• Zalo

Chuyện chưa kể về người thiệt mạng vì tai nạn máy bay cùng Anh hùng Gagarin

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 24/07/2022 08:03:44 +07:00Google News
(VTC News) -

Vladimir Seregin (có tài liệu viết là Seryogin) đang ngồi cạnh phi hành gia đầu tiên của thế giới trong buồng lái của chiếc MiG-15 khi nó bị rơi, ngày 27/3/1968.

10h10 sáng, sân bay Chkalovsky gần Moscow. Hai phi công đang ở trong buồng lái của chiếc máy bay chiến đấu huấn luyện MiG-15 UTI, bao gồm cả người đầu tiên của thế giới bay vào vũ trụ, Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin. Tờ RBTH của Nga thuật lại chuyến bay hôm đó: “Cả hai người hơi lo lắng: chuyến bay đã bị hoãn và hai phi công đang chờ máy bay trước kết thúc nhiệm vụ”.

Chuyện chưa kể về người thiệt mạng vì tai nạn máy bay cùng Anh hùng Gagarin - 1

Yuri Gagarin (thứ hai từ trái sang) và phi hành gia Alexei Leonov (trái) sau chuyến bay trên chiếc MIG-15 vào năm 1964

Lúc 10h19, cuối cùng họ cũng cất cánh. Gagarin liên lạc với kiểm soát mặt đất. Giọng anh bây giờ nghe bình tĩnh và rõ ràng. Sau ba phút, anh báo cáo máy bay đã đạt đến giới hạn leo cao và yêu cầu được phép lên độ cao 4.200m. Hai phút sau, anh nói về việc đi qua rìa trên của những đám mây. Tuy nhiên, trong sáu phút, Gagarin báo cáo với bộ phận kiểm soát mặt đất với cùng giọng điệu điềm tĩnh về việc hoàn thành nhiệm vụ trong khu vực và yêu cầu được phép quay đầu hạ cánh. Điều này gây bất ngờ cho các kiểm soát viên không lưu, vì thời gian chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mới chỉ trôi qua một nửa. Tại thời điểm này, liên lạc với các phi công bị cắt đứt.

Đồng hồ chỉ 10h29 khi chiếc máy bay chiến đấu của họ xoay vòng vòng và lao xuống mặt đất ở một địa điểm cách sân bay 65 km. Vụ tai nạn ngày 27/3/1968, đi vào lịch sử chủ yếu vì cái chết của Gagarin. Nạn nhân thứ hai, phi công hướng dẫn bay Vladimir Seregin, thường ít được nhắc đến hơn, mặc dù, người đứng đầu Trung tâm Đào tạo Phi hành gia đã nhất quyết yêu cầu anh tham gia chuyến bay với Gagarin.

Chim ưng của Stalin

Vladimir Seregin sinh ra trong một gia đình có bố làm nhân viên bưu điện. Sau khi tốt nghiệp ra trường năm 18 tuổi, ông gia nhập Hồng quân. Người ta ghi nhận tài năng và tình yêu của chàng trai trẻ dành cho hàng không, vì vậy họ đã gửi anh đi học phi công. Seregin tốt nghiệp năm 1943 và ra trận với tư cách là một phi công quân sự.

Chuyện chưa kể về người thiệt mạng vì tai nạn máy bay cùng Anh hùng Gagarin - 2

Vladimir Seregin

Anh nhận giải thưởng đầu tiên của mình (Huân chương Sao Đỏ) vào đầu năm 1944. Các tài liệu giải thưởng đề cập những chiến công sau đây: Sau tay lái chiếc phi cơ IL-2, anh thực hiện nhiệm vụ ném bom tấn công xe tăng ở khu vực làng Marievka. Các khẩu súng phòng không của Đức bắn lên từ mặt đất, nhưng Seregin đã cố gắng nhắm bắn và tiêu diệt hai xe tăng. Ngày hôm sau, một tình huống tương tự đã xảy ra. Dù phải né tránh hỏa lực của đối phương, anh vẫn đánh bom thành công ba toa tàu ngụy trang của quân Đức gần Stalinodorf.

Một lần, anh đã cứu sống một phi công Liên Xô đang bị tấn công bởi một chiếc Fokke-Wolf của Đức. Seregin bắn một loạt đạn dài, sau đó chiếc tiêm kích Fokke-Wolf phun khói và lao thẳng xuống đất. Seregin bị thương, nhưng đã lết về được sân bay và hạ cánh khi chiếc máy bay của anh chỉ còn một càng đáp.

Trong suốt cuộc chiến, Seregin đã thực hiện 140 phi vụ chiến đấu và 50 chuyến bay trinh sát. Những con át chủ bài của không quân Liên Xô như ông được gọi là “những con chim ưng của Stalin”. Năm 1945, Seregin trở thành Anh hùng Liên Xô.

Người hướng dẫn bay của Gagarin

Sau chiến tranh, Seregin tiếp tục làm việc trong lĩnh vực hàng không và đến Học viện Không quân để bổ sung lý thuyết, thực hành. Sau đó, sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã thử nghiệm các cải tiến mới của máy bay chiến đấu MiG-15 và MiG-17. “Anh ấy đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ở mọi mức độ phức tạp, bao gồm cả các chuyến bay bị tắt động cơ,” hồ sơ nhân sự của Seregin viết.

Vào giữa những năm 1960, Seregin được bổ nhiệm làm chỉ huy một trung đoàn không quân và phụ trách huấn luyện bay du hành vũ trụ. Những nhà du hành vũ trụ đầu tiên ở Liên Xô là phi công chiến đấu (vì những người này đã quen với lực G (gia tốc tương đối của vật so với khi rơi tự do, và được tính theo gia tốc trọng trường), tịnh trạng không trọng lực và sẵn sàng ngoặt lái trong điều kiện tiếng ồn, độ rung và tốc độ cao. Vladimir Seregin có kinh nghiệm bay trong điều kiện khắc nghiệt.

Chuyện chưa kể về người thiệt mạng vì tai nạn máy bay cùng Anh hùng Gagarin - 3

Nữ phi hành gia vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Tereshkova và Vladimir Seregin

Các đồng nghiệp của ông thường kể lại câu chuyện về một lần Seregin bay trên một máy bay chiến đấu siêu âm qua một cơn bão tuyết và hạ cánh gần như mù trong điều kiện tầm nhìn gần như bằng không. Bằng cách nào đó, anh cũng hạ cánh được một chiếc máy bay đã bị hỏng cơ cấu lái. Và anh từng hạ cánh máy bay chiến đấu mà không có bánh lái.

Vào ngày 26/3/1968, Nikolai Kamanin, Trợ lý Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ Liên Xô, được thông báo rằng Yuri Gagarin sẽ tham gia một kỳ thi kỹ thuật lái trên một chiếc MiG-17. Tuy nhiên, Kamanin quyết định rằng Gagarin, người đầu tiên của thế giới bay vào vũ trụ, nên tự mình thực hiện chuyến bay huấn luyện trên chiếc MiG-15 UTI. Tướng Nikolai Kuznetsov, người đứng đầu Trung tâm Huấn luyện Phi hành gia, đã tình nguyện bay cùng Gagarin, nhưng Kamanin khẳng định đó phải là Seregin.

Tài liệu mật

Lý do khiến Gagarin, người khi đó đã bay vào vũ trụ và rất nổi tiếng, phải tham gia kỳ thi một lần nữa, là một kỳ nghỉ "không bay" trong ba tháng, trong thời gian đó anh đang bận làm luận án tại Học viện.

“Những chuyến bay như vậy nằm trong chương trình đào tạo của tất cả các phi hành gia. Nếu không có chúng, như chúng ta vẫn nói, rất khó để có thể bay được. Các chuyến bay giúp không chỉ trau dồi kỹ năng chuyên môn của bạn mà còn kiểm tra khả năng làm việc trong điều kiện quá tải và tiếng ồn ”, ông Kamanin viết trong hồi ký.

Việc bay với một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm như Seregin không gây nghi ngờ gì. Ngay cả sau khi tất cả thông tin liên lạc với chiếc MiG-15 UTI bị mất, mọi người vẫn tin tưởng các phi công vẫn có thể hạ cánh bắt buộc thành công hoặc phương án cuối cùng là nhảy dù.

Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều không xảy ra. Máy bay bị nổ tung thành nhiều mảnh trong bán kính một km, và thi thể của các phi công vẫn chưa được phát hiện cho đến sáng hôm sau. Kết quả của cuộc điều tra là 29 tập tài liệu được xếp vào dạng "mật" và thậm chí một kết luận ngắn gọn về hoàn cảnh cái chết của Gagarin và Seregin cũng không được công bố.

Chuyện chưa kể về người thiệt mạng vì tai nạn máy bay cùng Anh hùng Gagarin - 4

Các di vật của Yuri Gagarin và Vladimir Seregin, được tìm thấy tại hiện trường tai nạn

Chỉ đến năm 2011, dựa trên các tài liệu được giải mật, nguyên nhân (giả định) của vụ tai nạn được cho là do một trong các phi công ngoặt lái mạnh (vẫn chưa rõ chính xác là do ai thực hiện). Do đó, chiếc máy bay đã bị quay vòng và va chạm với một bóng thám không (khinh khí cầu theo dõi tình hình khí tượng). Một giả thiết khác là máy bay của Gagarin và Seregin đã bay gần một máy bay chiến đấu khác và rơi vào vào vệt xoáy không khí của nó rồi bị rơi.

Nguyễn Xuân Thủy
Bình luận
vtcnews.vn