Theo RT, mức phí này được công khai trên trang web của Hội đồng cố vấn an ninh nước ngoài (OSAC) thuộc Bộ Ngoại giao hôm 14/8 nhưng chỉ thực sự thu hút sự chú ý khi được đăng tải trên tờ Politico hôm 19/8.
Theo đó, hành khách trước khi lên máy bay sẽ phải ký một thỏa thuận cho vay có kỳ hạn và có nguy cơ không được gia hạn hộ chiếu nếu không thể hoàn trả khoản vay này. Chi phí cho mỗi người là 2.000 USD (hơn 45 triệu đồng) hoặc hơn.
Thỏa thuận này nằm trong tờ khai Yêu cầu hỗ trợ hồi hương. Sau khi nộp tờ khai, những người muốn di tản sẽ chờ email từ Đại sứ quán Mỹ tại Kabul trước khi vượt qua các trạm kiểm soát của Taliban để đến sân bay.
Một phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói với Politico rằng "luật pháp Mỹ quy định việc hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ hoặc nước thứ ba phải được cung cấp dựa trên cơ sở hoàn trả ở mức tối đa có thể thực hiện".
Thông tin về khoản phí 2.000 USD này lập tức gây ra làn sóng chỉ trích gay gắt.
"Ồ, bạn có muốn thoát khỏi Taliban không? Cái giá phải trả ngang với tiền thuê nhà 1 tháng đó", giám đốc truyền thông John Cooper của Heritage Foundation viết trên Twitter.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Trong những trường hợp đặc biệt này, chúng tôi không có ý định tìm kiếm bất kỳ khoản bồi hoàn nào từ những người chạy trốn khỏi Afghanistan".
Không rõ quyết định không thu phí chuyến bay di tản này có phải xuất phát từ áp lực dư luận hay không.
Theo ước tính, còn khoảng 5.000 đến 10.000 công dân Mỹ, thường trú nhân và thành viên gia đình của họ vẫn đang mắc kẹt tại Afghanistan.
Bình luận