• Zalo

Chuyên gia: 'Cầu thủ nữ Việt Nam có thể chơi bóng ở các giải hạng nhì châu Âu'

Bóng đá Việt NamThứ Tư, 09/02/2022 15:16:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Bóng đá nữ Việt Nam có thể cải thiện hơn nữa trình độ hiện tại nếu những cầu thủ chủ chốt như Huỳnh Như, Tuyết Dung được tạo điều kiện sang nước ngoài thi đấu.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Đoàn Minh Xương ủng hộ quan điểm cầu thủ nữ cần được tạo điều kiện xuất ngoại thi đấu nếu có lời mời. Thực tế trước đây, Huỳnh Như, Phạm Hải Yến, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Chương Thị Kiều,... từng nhận không ít lời mời của các CLB Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Có những cầu thủ được các CLB châu Âu "chấm" trong các chuyến tập huấn, thi đấu giao hữu của đội nữ Việt Nam, nhưng rốt cục hiện tại mới chỉ có trung vệ Trần Thị Hồng Nhung từng thi đấu ở CLB Chonburi (Thái Lan). 

Ngoài ra, ông Xương cho rằng bóng đá nữ cần làm hình ảnh tốt hơn để trở thành sản phẩm trong mắt các nhà đầu tư, từ đó thu hút tài trợ cho đội tuyển nữ. 

Video: Chiến thắng lịch sử đưa tuyển nữ Việt Nam đến World Cup 2023

- Cầu thủ nữ Việt Nam thời gian qua nhận được một số lời đề nghị sang nước ngoài thi đấu, tiêu biểu có Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Phạm Hải Yến được CLB Lank của Bồ Đào Nha gửi lời mời. Các cầu thủ nữ nên ra nước ngoài thi đấu để nâng cao trình độ? 

Tôi ủng hộ việc các cầu thủ nữ sang nước ngoài thi đấu khi có cơ hội. Trình độ cầu thủ Việt Nam có thể cạnh tranh được ở những nước có nền bóng đá thiên về kiểm soát bóng, chơi kỹ thuật như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,... có thể bắt đầu từ những đội hạng nhì trước. 

Xuất ngoại thi đấu sẽ giúp bóng đá nữ thay đổi định kiến. Bóng đá mang lại nhiều lợi ích cho các em, từ vinh quang, kinh tế, rồi cơ hội sang nước ngoài chơi bóng.

Tuy nhiên, các CLB phải quan tâm đến quy trình đào tạo. Để bóng đá nữ hội nhập với quốc tế, các cầu thủ nữ cần đào tạo tốt về ngôn ngữ, văn hóa, bên cạnh huấn luyện về chuyên môn đơn thuần.

Hãy nhìn nhận cả khía cạnh thương mại của bóng đá nữ. Nếu đào tạo cầu thủ tốt rồi bán cho CLB nước ngoài, các đội bóng đá nữ Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực khá lớn để tái đầu tư. Đây là xu hướng tất yếu của mọi môn thể thao. Có tài năng thì được trọng dụng, dù ở đâu trên thế giới.

Chuyên gia: 'Cầu thủ nữ Việt Nam có thể chơi bóng ở các giải hạng nhì châu Âu' - 1

Tuyết Dung in dấu giày vào 3 bàn thắng của đội nữ Việt Nam tại Asian Cup 2022. 

- Nói về chuyện xuất ngoại, dường như chưa nhiều CLB nữ Việt Nam muốn để cầu thủ sang nước ngoài thi đấu, dù nhận được chi phí chuyển nhượng? 

Phải nhìn vào thực tế là giải vô địch quốc gia hiện nay chỉ có từ 5 đến 8 đội bóng tham dự, các địa như Hà Nội, TP.HCM có 2 đội tham dự (trước năm 2021) đi nữa thì hiện tại chỉ có khoảng 200 cầu thủ chơi ở giải vô địch quốc gia.

Chuyên gia: 'Cầu thủ nữ Việt Nam có thể chơi bóng ở các giải hạng nhì châu Âu' - 2

12-doan-minh-xuong-16251462231461022970831.jpeg

Nếu đào tạo cầu thủ tốt rồi bán cho CLB nước ngoài, các đội bóng đá nữ Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực khá lớn để tái đầu tư.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Để đào tạo ra cầu thủ nữ tài năng như Huỳnh Như, Tuyết Dung không phải điều đơn giản. Các đội muốn giữ người giỏi để có thành tích cho địa phương.

Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này theo cách hài hòa, như xây dựng lịch thi đấu của giải vô địch quốc gia nữ không trùng khớp với giải đấu mà mình định cho cầu thủ xuất ngoại. Ở môn bóng chuyền, vận động viên Trần Thị Thanh Thúy có thể sang Nhật Bản chơi cho CLB CLB PFU BlueCats, xong về thi đấu tiếp cho Bình Điền Long An.

Đó là bài toán về kỹ thuật, giúp cầu thủ vừa đá cho CLB địa phương, vừa sang nước ngoài thi đấu, tăng trình độ và thu nhập. Lợi ích của CLB và cầu thủ cần được giải quyết hài hòa.

- Tuyển nữ Việt Nam đã giành vé dự World Cup 2023, nhưng nền tảng và hệ thống bóng đá nữ Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều để tiến bộ?

Tấm vé dự World Cup 2023 là dấu mốc lịch sử đối với bóng đá nữ Việt Nam. Tuy nhiên, để nhìn đúng mức, rồi sau đó đề ra chính sách đầu tư thúc đẩy bóng đá nữ phát triển, chúng ta cần đánh giá toàn diện.

Tuyển nữ Việt Nam là 1 trong 32 đội góp mặt ở World Cup 2023, nhưng nền tảng để phát triển của nền bóng đá vẫn chưa tương xứng. Đơn cử, phong trào bóng đá nữ ở Việt Nam mới có 6 địa phương đầu tư bóng đá là TP.HCM, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La và Thái Nguyên. Nguồn lực của bóng đá nữ còn hạn chế, từ cơ sở vật chất, con người, nguồn nhân lực đến tài chính. 

Chuyên gia: 'Cầu thủ nữ Việt Nam có thể chơi bóng ở các giải hạng nhì châu Âu' - 3

Giải vô địch quốc gia nữ chưa được đầu tư nhiều. 

Nếu tính cả 6 địa phương, trong trường hợp Sơn La và Thái Nguyên cũng đào tạo trẻ, mỗi nơi có khoảng 100 cầu thủ từ đội 1 tới đội trẻ, thì Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 600 cầu thủ nữ đá bóng.

Bóng đá nữ Việt Nam sau này có thể đặt mục tiêu dự World Cup thường xuyên, hay rút ngắn cách biệt với các đội bóng mạnh nhất châu Á,... nhưng để làm được điều đó, nền móng hiện tại chưa đủ vững. 

Khoảng cách giữa các đội nữ mạnh nhất Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan với châu Á, thậm chí thế giới vẫn rất lớn. Ở World Cup 2019, tuyển nữ Thái Lan thua Mỹ tới 13 bàn không gỡ.

Hay tại Asian Cup 2022, tuyển nữ Việt Nam phải tập trung phòng ngự để hạn chế bàn thua trước Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó dồn sức đá với Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa,... Khoảng cách đó vẫn lớn, dù các cầu thủ và ban huấn luyện đã nỗ lực.

Nhìn vậy để thấy đây là bài toán đầu tư. Chỉ với 600 cầu thủ đá bóng, rất khó phát triển bền vững. Phải có vài nghìn nữ cầu thủ chơi bóng, thì bóng đá nữ Việt Nam mới mạnh được. Chúng ta cần chính sách đồng bộ, từ bóng đá học đường, hệ thống đào tạo trẻ đến hệ thống thi đấu bóng đá nữ ra sao.

Vai trò của các cơ quan Nhà nước cần được đặt lên hàng đầu, lên trước yếu tố xã hội. Định kiến xã hội với bóng đá nữ còn lớn, thắng thì thưởng cho vui, còn bỏ tiền ra đầu tư thì chưa chắc. Nhiều doanh nghiệp xã hội sẵn sàng thưởng cho tuyển nữ vài tỷ để quay phim, chụp hình, nhưng nói đầu tư cho bóng đá nữ thì thời điểm này chưa nhiều. 

- Định kiến xã hội mà ông nhắc tới có liên quan đến giới tính, khi dường như rất ít bậc phụ huynh muốn con gái mình theo nghiệp bóng đá... 

Đó là thực tế ở Việt Nam. Con gái chơi bóng đá, thể thao thường không được ủng hộ, đó là định kiến. Do đó, chúng ta cần những quan tâm, đãi ngộ tốt hơn. HLV Mai Đức Chung rất đúng khi nói để chơi bóng, các cầu thủ nữ phải hy sinh rất nhiều. Đây là bài toán cần giải cho bóng đá nữ Việt Nam.

Trước mắt, hy vọng thành tích lọt vào vòng chung kết World Cup 2023 sẽ là động lực, giúp cho xã hội có nhìn nhận đúng hơn về bóng đá nữ. Từ đó, có thể huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn để đầu tư, giúp bóng đá nữ phát triển.

Chuyên gia: 'Cầu thủ nữ Việt Nam có thể chơi bóng ở các giải hạng nhì châu Âu' - 4

Tuyển nữ Việt Nam được đề xuất thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Còn hiện tại, chúng ta vui với tấm vé dự World Cup 2023, nhưng sang năm có khi lại buồn nếu đội không thi đấu tốt. Ở Việt Nam, tâm lý đám đông trong cổ vũ bóng đá vẫn tồn tại. Khen xong rồi quên, sau này đá thua có khi lại chỉ trích.

Đến năm 2024, thế hệ trụ cột hiện tại của đội nữ, từ Kim Thanh, Chương Thị Kiều, Huỳnh Như, Tuyết Dung có thể không còn ở trên đỉnh cao. Đó là khoảng trống không nhỏ mà nếu không có cái nền vững thì sẽ có nhiều vấn đề.

- Để thu hút đầu tư, bóng đá nữ trước tiên phải tự quảng bá mình là một sản phẩm tốt, có giá trị về thương mại. Khâu làm truyền thông cần được chú trọng nhiều hơn nữa, chứ không thể chỉ đợi doanh nghiệp đổ tiền vì thương cảm cầu thủ nữ? 

Nếu làm truyền thông tốt, bóng đá nữ có thể huy động nhiều hơn nguồn lực xã hội. Hiện tại, nguồn lực xã hội dành cho các cầu thủ nữ giống như làm từ thiện nhiều hơn là để giải quyết hài hòa lợi ích của đôi bên. Chúng ta cần làm rõ vấn đề quyền lợi để thu hút đầu tư, trả lời câu hỏi "đầu tư bóng đá nữ thì được lợi ích gì" của doanh nghiệp.

Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn, cách làm của VFF. Đầu tư hình ảnh cho bóng đá nữ thế nào, trả quyền lợi cho các nhà tài trợ ra sao,... Các doanh nghiệp phải được nhìn thấy lợi ích rõ ràng.

Đã có doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá nữ 100 tỷ đồng trong 5 năm. Điều đó có thể xuất phát từ tình thương, sự quan tâm cho bóng đá nữ, còn lợi ích thực tế doanh nghiệp nhận được dường như chưa cụ thể.

Đơn cử như đầu tư cho bóng đá nữ, các doanh nghiệp có thể được gắn tên, có quyền lợi ở giải vô địch quốc gia nữ. Ở bóng đá nam, mỗi CLB có một doanh nghiệp tài trợ riêng, một ông bầu riêng.

Còn ở bóng đá nữ, có thể tồn tại hình thức tài trợ tập thể. Giai đoạn đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, từng có doanh nghiệp tài trợ cho 2 triệu USD, rồi số tiền đó được chia cho các CLB.

Bóng đá nữ có thể được đầu tư theo cách tương tự. Chúng ta nên huy động đầu tư theo cách làm các gói tài trợ chung cho cả bóng đá nữ, như thế nhà tài trợ được quyền lợi nhiều hơn, gắn với ĐTQG, giải quốc gia lẫn các CLB, đồng thời nguồn đầu tư chảy đến nhiều nơi cần hỗ trợ hơn. Đó có thể là giải pháp kiếm tiền cho bóng đá nữ. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hồng Nam (Ghi)
Bình luận
vtcnews.vn