Cào mòn cả móng vì nhớ hồ
9h sáng ngày 4/4/2011 nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa của TS Bùi Quang Tề tiến hành khám các vết thương. “Cụ rùa” lúc đó bị lở loét nặng, có màu hồng ở mép mai phía trước bên phải kích thước 4x10cm. Hai chân trước bị mất sắc tố nên trắng bợt bạt, màng bơi chân trước bị ăn mòn tuy nhiên vẫn còn đủ 3 móng vuốt.
Cổ bên phải có vết sẹo ăn sâu màu trắng hồng, lưng có các đốm màu trắng nhỏ như hạt đậu tương, tập trung ở phía trước và giữa đặc biệt có vết sẹo to nghi là vết đâm của xà beng. Mặt bụng của cụ màu trắng không có các vết bệnh, mũi khô không có dịch nhờn chảy ra, chứng tỏ tình trạng không đến mức quá tồi tệ.
Nhóm tiến hành thu mẫu bệnh phẩm, cấy vi khuẩn hiếu khí, cấy vi khuẩn yếm khí, cấy nấm, lấy mẫu ADN. Họ phân lập được 5 chủng vi khuẩn gồm 4 chủng vi khuẩn hiếu khí và 1 chủng vi khuẩn yếm khí. Khi soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đã phát hiện thấy vi khuẩn dạng sợi, nấm thủy mi và trùng loa kèn trên các vết loét và đốm trắng. Rùa bị lở loét là do những thứ trên gây ra. Khi bôi thuốc Castenali lên vết thương mép mai phía trước và một số vết trên chân trước, rùa không phản ứng mạnh.
15h ngày 5/4/2011 nhóm tiến hành rửa vết thương bằng Betadine, thu mẫu trên các đốm trắng trên mai xem tươi dưới kính hiển vi quang học. Các vết bệnh bôi thuốc Castenali đã se lại, rùa hoạt động bình thường.
Hai con cá trôi được thả xuống bể khi vẫn còn giẫy đành đạch đã bị “cụ rùa” cắn tan, nuốt gọn. Có lẽ do cụ đói quá. Bình thường rùa có thể nhịn ăn cả tháng nên cứ khoảng một tuần nhóm chữa trị lại cho “cụ” ăn 1-2 lần, mỗi lần 0,5-1kg cá- rất nhỏ so với trọng lượng của rùa.
Ngày 7/6/2011 nhóm của ông Tề đưa “cụ rùa” ra ngoài tiếp xúc với nước hồ 1 giờ sau đó lại cho vào bể nuôi dưỡng. Sau nhiều ngày thử nghiệm với thời gian đưa ra ngoài mỗi lúc một kéo dài, nhóm rút ra kết luận rùa đã chịu đựng được nước hồ và có thể trở lại.
Chữa trị được chừng 40 ngày, các vết thương đã tương đối lành, da mai rùa đã láng bóng, ông Bùi Quang Tề mới bảo ông bác sĩ da liễu trong nhóm chuyên gia chỉnh hình thẩm mỹ rằng: “Hãy giúp tôi chỉnh hình cái lỗ sâu trên thân “cụ rùa”. Nghe thấy vậy, vị chuyên gia ấy liền xua xua tay như phải bỏng mà từ chối rằng: “Tôi không làm được”. Thế là vết lõm sâu ở trên chân trước của “cụ rùa” đành để cho thời gian làm liền lại.
Sự kiện cụ rùa chữa bệnh thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao. Ngoài đội ngũ chuyên gia trực tiếp chữa trị còn có hai người được chạm vào da thịt của “cụ rùa” là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và bà Ngô Thị Thanh Hằng. Hôm đó là đã sang tháng 7, “cụ rùa” đã khỏe lại sau hơn 80 ngày điều trị, vẻ ngoài tuy chưa được chuẩn chỉ nhưng thần sắc rất tốt. Trước buổi đến thăm, ông Tề có nói với “cụ” rằng: “Báo cáo cụ, hôm nay có khách đặc biệt xuống thăm cụ”.
Và ông chỉ cho từng người xuống một vì lý do an toàn, sợ đông người “cụ rùa” lại bị kích động, tấn công bất ngờ. Lúc đó chẳng biết sẽ nên phải cứu rùa hay là cứu người nữa. Tổng cộng có khoảng 7-8 người được tiếp xúc vào da thịt của linh vật trăm tuổi trong quá trình điều trị lẫn sau điều trị...
Sau nhiều ngày trong bể nuôi dưỡng móng chân trước của rùa Hồ Gươm đã mòn vẹt có chỗ tới ½ do “cụ” cào vào nền đáy bể. Có lẽ là do “cụ” da diết nhớ cái màu xanh như diệp lục của nước hồ. Hiểu được tâm tư ấy, 17h45 ngày 12/7/2011 đoàn quyết định thả rùa trở lại Hồ Gươm. Trước lúc thả, ông Tề cáo lỗi rằng: “Nhốt lâu quá mong cụ thông cảm. Giờ thả cụ về hồ cho thoải mái nhé!”. Cụ bơi ra khoảng 50 m thì ngóc đầu lên và quay lại nhìn mọi người như muốn nói lời từ biệt.
Khi đưa cụ về hồ, không chỉ ông Tề cảm thấy nhẹ nhõm mà cả nhà ông đều thở phào mà nhất là người con dâu. Không phải họ sợ ông bị rùa cắn mà là sợ một người dám đụng chạm vào linh vật sống. Đầu tháng 9 năm đó, ông Tề đang ngủ bỗng nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm của ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch thành phố: “Xin mời ông ra ngay chứ suốt từ 10 h đêm đến giờ “cụ rùa” vẫn nổi lên”.
Ông liền sấp ngửa ra tới Hồ Gươm lúc 1h sáng, “cụ” vẫn còn đang nổi. Ông hỏi: “Ngày hôm nay ở Hà Nội ra sao?”. Mọi người bảo: “Buổi chiều nay mưa ngập đường Đinh Tiên Hoàng đến mấy chục cm”. Ông liền nghĩ ngay đến chuyện tất cả cống rãnh, chất thải do mưa to đã chảy hết xuống hồ gây ô nhiễm khiến “cụ rùa” không thở được đành phải nổi lên.
Sau lần đó ông Tề không bao giờ gặp mặt “cụ rùa” nữa bởi lúc trả “cụ” về hồ ông có chúc lãnh đạo Hà Nội rằng không bao giờ phải gặp lại “cụ” nữa vì bác sĩ không bao giờ muốn gặp lại bệnh nhân.
Cuối tháng 9 năm đó, ông Tề bị một tai nạn khủng khiếp. Chiếc xe ô tô do người cháu chở ông đang bon bon trên đường để đi giảng bài ở tỉnh Ninh Bình bỗng lao sầm xuống ruộng. 5 chiếc xương sườn bị gãy, tay cũng gãy, nằm mê man suốt 5 ngày như một cái xác khiến cho nhiều người nghĩ đến tình huống xấu nhất sẽ đến. Nhưng ông Tề lại hồi tỉnh để rồi nằm viện 2 tuần và được chuyển về nhà dưỡng sức. Mọi người chặc lưỡi: “Nhờ có “cụ rùa” mới cứu được ông Tề khỏi cái chết đã mười mươi trước mắt”.
Hai tháng sau, khi ông lò dò đến lớp học ở Ninh Bình, bà con xúm đến trách: “Sao ông đến muộn những hai tháng trời để chúng tôi chờ, chúng tôi đợi?”…
Ngày tận số
Trước khi “cụ rùa” thác mấy ngày, ông Tề có đến UBND TP Hà Nội để dự cuộc họp bàn cách làm sạch Hồ Gươm. Vị chuyên gia thủy sản này liền góp ý rằng: “Yêu cầu số một là phải tìm hậu duệ vì “cụ rùa” đã đến tuổi thọ. Yêu cầu số hai là phải làm sạch hồ”. Khi các nhà khoa học bàn cách nhân giống vô tính cho “cụ” thì ông phản đối gay gắt bởi vì tin rằng hậu duệ của “cụ” vẫn còn ở đâu đó ngay trên lưu vực sông Hồng, giờ chỉ việc đi kiếm tìm rồi so sánh ADN với cụ là xong…
Đó là một buổi chiều đông lạnh giá ngày 19/1/2016. Dòng người đang đi lại như mắc cửi trên đường Lê Thái Tổ đến đoạn trước cửa tòa soạn Báo Hà Nội mới bỗng trở nên tắc nghẽn vì phát hiện ra xác “cụ rùa” nổi lập lờ sát bờ. Dù đã định liệu trước được tình huống này nhưng ông Tề vẫn cảm thấy xót xa như có muối ở trong lòng.
Dù gì đi nữa giữa ông và bệnh nhân đặc biệt là “cụ” chẳng gắn bó với nhau suốt 100 ngày với bao buồn vui, kỷ niệm.
Nguồn: Dương Đình Tường(Nông nghiệp VN)
Bình luận