Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam, do Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tuyến hôm 16/9.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động giao lưu trực tiếp trên thế giới không thể diễn ra. Giải pháp triển lãm và diễn đàn số lần này vì vậy được kỳ vọng mang đến cách tiếp cận chuyển đổi số không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, bên cạnh đó là cầu nối để các cơ quan, ban ngành, chia sẻ ý tưởng thúc đẩy nền nông nghiệp.
Diễn đàn là nơi đối thoại chính sách công-tư để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Với chủ đề "Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19", diễn đàn đã tập trung thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới, những cơ hội tiếp cận mô hình công nghệ hiện đại, kinh nghiệm số hoá thành công đối với ngành nông nghiệp.
Xu thế thiết yếu
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, hội nghị đã đề cập đến một số vấn đề chính: Thứ nhất, COVID-19 đang gây rất nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng trong nông nghiệp Việt Nam cũng như trên thế giới, nhưng đồng thời COVID-19 cũng là cơ hội để nông nghiệp nắm bắt thời cơ chuyển đổi số, ghi tên mình trên bản đồ nông nghiệp quốc tế.
Thứ hai, việc phát triển các ngành nông nghiệp tiềm năng ở các địa phương cần có một chương trình hành động cụ thể và thực tiễn.
Thứ ba, việc đưa công nghệ cao, chuyển đổi số vào nông nghiệp cần có sự phối hợp và vào cuộc hỗ trợ nhiều hơn nữa của các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, tăng cường hoạt động trao đổi của các diễn đàn tương tự.
Với hai phiên chuyên đề “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Việt Nam”; “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa Nông nghiệp Việt Nam” và phiên toàn thể “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu COVID-19”, đại diện từ các bộ, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nông nghiệp Việt Nam và quốc tế đã có quá trình thảo luận chuyên sâu về những vấn đề chính của chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu đồng tình chuyển đối số là xu thế thiết yếu để nông nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển mà còn phát huy tiềm năng, bứt phá, trở nên cạnh tranh và có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Một số ví dụ được đưa ra về cách ứng dụng công nghệ đã giúp doanh nghiệp kinh doanh nông sản và người nông dân vượt qua những diễn biến bất thường trong dịch COVID-19. Đại diện tỉnh Hải Dương cho biết, dù trong thời gian dịch bệnh, việc tiếp cận với các phương tiện công nghệ, sàn thương mại điện tử, nền tảng số khác,... đã giúp nông dân giảm bớt sự gián đoạn khi tiêu thụ nông sản.
Thách thức và bài học kinh nghiệm
Diễn đàn nhận được sự quan tâm chia sẻ ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu trong nước và quốc tế.
Về thách thức đối với chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, một số vấn đề được đề cập bao gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường, trong đó là những tác động liên quan đến chuỗi cung ứng, ngành hàng, xu thế tiêu dùng và các yếu tố “vô hình” khác.
Vấn đề nguồn nhân lực cũng vô cùng quan trọng. Theo ông Frans Lips, Bộ Nông nghiệp thiên nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan, công nghệ không thể thay thế kiến thức về hệ sinh thái, ngoài ra sẽ rất khó để người nông dân áp dụng công nghệ khi họ không thành thạo còn doanh nghiệp không có định hướng cụ thể. Chỉ bằng việc kết hợp các yếu tố bao gồm cả kiến thức và công nghệ thì mới có thể đem đến giải pháp nông nghiệp chính xác.
Bên cạnh đó, các đại diện nước ngoài cũng giới thiệu đến diễn đàn một số giải pháp công nghệ, những nhận định về thị trường nông nghiệp Việt Nam, bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ.
Ông David John Whitehead, đại diện Hiệp hội thương mại Australia tại Việt Nam cho rằng cơ hội các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Australia là rất lớn, nhưng vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường trước và xem xét về nhu cầu khách hàng cũng như tiêu chuẩn thị trường. “Các nhà sản xuất của Việt Nam cần xây dựng thương hiệu rõ ràng và có chất lượng ổn định theo thời gian để tạo uy tín về sản phẩm Việt Nam”, ông nói.
Bình luận