.

Mặt khác, điểm thi khối A không thay đổi so với 2021 nhưng số thí sinh điểm 20 - 25 của khối này lại chiếm số lượng lớn. Những lý do này có thể khiến điểm chuẩn thuộc khối ngành Công nghệ thông tin cao hơn so với năm ngoái.

(Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)
Bình luận
vtcnews.vn