Dự đoán điểm chuẩn khi hơn 321.000 thí sinh từ bỏ đại học

Tuyển sinhThứ Năm, 25/08/2022 17:29:15 +07:00

Trước thông tin hơn 321.000 thí sinh từ bỏ đặt nguyện vọng xét tuyển đại học, nhiều trường đưa ra dự đoán điểm chuẩn các ngành ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.

Kết thúc thời gian mở lại hệ thống hỗ trợ thí sinh đăng ký nguyện vọng, Bộ GD&ĐT ghi nhận thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng, khoảng 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Như vậy, cả nước có hơn 321.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển vào đại. Tổng số thí sinh nhập nguyện vọng là hơn 620.000 em.

Dựa trên thống kê của Bộ GD&ĐT, ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF), nhận định số thí sinh nhập nguyện vọng năm nay giảm đáng kể so với năm trước, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học khoảng 600.000. Vì vậy, mức điểm chuẩn của các trường sẽ ổn định. Trong trường hợp tăng, điểm chuẩn cũng sẽ tăng không đáng kể.

Điểm chuẩn sẽ tương đương năm 2021

Chia sẻ với Zing, ThS Phạm Doãn Nguyên cho biết số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hiện tại cũng tương đương năm 2021.

Trong đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm không đáng kể. Ngược lại, số lượng nguyện vọng ở các phương thức xét tuyển sớm tăng khoảng 15% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, đại diện ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết vẫn chưa thể nói trước được kết quả chính xác số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký do các em còn trong giai đoạn xác nhận nguyện vọng và nộp lệ phí trực tuyến trên cổng thông tin xét tuyển của Bộ GD&ĐT, đồng thời, nhà trường cũng phải tiến hành quá trình lọc ảo.

Dự đoán điểm chuẩn khi hơn 321.000 thí sinh từ bỏ đại học - 1

Nhiều trường dự đoán điểm chuẩn các ngành ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp sẽ tương tự năm 2021. (Ảnh: Zing)

Ông Nguyên dự đoán mức điểm chuẩn của ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM ở phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT có thể tăng nhẹ từ 1-3 điểm so với năm 2021, tùy từng ngành.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã ghi nhận 30.000-40.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường - tương đương năm 2021. Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh đặt nguyện vọng 1 vào trường khá cao.

Với thống kê trên, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông, ĐH Công nghệ TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước khoảng 0,5 điểm.

“Vừa rồi, thí sinh đã có thêm 3 ngày điền nguyện vọng, nhưng tôi nghĩ điều này cũng không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của trường. Dựa trên số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký đợt 1, nếu trường tuyển đủ thì sẽ không tuyển bổ sung nữa. Tuy nhiên, cần đợi sau khi kết thúc thời gian lọc ảo, chúng tôi mới có kế hoạch cụ thể”, ông Phương nói.

Tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ThS Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết lượng thí sinh nộp nguyện vọng vào trường hiện tại ít hơn nhiều so với năm 2021.

Cụ thể, năm 2021, số lượng nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là khoảng 26.000 nguyện vọng. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/8, số nguyện vọng ở tất cả phương thức xét tuyển của trường chỉ bằng tương đương con số nêu trên.

“Với số lượng thí sinh đặt nguyện vọng này, tôi dự đoán điểm chuẩn năm nay của trường cũng cao bằng năm 2021. Những ngành có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái (khoảng 0,5 điểm) là Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc. Các ngành này đều có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng đông hơn năm ngoái”, ông Sơn cho biết.

Các trường có thể "vỡ trận" trong kế hoạch tuyển sinh

ThS Phạm Doãn Nguyên nhận định năm nay kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học trong công tác triển khai, tư vấn, hướng dẫn cho thí sinh đã gặp những khó khăn nhất định vì bị động, "chạy theo" những thay đổi "không biết trước" của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, theo ông Nguyên, với số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng giảm khá nhiều so với năm trước, các trường đại học sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể “vỡ trận” trong kế hoạch tuyển sinh.

"Năm nay, thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng khá dài, từ ngày 22/7 đến 23/8. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch năm học của các trường" ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, nếu hệ thống phần mềm của Bộ GD&ĐT đi vào hoạt động tốt thì chỉ cần quy định thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng 15- 20 ngày. Thí sinh có thể vừa đăng ký điều chỉnh, vừa xác nhận nguyện vọng và hoàn thành nộp lệ phí trên hệ thống trong cùng một khoảng thời gian theo quy định, không nên tách ra nhiều công đoạn, nhiều khoảng thời gian.

Trong khi đó, với việc thay đổi thời gian tuyển sinh của Bộ, ông Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết lịch nhập học của ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay đã trễ hơn năm ngoái khoảng 3 tuần. Thời gian tuyển sinh dài khiến trường cũng "sốt ruột".

"Năm nay, lịch học của sinh viên sẽ bị trễ. Để đảm bảo đủ lộ trình học tập của sinh viên trong năm đầu tiên, trường cũng tính đến việc sắp xếp tín chỉ sao cho phù hợp, vừa phải rồi từ từ điều chỉnh tiếp tục", ông Phương nói.

Ngoài việc kế hoạch năm học của các trường bị ảnh hưởng, ông Phạm Doãn Nguyên cho rằng thí sinh và phụ huynh cũng gặp khó khăn với quy chế tuyển sinh năm nay vì lúng túng, không nắm được thông tin hoặc không biết các bước, các quy trình đăng ký xét tuyển.

Trong đó, thí sinh phải thực hiện nhiều công đoạn khá mới như sử dụng tài khoản, dùng các mã đăng ký theo quy định (mã trường, mã phương thức, mã tổ hợp môn, mã ngành) để đăng ký trực tuyến, xác nhận nguyện vọng và nộp lệ phí trực tuyến, xác nhận nhập học trên hệ thống cổng thông tin xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

“Tôi hy vọng năm sau Bộ GD&ĐT sẽ có lộ trình kế hoạch hướng dẫn sớm hơn đến học sinh, các trường THPT, các cơ sở đào tạo và cộng đồng xã hội để thí sinh có thời gian hiểu rõ về quy trình kế hoạch và được hướng dẫn kịp thời hơn”, ông Nguyên nói.

Các mốc thời gian quan trọng tiếp theo trong quá trình xét tuyển đại học:

Trong thời gian 1 tháng qua, thí sinh chủ động trong việc đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Hệ thống đăng ký xét tuyển đã mở đến 17h ngày 23/8.

Cho đến trước 17h ngày 31/8/2022, thí sinh hoàn thành việc thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển.

Từ ngày 1/9 đến 17/9, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo.

Trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 30/9/2022, các thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung.

Các thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung vào các cơ sở đào tạo sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn