Từ dăm năm nay, tôi thường xuyên đến đất Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) mỗi năm vài bận. Tôi từng mê mẩn giữa sắc hoa đào, hoa mận những ngày giáp tết. Mùa đông hoa cải nhuộm vàng thung lũng. Mùa hè là khi rừng mận vào mùa quả chín. Mùa thu, hoa râm bụt trắng, râm bụt đỏ nhuộm thắm ven những lối đi.
Những bản làng ban ngày luôn đóng kín cửa, con người nơi đây sống lặng lẽ như những gợn mây lướt nhẹ trên thung lũng. Nơi đây quanh năm mây mù bao phủ và cuộc sống yên bình thơ mộng.
Nhìn sự yên bình, hoang sơ và nét chân chất của con người nơi đây không ai nghĩ rằng, chính chốn này 53 năm về trước, 27 chiến sĩ đã ngã mình hy sinh trong vụ tập kích của phỉ Châu Phà. Họ, những người chiến sĩ ấy đã anh dũng, dùng thân mình đổi lấy sự bình yên cho bản nhỏ.
Trận tập kích lúc rạng sáng
Cụ Gồng Gà Vừ, người may mắn thoát chết trong vụ tập kích của phỉ Châu Phà năm ấy. Nhắc lại chuyện đã qua hơn nửa thế kỷ, đôi mắt ông lão 97 tuổi lại ánh lên, sự minh mẫn hiện rõ qua từng lời nói rành rọt chính xác.
Trong căn nhà cất dựng theo kiến trúc truyền thống người Mông, hình ảnh Mường Lống hỗn loạn 53 năm trước hiện lên như những thước phim chảy chậm trong tâm trí cụ Gà Vừ: "Năm 1962, Công ty Nông nghiệp Nghệ An thành lập trại ươm cây giống đóng tại xã Mường Lống. Lúc đó, Mường Lống được xem là nơi rừng thiêng nước độc, những toán phỉ có thể lấy đi mạng sống người dân bất cứ lúc nào. Vì vậy, tỉnh đã ra quyết định trại ươm giống có nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ biên giới".
Lúc đó, cụ Gà Vừ là Bí thư Đảng ủy kiêm luôn Chủ tịch UBND xã Mường Lống. Trong điều kiện chiến tranh hỗn loạn, trại ươm giống cũng có một đội dân quân riêng. Cả đội được cấp một khẩu súng xteng và 3 khẩu K44, là loại vũ khí cổ, chỉ bắn vài phát súng đã đỏ nòng.
Theo cụ Gà Vừ, năm 1962, toán phỉ do tướng phỉ người Mông tên Giá Xia Súa (tự xưng là Châu Phà - Vua Trời) từ Lào tràn sang lập đồn tại Mường Lống. Vì thế, phỉ Châu Phà lúc đó là thách thức lớn đối với an ninh trật tự một vùng biên giới rộng lớn suốt thời gian dài.
Nhắc lại vụ tập kích đẫm máu ngày ấy, đôi mắt cụ Gà Vừ chùng xuống: "Vụ tập kích bi thương ấy diễn ra vào rạng sáng ngày 24/6/1964. Vào buổi chiều trước hôm xảy ra tập kích tôi đã nhận được mật báo từ công an. Họ đưa cho tôi một tờ giấy, bảo hãy cẩn thận vì đêm nay phỉ tập kích.
Ngay lập tức, tôi bố trí đồng chí Tiến, cán bộ cơ sở đi phụ trách trại cây giống. Hai người khác phòng thủ cửa hàng mậu dịch, xã đội thì bảo vệ ủy ban. Dù đã bố trí canh phòng nhưng không ai nghĩ là lực lượng phỉ nhiều và tàn ác đến thế".
Vụ tập kích xảy ra khoảng 4 giờ sáng, toán phỉ tiến đến bao vây các cơ quan ở thung lũng Mường Lống và đồng loạt nổ súng. Quân phỉ từ cổng trời và bản Sà Lày tấn công vào trụ sở ủy ban, cửa hàng mậu dịch. Tuy nhiên, chúng tập trung quân số và hỏa lực mạnh nhất vào trại ươm giống.
"Chúng được trang bị hỏa lực vượt trội với các loại vũ khí như súng trường, súng cacbin và lựu đạn. Trong khi đó ủy ban xã chỉ có tôi và một chiến sĩ bộ đội địa phương được trang bị súng. Các công nhân ở trại ươm giống cũng chỉ có vài khẩu súng thô sơ.
Đó là một trận đánh không cân sức. Sau buổi sáng hôm ấy, 27 chiến sĩ là đồng đội của tôi đã ngã xuống. Họ ra đi mãi mãi, họ đã anh dũng dùng thân mình đổi lấy sự bình yên cho bản nhỏ", nói đến đây, vị lão thành cách mạng gần trăm tuổi lại rơm rớm nước mắt.
Hạ gục tướng phỉ sau một phát đạn
Theo sự chỉ dẫn của cụ Gồng Gà Vừ, tôi tìm gặp người thương binh hạng 4/4 Lê Văn Toản (77 tuổi), người hạ gục tướng phỉ sau một phát đạn trong trận tập kích năm ấy.
Ông Toản quê xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Cha mẹ mất sớm, năm ông 20 tuổi thì cô em gái duy nhất của ông cũng bệnh tật qua đời. Để quên nỗi buồn đau, chàng thanh niên 20 tuổi rời quê, lang bạt lên miền núi tìm cuộc sống mới.
Hỏi về trận tập kích bi thương năm ấy, giọng ông Toản bỗng run run: “Tôi vào làm ở trại ươm giống được năm rưỡi thì xảy ra vụ tập kích. Cái đêm đó đã in đậm trong tâm trí tôi suốt đời, chỉ sau một đêm, tôi đã mất 27 đồng đội.
Thực sự, lúc đó chẳng ai nghĩ rằng toán phỉ lại dã tâm đến thế. Chúng dường như được huấn luyện bài bản, chỉ một loạt đạn ban đầu, kíp gác hôm ấy đã hy sinh. Sau loạt đạn đó, cả trại ươm giống hứng chịu những làn đạn như vãi trấu. Một số đông anh em nhảy xuống mương thoát nước tránh đạn lại trúng lựu đạn quân phỉ ném xuống".
Thời điểm xảy ra tập kích, ông Toản kịp cầm khẩu súng K44 và nấp vào bếp lò nấu ăn của đơn vị. Cạnh đó có thêm một tảng đá lớn đã giúp ông chắn đạn. Tuy nhiên, ông cũng bị 2 phát đạn. Một viên sạt qua mạng sườn làn xước thịt, một viên trúng phần mềm ở đùi. Khi ngớt tiếng súng, ông tự băng bó vết thương và chờ trời sáng.
Đến 8h ngày 24/6/1964, sau một loạt tấn công, khi quân phỉ đang chuẩn bị tràn vào chiếm đơn vị thì ông Toản phát hiện sự xuất hiện của tướng phỉ. Ông Toản đã liều mình, dùng khẩu súng thô sơ chĩa thẳng vào tướng phỉ. Sau một phát đạn, tướng phỉ gục xuống chết tại trận.
Tên tướng ngã, toán phỉ mất tinh thần chiến đấu. Chúng rút lui dần và sau đó bị bộ đội địa phương, công an huyện đánh bật ra khỏi địa bàn.
Hai năm liền sau đó, các lực lượng quân sự trên địa bàn đã tăng cường trấn áp. Đến năm 1966, Mường Lống trở lại yên bình như khi chưa có sự xuất hiện của toán phỉ. Trại ươm cây giống lại tiếp tục nhiệm vụ cho đến năm 2015 thì chuyển giao cho Công ty cổ phần sữa TH.
Kỷ vật vô giá
Vì một lý do nào đó, suốt nhiều chục năm sau, người ta dường như quên lãng nỗi đau rất lớn mà trận tập kích gây ra. Tuy nhiên, đối với ông Toản và một số chiến sĩ từng tham gia trận đánh, đó là một phần ký ức không thể mờ nhạt.
Kỷ vật mà ông lão 77 tuổi luôn cất giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua là mảnh giấy ố vàng, ghi lại vị trí của 27 ngôi mộ mà chính ông tự tay vẽ sau khi chôn cất các đồng đội, những người đã hy sinh trong trận toán phỉ tập kích năm ấy.
Mảnh giấy vàng ố, cũ nhưng không nát với những dòng chữ vội vã, ghi tên và quê quán của những đồng đội hy sinh. Chỉ một số người được ghi đầy đủ họ tên như các ông bà: Từ Thị Hiến, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Nhung.
"Ông Bành Đức Tư là bộ đội quê Nam Sơn (Đô Lương), Ông Sâm và bà Hảo là một đôi vợ chồng bị sát hại trong trận phục kích", ông Toản đưa ngón tay, tra tẩn mẩn tên từng người và vị trí ngôi mộ trong sơ đồ.
Ngoài ra, còn những cái tên như: Chị Nhì, chị Nghệ, anh Đào, anh Châu, chị Châu,… được ghi lại một cách có phần vội vã. Nhưng khi nói về họ, ông Toản nhớ rõ từng gương mặt quê quán: “Chị Nghệ, chị Nhì là cán bộ y tế, hai người đều chưa ai lập gia đình...”.
Năm 2006, chính quyền địa phương vào cuộc tìm hiểu về các chiến sỹ hy sinh trong trận đánh ngày 26/4/1964 để truy tặng liệt sỹ. Nhờ những ghi chép trong tấm sơ đồ của ông, gia đình liệt sỹ tìm được người thân, chính quyền thuận lợi trong việc lập hồ sơ truy phong liệt sỹ cho 27 chiến sĩ ngày ấy.
Đến năm 2012, Nghĩa trang liệt sỹ công nhân chính thức được xây dựng. Khi xây dựng nghĩa trang, một số hài cốt của các liệt sỹ (chủ yếu quê gốc Nam Đàn) đã được người thân di dời về quê nhà. Hiện tại, chỉ còn lại 13 ngôi mộ tại nghĩa trang.
Video: Những hình ảnh xúc động của những người bệnh binh tâm thần
Bình luận