Một lãnh đạo của đội CLB Bóng Đá Hà Nội khi nói về tình cảnh và tương lai đội bóng đã ví von rất hay thế này: "CLB Bóng Đá Hà Nội như chiếc siêu xe Porsche, mua mất nhiều tỷ đồng nhưng thiếu 100.000 đồng tiền xăng thì cũng chẳng chạy được".
Ví von như vậy cũng là đáng và nó cũng thể hiện một tâm lý xã hội: đôi khi chỉ cần có cái xe để oai, làm màu cho thiên hạ rồi sau đó… đắp chiếu vì không chịu nổi tiền xăng.
Quả thật với nhiều ông chủ đội bóng khi tập trung quân số không phải chỉ là thiếu 100 ngàn tiền xăng mà thiếu cả tỷ bạc đổ vào cái tàu há mồm mang tên CLB. Đó mới là cái lo, nói như các cu ngày xưa là "miệng ăn núi lở".
Tất nhiên, dù là "siêu xe Porsche" chẳng là gì nhưng trót mua phải hàng khủng, đi thì sợ va quệt, công suất lớn tốn xăng mà thể hiện đẳng cấp thì không phải lúc.
Thời buổi này chính là khi nhà giàu thì cố gắng giấu tiền đi còn người đi vay lại cố trưng ra chứng tỏ mình đang có.
Vậy nên có thể hình dung là V.League sắp tới sẽ là cuộc đua của rất nhiều siêu xe nhưng rồi cũng chẳng biết chiếc nào sẽ bỏ cuộc giữa chừng chỉ vì mấy đồng tiền xăng.
Không hiểu sao càng ngày "xăng" lại trở thành thước đo, trở thành một giá trị sống.
Mới đây một bạn đọc, được cho là học sinh có bức "tâm thư" có tiêu đề khá lạ được trang Vnexpress.net dẫn có tiêu đề "Thưa Bộ trưởng, cháu không còn tiền đổ xăng".
Bức thư gửi Bộ trưởng bộ tài chính, đại khái là dẫn chuyện giá dầu trên thế giới giảm rồi mà giá xăng trong nước vẫn đứng im, ổn định ở mức… cao. Bức thư có đoạn: "Không còn tiền đổ xăng, cháu không đi học bằng xe máy nữa mà chuyển sang xe buýt, dù phải đối mặt với việc bị móc túi, bị chen lấn….
Nhưng đâu chỉ có thế, bác chủ nhà trọ đã viện cớ giá xăng tăng rồi nên điện cũng lên 4.500 đồng/số, nước cũng thành 100.000 đồng/người… Cứ mỗi một ngày, một giờ trôi qua, người dân lại thở phào nhẹ nhõm vì hôm nay xăng không tăng. Nhưng rồi ngày mai lại phải lo âu không biết giá xăng sẽ như thế nào".
Đến như bóng đá, một cuộc chơi xa xỉ và không có lợi nhuận đã bắt đầu phải tính toán qua đổi ra "tiền xăng" thì người dân, chứ chưa nói đến các sinh viên, có cái xe máy cũ kỹ cũng chưa chắc chạy nổi vì thiếu xăng.
Lại đến chuyện ĐTVN chuẩn bị đá giao hữu với Indonesia trên sân Mỹ Đình, giá vé (đối với một trận đấu cỡ đội tuyển) là khá rẻ, thấp nhất 50 ngàn, cao nhất 150 ngàn.
Rẻ đấy và cũng lâu rồi đội tuyển mới đá ở Mỹ Đình, nhưng tình hình vé là khá… ế ẩm. Không hẳn vì người hâm mộ Việt hết yêu đội tuyển mà có vẻ như cuộc sống không phù hợp với những tình yêu như vậy nữa.
Một chiếc vé bóng đá và khoảng 7 lít xăng (tương đương một tấm vé) thực sự đã trở thành một cân nhắc đối với nhiều bạn trẻ. Thậm chí còn có người mỉa mai rằng: "Thời buổi này người ta lấy tiền đâu mà đi xem những giải đấu như vậy".
Có vẻ như là trong bóng đá, vẫn có có thể cảm nhận được hơi nóng. Nóng như… xăng.
Song An(Thể thao 24h)
Bình luận