Ngày 6/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo “Trang bị năng lực số dành cho cán bộ quản lý giáo dục” với sự tham gia của hơn 300 thầy, cô là lãnh đạo, quản lý từ các phòng, ban thuộc Sở GD&ĐT, đại diện ban giám hiệu các trường học trên địa bàn.
Ông Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, từ năm 2022, ngành Giáo dục thành phố đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục trên cơ sở phầm mềm cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, ký số sổ theo dõi đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục và học bạ số của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ngành Giáo dục thành phố cũng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.
Theo ông Thụy, đến nay việc triển khai đã đạt nhiều kết quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục đào tạo.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, trong thời đại số, năng lực số là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý trường học hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, số liệu năm 2023 của Bộ GD&ĐT có khoảng 65% trường học đã áp dụng hệ thống quản lý điện tử, 85% trường học có kết nối Internet băng rộng, 70% giáo viên đã được tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và 50% trường học sử dụng phần mềm quản lý giáo dục.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại thách thức khoảng cách số giữa các vùng miền, thiếu hụt nguồn lực đào tạo.
Theo ông Hiệp, Quyết định số 4725 của Bộ GD&ĐT đặt ra các mục tiêu cụ thể như xây dựng và phát triển giáo dục số; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý giáo dục các cấp được bồi dưỡng, tập huấn và có năng lực số đáp ứng yêu cầu công việc.
Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số cụ thể, phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, cải tiến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ, bao gồm mạng Internet, thiết bị máy tính, phần mềm phục vụ giảng dạy và quản lý học sinh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng cần ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cũng như thực hiện quản lý dữ liệu học sinh và giáo viên…
“Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mới mà còn là bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại và chuẩn bị cho học sinh một tương lai tốt đẹp hơn.
Lãnh đạo là người tiên phong trong chuyển đổi số, trong ứng dụng công nghệ, thúc đẩy văn hóa đổi mới, sáng tạo trong nhà trường. Chính vì vậy, vai trò người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục rất quan trọng trong việc cải cách trường học hiện đại, thông minh”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Bình luận