• Zalo

Chuyện chưa biết về người phục dựng trò chơi 'tế nhị' nhất Việt Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 27/02/2018 19:30:00 +07:00Google News

Nguyên bản của lễ hội “Linh tinh tình phộc” còn có trò "tháo khoán" vào lúc nửa đêm, tức là khi đèn tắt hết, trai gái thả sức quan hệ tình dục.

Đêm 11, rạng sáng 12 âm lịch, tại xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ), diễn ra màn Lễ Mật “tế nhị” nhất Việt Nam. Người dân trong vùng đều mong chờ lễ lội này, người nơi xa cũng rủ nhau kéo đến dù thời điểm diễn ra “trò chơi” là nửa đêm. Nhưng ít ai biết về người phục dựng lại lễ hội thú vị này. 

Lễ hội “tế nhị”

Đây là một nghi lễ cổ xưa, còn lưu giữ duy nhất ở vùng đất Tổ. Lễ hội này có tên khá hài và khó hiểu, đó là “Linh tinh tình phộc”. Nó còn có tên khác là “Lễ hội Trò Trám”.

Đúng thời khắc chuyển giao ngày mới, đêm 11, rạng sáng 12 âm lịch, lễ hội diễn ra tại miếu Trò. Trong văn bản hành chính, thì ngôi miếu có tên như vậy, nhưng dân gian thì vẫn gọi là miếu Đụ Đị.

3539_IMG_3129

Miếu Đụ Đị. Ảnh: Phi Hùng - Công Phương 

Thời khắc này, cả vạn người quây quanh ngôi miếu nhỏ. Chủ tế sẽ tiến hành làm lễ linh đình, rồi mang hai “vật linh” thờ trong miếu ra thực hiện nghi thức gọi là “linh tinh tình phộc”. “Vật linh” là sinh thực khí gồm Nõ (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam) và Nường (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ).

Một cặp vợ chồng, hoặc đôi trai gái tại làng sẽ thực hiện nghi lễ với hai “vật linh” này. Nghi lễ có tên là Lễ Mật. Cặp vợ chồng thực hiện Lễ Mật được dân làng chọn lựa kỹ lưỡng. Họ không chỉ có hình thức đẹp, mà phải có tín nhiệm với dân làng. Được thực hiện nghi lễ, cũng là một vinh dự lớn.

Đến giờ đẹp, chủ tế miếu Đụ Đị hô lớn “Linh tinh tình phộc”, thì lập tức Lễ Mật diễn ra. Người Nam sẽ cầm chiếc Nõ đâm vào Nường do người nữ mang trên tay. Nghi thức diễn đi diễn lại 3 lần. Nếu cả 3 lần Nõ đâm trúng Nường, thì có nghĩa là Lễ Mật thành công, cả năm dân làng sẽ gặp may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió, được mùa.

tram2

 Cảnh Lễ Mật

Theo ông Chử Đức Bách, thủ nhang miếu Đụ Đị, thì hai “vật linh” Nõ và Nường được các cụ thờ cúng từ thời Hùng Vương, hàng ngàn năm trước, còn gốc tích cụ thể nó thế nào không ai biết. Các cụ kể rằng, xưa kia, Nõ được làm bằng gỗ mít, còn Nường làm bằng mo cau. Tuy nhiên, mo cau nhanh hỏng, nên sau này người dân đẽo lại bằng gỗ. Nõ và Nường được cất giữ kín đáo trong miếu, chỉ được đem ra thực hiện nghi thức Lễ Mật duy nhất một lần trong năm.

Người phục dựng lễ hội

Ít ai biết rằng, lễ hội thú vị và có nguồn gốc xa xưa, từ thời Hùng Vương này, lại chỉ mới được khôi phục lại cách nay độ 20 năm. Và ít ai biết rằng, người phục dựng lễ hội lại là một ông đồ trong làng.

Khoảng 10 năm trước, tôi về Lâm Thao tìm hiểu về ngôi nhà cổ nghi của ông Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, đã có cơ duyên được diện kiến cụ Dương Văn Thâm. Cụ Thâm đã qua đời mấy năm trước.

Cụ Dương Văn Thâm khi đó sống trong ngôi nhà cổ đã cũ nát, các vách hở tông hống, lở bở vôi vữa nằm chìm nghỉm trong vườn chuối, cách khu di chỉ Gò Mun mấy ngàn năm tuổi độ trăm bước chân.

Trong nhà chỉ có cụ ông và cụ bà, đều đã ở tuổi trường thọ. Khi đó, cụ Thâm 94 tuổi, cụ bà 90 tuổi. Con đàn cháu đống, giàu có thành đạt cả, nhưng hai cụ vẫn chỉ thích sống cuộc sống tự do, lành lẽ bên nhau trong ngôi nhà cổ nát.

DSC03033 4

Cụ Dương Văn Thâm sưu tầm nhiều nghi lễ văn hóa cổ xưa. Ảnh: Phạm Dương Ngọc. 

Hàng ngày, cụ bà Nguyễn Thị Ngó trồng rau, dọn cỏ ngoài vườn, còn cụ Thâm cặm cụi viết lách, làm thơ, hoặc pha trà đàm đạo với các bô lão trong xóm, hoặc tiếp các nhà nghiên cứu về khai thác một số thông tin văn hóa, lịch sử vùng đất vua Hùng. Các nhà nghiên cứu coi cụ Thâm là pho sử sống, là nguồn cung cấp thông tin rất phong phú và chính xác.

Video: Phụ nữ cầm gậy đánh đàn ông thoải mái trong lễ hội

Ngày đó, tôi đã được nghe chuyện của một số nhà văn, nhà báo ở tỉnh Phú Thọ rằng, đã có một số người đọc được những tư liệu của cụ Thâm, họ như mở cờ trong bụng, đem về, chép lại, rồi điền tên mình vào, coi như phát hiện đó là... của mình!

Tôi ngồi trò chuyện với cụ Thâm, thi thoảng cụ bà lại góp chuyện: cô tiến sĩ này, ông tiến sĩ nọ "chôm" công sức của chồng cụ. Rõ ràng những chuyện ấy cụ Thâm biết cả, nhưng cụ… không chấp. Tôi hỏi chuyện ấy, cụ gạt đi và bảo: "Tư liệu quý thế, không để các nhà khoa học khai thác, công bố, bảo tồn thì sao? Chẳng lẽ mang theo xuống mồ?".

DSC03028 5

 Vợ chồng cụ Dương Văn Thâm. Ảnh: Phạm Dương Ngọc

Cụ Dương Văn Thâm sinh năm 1915, tại Tứ Xã. Trước Cách mạng Tháng 8, cụ bôn ba làm nghề gõ đầu trẻ ở các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng. Sau 1945, cụ tiếp tục theo tiếng gọi của Đảng tham gia phong trào "diệt giặc dốt". Có nhiều công lao, cụ được làm ở Nha Bình dân học vụ Trung ương, rồi làm kiểm sát viên cao cấp khu vực phía Bắc.

Trong quá trình lang thang khắp chốn, cụ Thâm thấy nhiều giá trị truyền thống bị hiểu sai, bị người đời tàn nhẫn xóa bỏ. Cụ chẳng lên giọng phản đối, nhưng cụ cứ âm thầm ghi chép lại, những mong một ngày nào đó, thế hệ sau có cái nhìn sáng suốt hơn, phục dựng lại và thừa hưởng những tinh hoa văn hóa ngàn đời của cha ông.

Thế rồi một ngày, khi cụ Dương Văn Thâm cảm thấy mình đã ở cái tuổi sắp về trời, cụ liền công bố những công trình nghiên cứu của mình.

Công trình thú vị và chấn động thời đó, là về ông Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Cụ đã tìm ra gốc tích ông Tổng Cóc là ông Ký Kình, với xuất xứ tiểu sử rõ ràng. Và đặc biệt, Tổng Cóc là người rất tử tế, là lý trưởng giàu có, còn bà Xuân Hương tuy giỏi giang thơ phú nhưng... đanh đá có tiếng! Câu chuyện thật này khác xa với những huyền thoại thêu dệt về hai người.

Nhưng, thứ khiến các nhà khoa học, các nhà văn hóa giật mình thời điểm 20 năm trước, chính là ghi chép của cụ Dương Văn Thâm về lễ hội "Linh tinh tình phộc" diễn ra lần cuối cùng năm 1928.

linhtinh_tinhphoc2 6

Trò "Linh tinh tình phộc" hồi mới được phục dựng. Ảnh chụp lại

Thời đó, lễ hội được cho là tục tĩu này đã bị tẩy chay, bị chính quyền Pháp cấm đoán, nên đã kết thúc. Khi đó, cậu bé Thâm mới 13 tuổi đầu, cũng không có hơi sức đâu quan tâm đến cái trò Trám ấy cả.

Thế nhưng, khoảng những năm 50 thế kỷ trước, khi là ông đồ, lúc rỗi rãi, cụ hay sưu tầm các giá trị văn hóa làng xã quanh vùng. Nhớ lại Lễ Mật trong hội “Linh tinh tình phộc”, cụ đã đi gặp các bô lão trong làng - những người từng tham gia, chứng kiến tận mắt lễ hội đó, rồi ghi chép tỷ mỉ trong một cuốn sổ. Khi đó, lễ hội được cho là “dâm ô, tục tĩu”, bị cấm, nên cụ ghi chép rồi cất vào chiếc hòm gỗ, quên lãng nó đi. Lễ hội cũng biến mất gần thế kỷ.

Có được tư liệu của cụ Dương Văn Thâm, hàng loạt cuộc hội thảo khoa học đã diễn ra. Nhiều người vẫn cho rằng, lễ hội này rất tục tĩu, phản cảm, vì nó diễn tả trực quan hành động quan hệ tình dục của nam và nữ, nên không ủng hộ phục dựng.

Đây là lễ hội thờ sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, gọi là tục hèm. Nó ra đời rất sớm, có thể trước cả thời kỳ Hùng Vương, khi dân ta mới hình thành tư tưởng. Đến thời Đông Sơn, những lễ hội kiểu này được hoàn thiện về ý nghĩa và nghệ thuật. Những hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ vẫn còn phản ánh rõ nét tục lệ.

Nguyên bản của lễ hội “Linh tinh tình phộc” còn có trò "tháo khoán" vào lúc nửa đêm, gọi là "giờ lễ mật". Khi đó, đèn tắt hết, trai gái thả sức quan hệ tình dục. Cô nào có chửa được làng thưởng vải vóc lụa là, vì họ là minh chứng kết quả của buổi cầu tế.

Sau quá trình nghiên cứu, tranh cãi, thì rốt cuộc, tỉnh Phú Thọ đã quyết định phục dựng lễ hội "Linh tinh tình phộc". Miếu Trò nhỏ xíu, đổ nát cũng được xây dựng lại, để có không gian tổ chức lễ hội.

Lễ Mật vẫn diễn ra đúng như ghi chép của cụ đồ Thâm vào năm 1928. Tuy nhiên, chỉ có trò múa Nõ Nường là được phục dựng, còn trò “tháo khoán” không được diễn ra vì nó không phù hợp với văn hóa thời điểm hiện tại.

Video: Xem vua đi cày trong lễ "Tịch điền"

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn