Theo kế hoạch, thời gian đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp Việt Nam sắp kết thúc. Trong những ngày tháng 5/1967, máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt trên khắp miền Bắc nước ta kể cả Hà Nội và Hải Phòng.
Riêng Hà Nội ngày 19/5/1967 máy bay Mỹ đánh phá cả nhà máy điện Yên Phụ, bệnh viện Bạch Mai, cầu Long Biên và nhiều địa điểm khác ở nội và ngoại thành. Các đơn vị cao xạ, tên lửa, không quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bắn rơi 10 máy bay Mỹ, hầu hết rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Đây là một trận đánh xuất sắc của quân và dân ta lập công mừng ngày sinh của Bác.
Các chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam, nhiều chuyên gia tỏ ra hết sức khâm phục Quân đội Nhân dân Việt Nam về tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí quật cường và trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ khí tài trang bị hiện đại một cách có hiệu quả do Liên Xô viện trợ; các chuyên gia trong thời gian chiến tranh cũng bị thương vong. Do đó hàng năm tại Thủ đô Maxcơva các bạn Nga chọn ngày 5/8 – ngày Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, làm ngày gặp mặt của cựu chiến binh Nga từng sang công tác ở Việt Nam.
Trong những năm chiến tranh cũng như những ngày hòa bình xây dựng, khôi phục kinh tế, các chuyên gia Liên Xô đã để lại đầy ắp những kỷ niệm sâu sắc trong lòng quân và dân hai nước Việt Nam – Liên Xô. Trong đó phải nói đến chuyến đi vượt qua bom đạn về thăm quê Bác năm 1967.
Thể theo nguyện vọng của các bạn Nga, trước khi về nước họ được đến thăm quê hương Bác Hồ.
Đây là tình cảm, nguyện vọng chính đáng chúng ta không thể từ chối. Mặc dù vào thời điểm này trên không phận miền Bắc nói chung và ở tuyến lửa Khu Bốn nói riêng, máy bay Mỹ thường xuyên thay nhau ngày đêm đánh phá hết sức ác liệt. Nhất là tuyến Quốc lộ 1, con đường vận chuyển chiến lược chi viện chiến trường miền Nam. Chính điều này các chuyên gia Liên Xô quá rõ và chính các chuyên gia là những người đã chứng kiến hàng đoàn xe vận tải kể cả tàu lửa phần lớn chỉ chạy vào ban đêm bằng đèn gầm, có khi chạy lần theo cọc tiêu hoặc người dẫn đường trực tiếp. Thế mà máy bay Mỹ vẫn đánh hơi ném bom, đánh phá gây cho ta những tổn thất về người và phương tiện vật chất. Cho nên việc tổ chức bảo đảm an toàn cho đoàn chuyên gia quân sự vào thăm quê Bác đâu có giản đơn.
Mặc dù các chuyên gia nói muốn đi, có gì xảy ra các đồng chí chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nói là một việc, còn tổ chức đi làm sao bảo đảm an toàn là trách nhiệm của chúng ta. Do đó phải tính toán thật tỉ mỉ, thận trọng, phải chọn thời cơ thuận lợi để tổ chức chuyến đi. Có phương án xử lý sự cố xảy ra trên đường đi… Và cuối cùng chúng ta chọn phương tiện đưa đoàn đi bằng xe U oát mới tinh có ngụy trang, chọn những đồng chí lái xe thiện nghệ nhất và trang bị lương khô, nước uống, thuốc men cứu thương đầy đủ trước khi xuất phát.
Xe rời Hà Nội khoảng 4 giờ chiều đến Ninh Bình trời choạng vạng tối, xe bắt đầu bật đèn gầm tăng tốc tiến thẳng hướng vào Thanh Hóa – Vinh. Khi đoàn xe đến gần Hoàng Mai nơi giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An, đây là điểm thắt, hai bên núi đá, chen giữa là giao điểm Quốc Lộ 1 và đường sắt bị máy bay ném bom. Nhiều xe tải phía trước dừng lại, số chạy sơ tán về nhiều hướng vì đường tắt. Cảnh khói lửa, người bị thương, xe cháy trước mặt và tiếng máy bay địch đang gầm rú xé nát trời đêm đòi hỏi người chỉ huy phải quyết đoán mau lẹ.
Đoàn đi quyết định rời xe và mời các bạn Nga cùng chạy bộ vượt qua điểm tắt. Trong đêm không thấy nhau nên gọi nhau í ới cả tiếng Nga lẫn tiếng Việt, còn xe có nhiệm cụ luồn lách bám theo. Chúng tôi vượt mấy trăm mét, trong khói bom khét nẹt có lúc phải nín thở thì đoàn xe cũng kịp bò tới. Tất cả mở cửa lên xe, mò kiểm tra đủ người, chúng tôi tăng tốc phóng về thành phố Vinh và nghỉ lại sức để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình về thăm quê Bác.
Nói là nghỉ để lấy sức nhưng trong thực tế không ai chợp mắt được, nhất là các bạn Nga vẫn ám ảnh trận bom ở Hoàng Mai. Thực ra mà nói phần đông các bạn tuy tướng tá cấp cao nhưng chưa trải qua thử thách nhiều trong chiến đấu ở Việt Nam nên bạn chập chờn khó ngủ là lẽ đương nhiên. Còn chúng tôi canh cánh lo sao chuyến đi trót lọt “đi đến nơi về đến chốn”. Cả hai bên thao thức đều có lý do riêng của mình, nên mới tờ mờ sáng chúng tôi đã có mặt đầy đủ lên xe để tiếp tục hành quân về thăm quê Bác.
Những ngọn gió ban mai mát rượi luồn qua cửa kính, ánh bình minh nhuộm đỏ phía chân trời, nhìn nét mặt các bạn Nga ai nấy đều vui tươi rạng rỡ. Tiếng nói tiếng cười rộn rã trong xe. Ở xe số 1 dẫn đầu do ngẫu hứng các bạn hát bài “Chiều Maxcơva” vang vọng theo chiều gió nghe sao dịu êm, tha thiết. Nhiều đồng chí mải mê ngắm vùng quê tươi đẹp bao bọc với lũy tre làng, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn với những cánh cò chấp chới xa xa. Nhìn những em bé đội mũ rơm ngồi trên lưng trâu thổi sáo, cảnh bà con nông dân tấp nập hối hả lao động trên đồng, có đồng chí nói: “Ở đây ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh thật khó phân biệt”.
Mải mê trò chuyện, ngắm cảnh, ngắm người, xe chở đoàn đã đến làng Kim Liên quê Bác. Các đồng chí lãnh đạo địa phương và đồng chí phụ trách nhà lưu niệm ra đón đoàn và hướng dẫn xe chạy sơ tán ẩn núp dưới những lùm cây.
Còn chúng tôi cùng bạn xếp hàng đi vào thăm nhà Bác. Các bạn Nga vô cùng xúc động đến ngỡ ngàng vì nghĩ rằng nhà Bác có lẽ cũng to, có đủ tiện nghi. Không ngờ chỉ là nếp nhà nhỏ đơn sơ tọa lạc giữa miền quê yên ả. Trước sân có những hàng rào dâm bụt xanh rờn, được cắt tỉa công phu. Những đàn bướm lượn vòng hút nhụy trên những bông hoa đỏ rực. Nhà Bác đơn sơ vậy ư? Những tấm che cửa bằng lá cọ được chống lên, ngôi nhà ngập đầy ánh sáng, nói đúng hơn ngập đầy ánh mắt. Các bạn nhìn từ chiếc bàn thờ cũ kỹ in nét phong trần, nhìn chiếc chõng tre, chiếc khung cửi bằng gỗ thời xa xưa, đến chiếc võng đay huyền thoại còn ấm lời ru đang mắc ở góc nhà.
Tác giả Nguyễn Đắc Tấn, sinh năm 1937, cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Phú Yên. Bài viết “Một lần cùng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về thăm quê Bác” của tác giả đoạt Giải nhất Cuộc thi viết "Kỷ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt - Nga" do Hội Hữu nghị Việt - Nga tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại (1917 - 2017).
Các bạn nói nhà Bác Hồ đây ư, hay cảnh thần tiên ảo ảnh? Khi đồng chí phụ trách giới thiệu đến cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Hồ Chủ Tịch, đậu bảng nhãn, tôi là người dịch trực tiếp hết sức lúng túng đến bối rối. Vì vốn tiếng Nga có hạn, không hiểu rõ học vị Bảng nhãn ngang với học vị nào mà tôi chưa hề biết, nên người toát mồ hôi tôi dịch liều Cụ thân sinh của Bác Hồ đậu Đít-lôm. Các bạn dịch sao nghe vậy chứ sao biết được. Sau đó đồng chí Phó Tư lệnh vỗ vai tôi phê bình một cách nhẹ nhàng với giọng rất vui: “Sao hôm nay cậu hạ học vị của cụ Nguyễn Sinh Sắc – lẽ ra cậu dịch từ Tiến sĩ thì sát hơn”. Tôi vâng dạ và cười xòa cảm ơn thủ trưởng chứ chẳng dám phân trần.
Kết thúc chuyến thăm quê Bác tuy ngắn ngủi nhưng để lại biết bao kỷ niệm tuyệt vời đối với các bạn Nga, nhiều đồng chí phát biểu cảm tưởng là rất toại nguyện về quãng đời mình vinh dự được sang công tác chiến đấu ở Việt Nam, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn lớn của nhân dân Liên Xô, được trực tiếp đến thăm quê hương tươi đẹp của Người trong những ngày mưa bom bão đạn. Nhiều bạn nói hết sức cảm động “Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng đã sinh thành một vĩ nhân kiệt xuất của thời đại”.
Bình luận