• Zalo

Chuyến bay trễ giờ: 'Trăm dâu' đổ đầu… hãng hàng không?

Kinh tếThứ Sáu, 13/03/2015 07:37:00 +07:00Google News

Trong tình huống hoãn chuyến bay do nguyên nhân kỹ thuật là trường hợp được miễn trừ theo Luật Hàng không, song hãng hàng không vẫn phải “giơ đầu chịu báng”.

Trong tình huống hoãn chuyến bay do nguyên nhân kỹ thuật là trường hợp được miễn trừ theo Luật Hàng không, song hãng hàng không vẫn phải “giơ đầu chịu báng”.

Ngày 9/3, Vietjet và Vietnam Airlines cùng “dính” sự cố trễ chuyến bay ở hai sân bay địa phương vì lý do kỹ thuật. Chuyến bay của Vietjet trễ 10 giờ vì hệ thống phanh còn chuyến bay của VNA chậm 9 giờ vì chiếc lốp. Tình huống hoãn chuyến bay do nguyên nhân kỹ thuật là trường hợp được miễn trừ theo Luật Hàng không, song hãng hàng không vẫn phải “giơ đầu chịu báng”.

Tính mạng hành khách là trên hết


Chuyến bay VJ321 khởi hành từ Phú Quốc đi TP.HCM có giờ bay dự kiến là 08h45. Vào lúc 9h10, máy bay đã đóng cửa và khởi hành đúng giờ. Tuy nhiên, khi máy bay đang lăn bánh ra đường băng, tổ bay ghi nhận cảnh báo hệ thống phanh.
Nhà ga Phú Quốc hiện đại và khang trang.
Nhà ga Phú Quốc hiện đại và khang trang. 

Để đảm bảo an toàn cho hành khách, cơ trưởng đã quyết định dừng khởi hành, đưa khách trở lại nhà ga để kiểm tra kỹ thuật. Vietjet đã cử tổ kỹ sư từ TP.HCM bay ra Phú Quốc để kiểm tra và khắc phục.

Dự kiến ban đầu chuyến bay khởi hành vào 13h, nhưng tổ bay tiếp tục phát hiện cảnh báo lỗi. Để khắc phục triệt để lỗi kỹ thuật, cơ trưởng quyết định dừng bay để sửa chữa.

Đến 19h cùng ngày, công tác kiểm tra kỹ thuật đã hoàn tất, đảm bảo điều kiện an toàn bay, chuyến bay đã chở khách về TP.HCM, trễ hơn 10 giờ so với giờ khởi hành ban đầu.

Tại sân bay Cần Thơ, chuyến bay VN1200 đi Hà Nội của Vietnam Airlines cũng chậm chuyến gần 9 giờ vì phát hiện lốp máy bay không đạt tiêu chuẩn. Lẽ ra chuyến bay cất cánh lúc 10 giờ kém song tới 21h cùng ngày mới có thể cất cánh.

Tương tự lý do “sân bay địa phương, không có thiết bị thay thế” như Vietjet, Vietnam Airlines đã phải vận chuyển lốp từ TP.HCM xuống Cần Thơ bằng đường bộ.

Trên thực tế, chuyến bay trễ giờ càng lâu, hãng hàng không càng tổn thất nặng nề. Báo cáo của Vietjet cho thấy hãng đã tiến hành phát thanh thông báo và phục vụ ăn uống, lần đầu vào lúc 13h00 bằng phiếu phục vụ trị giá 85.000 đồng/khách (đủ để mua 1 suất bánh Burger King hoặc 1 bát phở kèm 1 ly nước).

60 hành khách có nguyện vọng chuyển ngày bay hoặc chuyển sang chuyến bay của hãng khác đã được hoàn vé (miễn mọi lệ phí) và liên hệ với hãng hàng không khác để hỗ trợ ưu tiên đặt chỗ.

 
Sẽ không có hãng hàng không nào chỉ vì muốn bay đúng giờ mà bỏ qua cả các cảnh báo an toàn, không có phi công nào nhắm mắt cho máy bay cất cánh khi biết có bộ phận hỏng hóc cần kiểm tra, sửa chữa
Đại diện một hãng hàng không
 
“Nhận thức được những phiền hà cho hành khách, mặc dù đây là tình huống bất khả kháng song Vietjet vẫn quyết định hỗ trợ thiện chí cho hành khách 300.000 đồng/ khách”, đại diện Vietjet ngày 10/3 cho biết.


Vị đại diện này còn nhấn mạnh: “Việc hoãn chuyến bay gây thiệt hại không nhỏ cho Hãng hàng không nhưng vì sự an toàn của hành khách, phi công sẽ không cất cánh khi không đảm bảo an toàn, an ninh hàng không”.

Tương tự, đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, với chuyến bay trễ gần 9 giờ, hãng đã hỗ trợ khách ăn trưa, ăn chiều, đổi vé miễn phí nếu khách có yêu cầu.

Với những hành khách trả vé, hãng đã bồi thường với mức 300.000đ/hành khách.

“Xét các quy định hiện hành, các chính sách hỗ trợ khách hàng của cả Vietjet và Vietnam Airlines đều tốt hơn các quy định đã được quy định trong các thông tư, nghị định của nhà nước”, luật sư Lê Đình Vinh, công ty luật Vietthink nhận xét.

Cần sự cảm thông, thấu hiểu

Tuy nhiên, theo đại diện của các hãng trên, dường như có một số hành khách vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu và cảm thông mỗi khi “dính” phải chuyến bay chậm hoặc hủy chuyến.

Điều này có thể hiểu được bởi tâm lý “thời gian quý như vàng”, không ai muốn mất thời gian vô ích ngồi chờ đợi ở sân bay.

Song, theo đại diện các hãng, cũng cần công bằng cho họ. Bởi, trễ chuyến do yếu tố kỹ thuật không phải trường hợp hãng có thể chủ động, và việc đảm bảo an toàn cho hành khách là trách nhiệm lớn nhất trong vận chuyển hàng không.
Theo đại diện các hãng hàng không, hành khách cũng cần trang bị cho mình những “kỹ năng” khi đi tàu bay để không quá “hoảng hốt” hay “bức xúc” khi gặp phải các sự cố hàng không hay các chuyến bay chậm, hủy chuyến.
Theo đại diện các hãng hàng không, hành khách cũng cần trang bị cho mình những “kỹ năng” khi đi tàu bay để không quá “hoảng hốt” hay “bức xúc” khi gặp phải các sự cố hàng không hay các chuyến bay chậm, hủy chuyến.  

"Sẽ không có hãng hàng không nào chỉ vì muốn bay đúng giờ mà bỏ qua cả các cảnh báo an toàn, không có phi công nào nhắm mắt cho máy bay cất cánh khi biết có bộ phận hỏng hóc cần kiểm tra, sửa chữa" - đại diện một hãng cho hay.

Có ý kiến cho rằng, đồng ý chuyến bay chậm vì lý do kỹ thuật hành khách phải chấp nhận vì tính mạng của chính mình và những người khác, song cần cải thiện dịch vụ chăm sóc hành khách khi chậm chuyến. Hành khách không bức xúc vì máy bay đang sửa chữa phải chờ mà bức xúc vì không được phục vụ chu đáo.

Ở góc độ này, “những người trong cuộc” cho rằng nói đi cũng phải ngẫm lại bởi thời gian vừa qua, các hãng hàng không, các Cảng hàng không và các công ty dịch vụ hàng không tại các sân bay nước ta đã có những nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hành khách, công tác phối hợp nên cũng đã cải thiện tình hình chậm hủy chuyến rất nhiều.

Tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không trong các tháng cuối năm là: Vietnam Airlines 76.2, Jetstar 77.3, Vietjet 80.2 (tỷ lệ này được đánh giá tốt so với các hãng hàng không trên thế giới).

Các sân bay như Phú Quốc, Cần Thơ vừa được đầu tư khang trang, sạch đẹp với hệ thống máy lạnh trung tâm, các hãng hàng không lo từng bữa ăn, nước uống cho hành khách.

Chị Trần Phương, một hành khách thường xuyên đi lại bằng đường hàng không cho biết, mới đây chị phải chờ trong máy bay của hãng hàng không danh tiếng suốt 4 tiếng ở sân bay hiện đại nhất thế giới là Abu Dhabi vì lý do kỹ thuật.

Và suốt 4 tiếng đồng hồ đó, chị không được mời dù chỉ một cốc nước, nhưng tất cả hành khách đều im lặng, kiên nhẫn chờ đợi thông báo của cơ trưởng cho tới lúc máy bay cất cánh.

“Trên máy bay khi đó có cả vợ chồng ông Tổng Giám đốc hãng máy bay Airbus. Có hành khách còn cầu nguyện cho chuyến bay bởi với họ, chuyến bay cất cánh, hạ cánh an toàn là điều quan trọng nhất”, hành khách này chia sẻ.

Thiết nghĩ, giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, tăng tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ là trách nhiệm của các hãng hàng không và các nhà ga, sân bay, cũng là uy tín của ngành hàng không đối với hành khách của mình.

Song, theo đại diện các hãng hàng không, hành khách cũng cần trang bị cho mình những “kỹ năng” khi đi tàu bay để không quá “hoảng hốt” hay “bức xúc” khi gặp phải các sự cố hàng không hay các chuyến bay chậm, hủy chuyến.


Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn