Chuyên gia cảnh báo Thế chiến 3 sau căng thẳng ngoại giao Nga - phương Tây

Thế giớiThứ Tư, 28/03/2018 07:22:00 +07:00

Căng thẳng ngoại giao giữa các nước phương Tây và Nga gần đây không phải là trường hợp riêng biệt mà nó một phần của chuỗi các hành động gây áp lực lên Nga, nguy cơ xảy ra Thế chiến 3 ở thời điểm hiện tại rất cao, chuyên gia địa chính trị Phil Butler nhận định.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia phân tích địa chính trị Phil Butler nhận định rằng căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây, xuất phát từ vụ án cựu điệp viên Sergey Skripal bị đầu độc, không phải là sự kiện riêng biệt mà là một phần của chuỗi các hành động gây áp lực lên nước Nga do các quốc gia phương Tây thực hiện trong những năm gần đây.

Chuyên gia Butler nhận định Thế chiến 3 đang cận kề hơn bất cứ lúc nào, kể từ khi cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba xảy ra vào năm 1962.

“Xem xét cách Tổng thống Trump vào cuộc vội vã, cộng với việc chỉ định ông John Bolton làm Cố vấn An ninh Quốc gia, bức tranh toàn cảnh không tốt đẹp chút nào. Mức độ gây hấn tăng lên rất nhiều. Tôi chắc chắn rằng đây là lý do tại sao ông Putin cảnh báo thế giới với những loại vũ khí tối tân mới của nước Nga.

Điện Kremlin chắc chắn biết rõ hơn bất cứ ai trong số chúng ta. Nói ngắn gọn, Thế chiến 3 đang gần hơn bất cứ lúc nào”, chuyên gia Butler nhấn mạnh.

1062720971

 Cảnh sát phong tỏa khu vực gần nhà riêng của cựu điệp viên Sergey Skripal. (Ảnh: Reuters)

Sau vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Salisbury, Thủ tướng Anh Theresa May vội vã buộc tội Nga dù cho quá trình điều tra còn lâu mới được hoàn tất. Ngoài việc làm gián đoạn quan hệ ngoại giao cấp cao với Nga bằng việc trục xuất 23 nhà ngoại giao nước này, London còn kêu gọi Mỹ và nhiều nước châu Âu hành động tương tự.

Sau đó, 23 quốc gia tuyên bố trục xuất tổng cộng 137 nhà ngoại giao Nga vì vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU khác chưa thể hiện sự đoàn kết với Anh và từ chối trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Theo chuyên gia Butler, không nên xem xét những căng thẳng ngoại giao gần đây một cách riêng biệt, khi thực tế là phương Tây phát động cuộc tấn công quy mô lớn trên mọi mặt trận nhằm vào nước Nga và Tổng thống Putin.

Vụ án vũ khí hóa học ở nước Anh chỉ là một phần của kế hoạch mở rộng bao gồm tấn công mạng, công kích về mặt chính trị xã hội, thao túng truyền thông cùng các yếu tố chiến lược và chiến thuật thực sự, chuyên gia này nhận định.

Chuyên gia Bulter cho rằng bằng việc sử dụng vụ án cựu điệp viên Skripal bị đầu độc, London và các đồng minh dường như đang muốn dùng 1 mũi tên để bắn trúng nhiều đích, tẩy chay World Cup 2018 do Nga đăng cai, làm trì hoãn dự án Dòng chảy Phương bắc 2 và gây áp lực lên liên minh quân sự Nga – Syria đang tiến tới chiến thắng tại Đông Ghouta.

Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson ngày 26/3 tuyên bố sẵn sàng hành động để chống lại các tài sản của Nga làm dấy lên lo ngại rằng đạo luật mới chống Nga có thể sẽ được thông qua.

Video: Khám nghiệm hiện trường nơi phát hiện cựu điệp viên Skripal bị đầu độc

Chuyên gia này nhận định, tất cả những vụ việc bao gồm vụ cựu nhân viên Magnitsky chết trong tù, vụ cựu đặc vụ KGB Litvinenko bị đầu độc tại Anh, vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine lẫn cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chỉ phục vụ mục đích duy nhất là hạ thấp bất cứ điều gì tốt đẹp về Nga trên trường quốc tế.

Ngày 4/3, cảnh sát Anh phát hiện cựu điệp viên Skripal và con gái bị bất tỉnh trên 1 băng ghế gần trung tâm mua sắm tại Salisbury. Thông tin ban đầu cho biết 2 người này bị đầu độc bằng chất độc A-234. Cựu điệp viên Skripal là đặc vụ MI6 với tên mã Forthwith, bị bắt vào năm 2004 tại Nga. Năm 2010, cựu điệp viên Skripal cùng 3 người khác được mang ra trao đổi với 10 đặc vụ ngầm của Nga bị phát hiện tại Mỹ.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn