Theo tuyên bố mới nhất từ Bộ Quốc phòng Mỹ, tầng trung tâm tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rơi xuống Trái đất trong ngày 8/5.
Hôm 4/5, tầng trung tâm dài 30 m này quay quanh Trái đất khoảng 90 phút một lần với tốc độ khoảng 27.600km/h, ở độ cao trên 300 km. Tốc độ quá nhanh này khiến các cơ quan vũ trụ không thể xác định được chính xác địa điểm nó hạ cánh khi lao xuống Trái đất.
Theo nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell tới từ Đại học Harvard, nếu mảnh vỡ của Trường Chinh 5B tiếp đất, nó sẽ tương tự như một chiếc máy bay nhỏ rơi với các mảnh vỡ văng xa trong phạm vi 160 km.
Tuy nhiên, ông ông McDowell tin rằng thiệt hại về người cũng như tài sản là rất thấp.
Các chuyên gia trước đó dự đoán phần lõi của Trường Chinh 5B sẽ bốc cháy trong khí quyển, nhưng các bộ phận được thiết kế để chịu nhiệt có thể sẽ rơi xuống Trái đất.
Do 75% Trái đất là nước và nhiều vùng đất không có người sinh sống, nguy cơ tên lửa rơi trúng một ai đó là rất nhỏ.
"Trong kịch bản tệ nhất, một trong những thanh cấu trúc của Trường Chinh 5B sẽ văng vào ai đó và có thể gây chết người. Nhưng khả năng gây thương vong cho người là không cao", ông McDowell cho biết.
Theo McDowell, với tốc độ di chuyển xấp xỉ 160 km/h, mảnh vỡ của Trường Chinh 5B có thể gây ra thiệt hại lớn về tài sản. Nhưng do các mảnh vỡ sẽ rơi vào một vùng có đường kính khoảng 160 km, sẽ chỉ có 1 đến 2 mảnh có khả năng rơi xuống khu dân cư đông đúc.
Tên lửa Trường Chinh 5B được Trung Quốc phóng lên ngày 29/4 để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo. Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp trong tình trạng mất kiểm soát. Kể từ cuối tuần trước cho đến nay, bộ phận này giảm độ cao hơn 80km.
Bình luận