Khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chỉ ra, hơn 92% phụ huynh đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Sau quá trình chuẩn bị, dự kiến ngày 27/10, chiến dịch tiêm chủng vaccine sẽ được thực hiện tại huyện Củ Chi và Quận 1 trước khi triển khai trên phạm vi toàn Thành phố. Tuy nhiên, đến nay vấn đề phụ huynh đang băn khoăn, lo lắng là những phản ứng bất lợi có thể xảy ra với trẻ.
“Vaccine COVID-19 đã chích ở người lớn rất thành công nhưng ở trẻ thì đây là lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi chưa có nhiều thông tin về hoạt động chích ngừa của trẻ em tại các nước khác nên có phần lo lắng nhất định nhưng vẫn hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ khi Thành phố sử dụng vaccine Pfizer để chích ngừa cho con mình” – Chị Phan Bích Thủy, ngụ tại Quận 1, TP.HCM có con trai 16 tuổi chuẩn bị tham gia chích ngừa COVID-19 cho biết.
Băn khoăn của phụ huynh đã được các chuyên gia lý giải. Theo phân tích của BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các loại vaccine, hầu hết ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, hiếm khi có phản ứng mức độ nặng.
Trong đó, phản ứng mức độ nhẹ chỉ khu trú ngay tại vị trí tiêm ví dụ tiêm ở bắp tay hoặc bắp chân. Khi gặp phản ứng này, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ sau tiêm và đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Theo bác sĩ Nam, đây là những phản ứng nhẹ, thông thường nhưng khi xảy ra ở trẻ em thì cả trẻ và phụ huynh đều có những tâm lý lo sợ.
"Phản ứng mức độ vừa có thể sốt cao, sốt sau khi tiêm 12 giờ hoặc cơ thể có phản ứng co giật, dị ứng tại chỗ. Những trường hợp phản ứng nặng từ mức độ 2 trở lên có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc"- bác sĩ Nam phân tích.
"Với những bệnh nhi có phản ứng thông thường tại chỗ tiêm có thể thực hiện biện pháp chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Những bệnh nhân có tình trạng rớm máu tại vị trí tiêm chỉ cần ấn bông gòn lâu hơn vào chỗ tiêm hoặc sử dụng băng dán y tế cá nhân, nâng vị trí vết tiêm bị chảy máu cao hơn tim của bệnh nhân trong vòng 2 đến 5 phút",chuyên gia BV Nhi đồng Thành phố khuyến cáo.
Theo bác sĩ Nam, với vaccine Pfizer, nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy, những phản ứng chủ yếu ảnh hưởng đến toàn thân trong vòng 7 ngày sau khi tiêm ghi nhận, 70% các mũi tiêm đã được thực hiện có phản ứng thông thường như: tình trạng đau, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, sốt, lạnh run, vã mồ hôi, đau khớp, buồn nôn...
Sau khi tiêm liều 2, các phản ứng nêu trên của cơ thể mỗi người thường ở mức độ nhiều hơn ở liều 1. Nhóm phản ứng không nghiêm trọng chiếm 372 người/1 triệu liều tiêm, phản ứng nghiêm trọng chỉ có 45 trường hợp/1 triệu liều tiêm.
Nguy hiểm nhất nhưng rất hiếm khi xảy ra là phản ứng phản vệ có thể biểu hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và không theo trình tự. Ở da có thể là tình trạng nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ, sưng môi, mặt, cổ, họng hoặc mắt; các biểu hiện về hô hấp là nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cảm giác cổ bị nghẹn lại nói và nuốt khó, thở khò khè, ho nhiều… Về tiêu hóa bệnh nhân có thể bị đau bụng quặn từng cơn, buồn nôn, tiêu lỏng. Bệnh nhân có thể rối loạn tri giác, nhịp tim nhanh, ngất xỉu.
Tại Mỹ có 5 trường hợp bị phản ứng phản vệ/1 triệu mũi tiêm. Những trường hợp bị phản vệ xuất hiện hầu hết trong thời gian 30 phút sau khi tiêm, số lượng phản vệ sau 30 phút rất ít gặp.
Từ thực tế các biểu hiện phản ứng theo các mức độ nêu trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và trẻ trong độ tuổi tiêm chủng không nên lo lắng mà cần chủ động thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế trước, trong và sau tiêm chủng. Cần theo dõi sau tiêm đối với trẻ trong thời gian ít nhất 1 tuần sau chích ngừa, nếu phát hiện có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe cần nhanh chóng thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Bình luận