• Zalo

Chuyên gia Anh gợi ý cách có thể phát hiện người nghi mắc COVID-19

Tin tứcThứ Bảy, 20/02/2021 08:17:42 +07:00Google News

Hình chụp X-quang, MRI hoặc siêu âm xương khớp có thể là gợi ý giúp các chuyên gia y tế sàng lọc người nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Đau cơ, nhức khớp là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, ở một số người, triệu chứng này nghiêm trọng hơn, kéo dài, thậm chí trở thành dạng viêm khớp dạng thấp, viêm cơ tự miễn hay hiện tượng “ngón chân COVID-19”.

Có thể sử dụng để sàng lọc bệnh nhân COVID-19

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại Northwestern Medicine, Mỹ, đã tiết lộ quá trình và nguyên nhân gây ra hiện tượng này thông qua hình ảnh X-quang. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu như vậy được công bố với thế giới.

Chuyên gia Anh gợi ý cách có thể phát hiện người nghi mắc COVID-19 - 1

Hình ảnh MRI trên vai một bệnh nhân COVID-19. Mũi tên màu đỏ là vị trí viêm khớp. Sau khi nhiễm nCoV, bệnh nhân bị đau vai, viêm khớp dạng thấp kéo dài dù các triệu chứng khác đã hết.( Ảnh: Đại học Northwestern)

Theo Eurekalert, bài báo của nhóm tác giả được công bố trên tạp chí Skeletal Radiology ngày 17/2. Trong đó, nghiên cứu đánh giá dữ liệu của bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Northwestern Memorial từ tháng 5/2020 đến 12/2020.

"Nhiều bệnh nhân bị rối loạn cơ xương liên quan COVID-19 sau khi hồi phục. Tuy nhiên, một số người có triệu chứng rất nặng, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Họ buộc phải tìm kiếm chăm sóc y tế dù đã khỏi COVID-19”, tiến sĩ Deshmukh, giảng viên tại Trường Y Feinberg, thuộc Đại học Northwestern, cho biết thêm.

Bà cũng cho biết hình ảnh X-quang cho nhóm chuyên gia biết liệu đau cơ, khớp có liên quan SARS-CoV-2 hay không. Và nó khác với hiện tượng đau nhức cơ thể do cúm thông thường như thế nào.

Bà Deshmukh nhận định bệnh nhân gặp tình trạng “ngón chân COVID-19” có những phù nề, viêm ở các mô (chứa đầy chất lỏng, sưng tấy), tụ máu hoặc thậm chí hoại tử.

Ở một số bệnh nhân, các dây thần kinh bị thương (màu sáng, phì đại như hình bên trái). Ngoài ra, người này cũng gặp hiện tượng suy giảm lưu lượng máu, dẫn đến các cục máu đông.

Tiến sĩ Swati Deshmukh, giảng viên tại Trường Y Feinberg, thuộc Đại học Northwestern, thành viên nhóm tác giả, cho biết: “Chúng tôi nhận ra virus SARS-CoV-2 có thể kích hoạt vật chủ tự tấn công theo những cách khác nhau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vấn đề về khớp vĩnh viễn”.

Theo vị chuyên gia này, hình ảnh CT, MRI, X-quang mà nhóm thu được cũng lý giải vì sao một người có triệu chứng đau cơ xương khớp kéo dài sau Covid-19. Trong một số trường hợp, bác sĩ X-quang có thể đề xuất chẩn đoán người mắc COVID-19 dựa trên những hình ảnh này, nhất là với trường hợp chưa thể sàng lọc họ có nhiễm virus hay chưa.

Tình trạng "ngón chân COVID-19" ở nhiều bệnh nhân

Trước đó, nhiều bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đã báo cáo về tình trạng ngón chân có màu đỏ, tím, sưng tấy, kèm theo cảm giác bỏng rát và ngứa. Đây là hiện tượng chilblain, thường xuất hiện vào mùa đông và cũng khá hiếm.

Chuyên gia Anh gợi ý cách có thể phát hiện người nghi mắc COVID-19 - 2

Ngón chân sưng tấy của một bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AAD)

Các vết sưng, đỏ thường tập trung ở ngón chân, thậm chí lan ra cả hai bàn chân. Những vết loét gây đau đớn, cảm giác nóng rát và ngứa. Ban đầu, các ngón chân sẽ có màu đỏ, sau đó, chuyển tím và có tình trạng viêm.

Chính vì thế, nó cũng được gọi là triệu chứng “ngón chân COVID-19”. Theo New York Times, một số tài liệu y tế từ Tây Ban Nha, Bỉ và Italy miêu tả về hiện tượng nhiều bệnh nhân COVID-19 chia sẻ về các tổn thương trên ngón chân. Hầu hết bệnh nhân là trẻ em, thanh thiếu niên.

Thống kê cho thấy các trường hợp "ngón chân COVID-19" chiếm gần 50% số ca báo cáo triệu chứng trên da của những người nhiễm SARS-CoV-2. Trước nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Northwestern, một số giả thiết khác đã được đặt ra về cơ chế nCoV xâm nhập và gây tổn thương cho các ngón chân, tay.

Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng này do viêm. Đây cũng là cơ chế mà nCoV thường xuyên dùng để tấn công các cơ quan khác, tương tự viêm phổi, suy hô hấp cấp tính.

Các giả thuyết khác cho rằng tổn thương trên do viêm trong thành mạch máu hoặc cục máu đông nhỏ, khiến hoạt động lưu thông bị tắc nghẽn.

Một số chuyên gia khẳng định hiện tượng "ngón chân COVID-19" cần được xem xét cẩn thận và đưa nó vào hệ thống kiểm tra, sàng lọc người nghi mắc COVID-19, tương tự mất vị giác, khứu giác trước đây.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn