Kỳ 1: Bí mật đến phút chót
Thời gian gần đây, một câu chuyện đang gây xôn xao dư luận khi tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã về huyện Quốc Oai (Hà Nội), để dâng hương tại nhà thờ dòng họ Phan Huy. Đã có rất nhiều nghi vấn và đồn đoán xung quanh sự kiện này, nhất là câu hỏi: Liệu ông Ban Ki-Moon có phải là hậu duệ của người Việt, nhất là dòng họ Phan Huy? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, để xác minh rõ hơn về câu chuyện.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm giữa thôn Thụy Khuê, ông Phan Huy Thanh, trưởng chi 2, đời thứ 16 dòng họ Phan Huy tại xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) đã xác nhận về chuyến viếng thăm nhà thờ dòng họ của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 23/5/2015.
Ông Thanh hiện vẫn đang còn lưu giữ khá nhiều hình ảnh về chuyến viếng thăm của ông Ban Ki-Moon mấy tháng trước, trong đó có cả đoạn lưu bút có chữ ký của ông với nội dung: “Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước ngôi nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan. Cám ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản ngôi nhà thờ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên” (bản dịch của dòng họ).
Ông Phan Huy Thanh |
Ông Thanh bảo, mọi việc diễn ra quá bất ngờ, bởi trước khi chuyến viếng thăm diễn ra tầm 5 hôm, bỗng có một người phụ nữ lạ mặt (sau mới biết là thư ký của ông Ban Ki-Moon) đến nói chuyện với ông thủ từ của nhà thờ, bảo là sắp tới sẽ có một đoàn của Liên Hợp Quốc đến thăm. Tất cả những thông tin khác đều không được tiết lộ.
Bản thân ông Thanh cũng như những người khác lúc đó vẫn nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường. Bởi vì, nhà thờ là một di tích lịch sử đã được nhà nước công nhận, cho nên thường xuyên có nhiều đoàn khách tìm đến thăm quan.
Tuy nhiên, trước khi sự kiện diễn ra 2 ngày, cứ mỗi buổi lại thấy có 1 đoàn làm công tác an ninh tìm đến thôn Thụy Khuê, họ xem xét địa bàn, dọn dẹp khu chợ ngay trước lối dẫn vào nhà thờ, bảo vệ nghiêm ngặt. Lúc đó, mọi người cũng lờ mờ phỏng đoán người sẽ đến vào ngày 23/5 là một nhân vật rất quan trọng, nhưng không đoán ra được đó là ai?
Nhà thờ dòng họ Phan Huy ở thôn Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội |
Mãi đến tối 22/5, sau khi tìm lại được số điện thoại của người phụ nữ đến đặt vấn đề trước đấy 5 hôm, ông trưởng họ gặng hỏi mãi, thì người phụ nữ mới tiết lộ là chính ông Ban Ki-Moon – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ về thăm nhà thờ dòng họ, yêu cầu những người trong đoàn tiếp đón phải mặc trang phục dân tộc, và số người cũng hạn chế. Đồng thời, họ yêu cầu tất cả phải tuyệt đối bí mật.
Nhắc đến đó, ông Thanh cười xòa: “Như tôi hiểu, tuyệt đối bí mật sẽ là không có thông báo, không có quay phim chụp ảnh. Trong chuyến viếng thăm hôm đó, tôi thấy trong đoàn đi kèm ông Ban Ki-Moon có người chụp ảnh, nhưng về phía mình thì hoàn toàn không có bất cứ một ai, bất cứ phóng viên nào. Bản thân tôi cũng luôn tôn trọng yêu cầu đó. Thế nhưng, sau mấy tháng, không hiểu thông tin thế nào mà lại lọt ra ngoài. Chính xác hơn là suốt 2 ngày hôm nay, có rất nhiều đoàn phóng viên đến thôn Thụy Khuê xác minh câu chuyện”.
Hỏi về lý do tại sao lại có những bức ảnh chuyến thăm của ông Ban Ki-Moon, ông Thanh cho biết vì yêu cầu tuyệt đối bí mật trước đó, nên ông cùng mọi người trong đoàn tiếp đón đã nhất trí không ai mang theo đồ nghề chụp ảnh.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy, thấy vợ chồng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc rất thân thiện, lịch sự và nhã nhặn, nghĩ phải lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ này, ông mới tiến đến xin phép chụp ảnh. Sau khi trao đổi với ông Ban Ki Moon, thư ký nói lại là được chụp thoải mái, thế là mọi người trong dòng họ tức tốc cử một người chạy ra ngoài thuê thợ ảnh.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc giao lưu và chụp ảnh cùng mọi người trong dòng họ |
Vợ chồng ông Ban Ki-Moon đến thôn Thụy Khuê lúc 4h chiều ngày 23/5, cả đoàn 10 người, ngoài phiên dịch thì tất cả đều là người nước ngoài. Chuyến viếng thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy chỉ diễn ra tầm 45 phút. Lúc đến, gặp ai trong đoàn tiếp đón, ông Ban Ki-Moon cũng bắt tay và nói từ “cảm ơn” bằng tiếng Việt khá sõi.
Sau khi giới thiệu đầy đủ, những người trong dòng họ đã mời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào trong nhà thắp hương. Thắp hương xong, ông Ban Ki Moon đi dạo và ngắm nhìn khắp quang cảnh nhà thờ. Sau đó, ông lại tiếp tục ngồi với mọi người trong dòng họ và xem Thế Thứ Đồ (bản sơ đồ của dòng họ).
Tính từ đời cụ tổ cho đến nay có ghi trong gia phả đã được 17 đời. Đây là dòng họ rất lớn khởi phát từ làng Thu Hoạch, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó có một chi rời ra đến xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nằm ngay dưới chân Chùa Thầy. Cụ tổ là Phan Công Trầm, cho đến đời thứ 7 là cụ Phan Huy Cẩn mới dời ra bắc lập nghiệp.
Lúc xem Thế Thứ Đồ của dòng họ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có hỏi một câu mà đến giờ ông Thanh vẫn nhớ nhất: “Thế cụ Phan Huy Chú nhà mình, chữ Chú có nghĩa như thế nào?” - Mọi người có mở quyển gia phả ra và giải thích cặn kẽ trong khi Tổng thư ký rất tập trung lắng nghe thông tin qua người phiên dịch.
Ông Ban Ki Moon ghi lưu bút nhân chuyến thăm ngày 23/5 tại thôn Thụy Khuê, Sài Sơn |
ết thúc chuyến thăm, ông Ban Ki Moon xúc động viết lưu bút vào một quyển sổ, rồi ra bế 2 cháu bé trong dòng họ chơi đùa. Lúc ra về, thấy Tổng thư ký rất vui vẻ thoải mái, tình hình cũng không còn nghiêm mật như trước chuyến thăm nữa, dân tình người ta xúm đến, ông Ban Ki-Moon vẫn lịch sự bắt tay và chào tất cả mọi người trước khi lên xe.
Kể đến đấy, ông Thanh lại cười: “Dòng họ trước đó nhóm họp cũng xác định là phải tặng ông ấy quà lưu niệm. Thống nhất mãi mới quyết định chọn quà tặng là bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí. Ông đến thăm nhà thờ họ Phan Huy, thì bộ sách ấy là bộ sách có giá trị nhất. Tuy nhiên, sau qua cô thư ký mới biết là giáo sư Phan Huy Lê đã có tặng ông ấy mấy cuốn như thế rồi. Nhưng lúc ấy, ông vẫn lịch sự nhận lấy và cảm ơn với một thái độ rất trân trọng, đó là điều tôi cảm thấy rất đáng quý”.
Cho đến giờ, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh thân thế của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhất là sau chuyến viếng thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy. Tuy nhiên, như ông Phan Huy Thanh khẳng định, tất cả đều chỉ là những lời đồn thổi và chưa có căn cứ.
Nhưng dù sao, câu chuyện ngày 23/5 cũng là một sự kiện đặc biệt ở xã Sài Sơn. Bản thân ông Thanh và mọi người trong dòng họ rất xúc động về chuyến viếng thăm ấy. Ông Thanh đã làm một bài thơ để ghi nhớ về sự kiện này, ông bảo, bài thơ có tiêu đề là: Tình không biên giới.
Vạn dặm tìm về báo đức ân/ Giao lưu thắm thiết để thêm gần/ Mấy nén hương thơm trình quý tổ/ Mươi dòng cảm xúc tặng thân nhân/ Nước Hàn muốn nghĩa luôn tươi sáng/ Nước Việt mong tình mãi mãi xuân/ Hứa hẹn chung tay cùng góp sức/ Cho cây hữu nghị đẹp muôn phần.
Còn tiếp…
Hải Minh
Bình luận