• Zalo

Chuyện 2 thanh niên cắm cờ búa liềm lên đỉnh Non Nước kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm 1929

Thời sựThứ Ba, 05/11/2019 15:16:00 +07:00Google News

Bất chấp sự bủa vây, theo dõi của thực dân Pháp, hai người cộng sản trẻ tuổi treo lá cờ búa liềm lên đỉnh Non Nước (Ninh Bình) đúng ngày 7/11 cách đây 90 năm.

Trước Cách mạng tháng Tám, từ thập niên 20 - 30 của thế kỷ trước, nhiều người Việt Nam yêu nước hướng tới Cách mạng tháng Mười Nga với niềm trông mong và hy vọng. Đúng ngày kỷ niệm cuộc cách mạng này 90 năm trước, có 2 chàng trai "liều gan" cắm cờ búa liềm trên đỉnh núi Non Nước (thị xã Ninh Bình, nay là thành phố Ninh Bình). Đó là 2 người cộng sản Nguyễn Văn Hoan và Lương Văn Tụy.

Theo sách "Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định" (Nhà xuất bản Nam Định 2003), đầu năm 1929, ông Nguyễn Văn Hoan, lúc đó 22 tuổi, được Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) điều từ Nam Định về đặc trách công tác ở Ninh Bình, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng.

Đây không phải lần đầu tiên ông công tác tại Ninh Bình. Tháng 9/1927, khi Ban Tỉnh bộ lâm thời Nam Định được Kỳ bộ giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở cách mạng ở cả Hà Nam và Ninh Bình, ông Hoan về xây dựng chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Gia Khánh. Do đó lần này trở lại, ông nhanh chóng nắm bắt tình hình và cùng các đồng chí ở đây đẩy mạnh hoạt động cách mạng.

75375635_566688504094095_8882649833131737088_n

Tượng bán thân liệt sĩ Lương Văn Tuỵ trên núi Non Nước. 

Bí thư Đảng bộ tỉnh đích thân treo cờ

Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt ngày nay) tuyên bố thành lập. Bốn ngày sau, Nguyễn Văn Hoan cùng các đồng chí của mình mở hội nghị tuyên bố thành lập Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Ninh Bình. Ông được cử giữ chức Bí thư Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh.

Năm ấy, Trung ương Đảng quyết định cả nước tổ chức lễ kỷ niệm 12 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Vào tháng 10, Tỉnh ủy Ninh Bình họp, quyết định xuất bản tờ báo bí mật lấy tên là “Dân Cày”, treo cờ ở thị xã Ninh Bình, rải truyền đơn và dán khẩu hiệu ở những nơi đông dân trong dịp này.

Về địa điểm treo cờ, sau khi bàn bạc, hội nghị nhất trí chọn núi Non Nước -  vị trí rất quan trọng vì ở ngay cửa ngõ thị xã, lại nằm sát quốc lộ 1 và đường xe lửa xuyên Bắc - Nam. Bí thư Hoan nhận trực tiếp tổ chức thực hiện việc treo cờ trên đỉnh núi này.

Sau hội nghị, ông Hoan về cơ sở làng Phúc Am thuộc huyện Gia Khánh (sau này là xã Ninh Thành thuộc thị xã Ninh Bình) chuẩn bị. Quần chúng trung kiên bí mật giúp đỡ mua vải đỏ, vải vàng, tìm thợ may. Bí thư Hoan cố gắng nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm ông nhìn thấy hồi hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc) để thiết kế sao cho vừa đẹp vừa đúng tỷ lệ.

Lá cờ may xong có dòng chữ: “Ủng hộ Xô - Nga, Xô - Nga vạn tuế. 7/11/1917 - 7/11/1929”.

Cũng tại làng Phúc Am, bí thư Hoan tìm gặp thanh niên yêu nước Lương Văn Tụy, lúc đó mới 16 tuổi, đang làm ở Sở Địa chính, để trao đổi và giao nhiệm vụ cùng nhau cắm cờ trên núi Non Nước.

Lương Văn Tụy rất phấn khởi nhận nhiệm vụ và hăng hái tham gia chuẩn bị. Hai người bí mật quan sát nhiều lần đường đi lối lại, quy luật tuần tra canh gác của địch từ làng Phúc Am đến núi Non Nước. Họ đến tận chân núi để xác định vị trí cắm cờ, sao cho lá cờ phải treo ở chỗ dễ thấy nhất, không bị che khuất ở bất cứ góc nhìn nào từ dưới lên.

Sở mật thám Pháp dường như đánh hơi thấy có sự kiện gì đó. Chúng tăng cường theo dõi, bố trí thêm chỉ điểm, tay sai dò xét, thường xuyên vây ráp, khám xét, lục lọi khắp nơi. Các đồn bốt, trạm gác đều được canh phòng cẩn mật.

Giờ khắc đặc biệt được sách “Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định” ghi lại: "Một giờ đêm ngày 7/11/1929, hai đồng chí Nguyễn Văn Hoan và Lương Văn Tụy vượt qua điếm canh đầu làng, băng mình theo hướng núi Non Nước. Trong đêm, hai anh đã mưu trí, táo bạo vượt qua các trạm gác, đồn bốt và lính tuần tra, đến đỉnh núi Non Nước cắm được lá cờ búa liềm vào vị trí đã định và về cơ sở an toàn.

Ngày 7/11/1929, từ tờ mờ sáng, trên đỉnh núi Non Nước, lá cờ đỏ dần dần hiện lên, càng về sau càng rõ nét. Anh Tuỵ còn có sáng kiến gọt củ chuối rồi bôi đen giả làm hai quả lựu đạn treo ngay dưới cán cờ, khiến bọn thực dân hoang mang không dám lên tháo gỡ cờ.

Cùng với ánh sáng mặt trời, ngọn cờ chiến thắng phấp phới tung bay trước gió. Sự kiện lần đầu tiên ở Việt Nam lá cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi Non Nước đã làm sửng sốt bọn mật thám Pháp và bè lũ thực dân phong kiến khắp Đông Dương. Ngay ngày hôm sau, tin này đã lan truyền đi khắp nước".

co-bua-liem

Lá cờ đỏ búa liềm (năm 1929) trong Bảo tàng Lịch sử Ninh Bình.

Hai người tù cộng sản kiên trung

Cũng theo cuốn “Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định”, ngày 18/11/1929, trên đường mang báo Dân Cày số 2 có bài “Tường thuật sự kiện cắm cờ trên núi Non Nước” đến cơ sở, qua huyện lỵ Yên Mô, Nguyễn Văn Hoan và Lương Văn Tụy bị địch bắt, giam ở nhà lao Ninh Bình.

Trong tù, mặc cho những trận đòn tra tấn tàn bạo của mật thám Pháp, mặc những lời dọa dẫm, mua chuộc của Phoóc-Xăng, công sứ tỉnh Ninh Bình, họ vẫn giữ vững khí tiết, không để chúng khai thác được gì ngoài hai từ “không biết”.

Biết họ là người yêu nước, có tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, một số lính gác và giám thị nhà lao tỏ ra kính nể. Ông Hoan liền tranh thủ tuyên truyền, giác ngộ họ, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc của từng người.

Đầu năm 1930, mật thám Pháp chuyển hai tù nhân Nguyễn Văn Hoan và Lương Văn Tụy về giam Hỏa Lò (Hà Nội). Tại đây, họ lại phải chịu đựng không biết bao nhiêu ngón đòn tàn ác, sản phẩm của “thế giới văn minh” do những tên côn đồ chuyên nghiệp người Pháp sử dụng.

Vẫn không khai thác được gì ngoài hai từ “không biết”, ngày 29/4/1930, chúng đưa hai người ra xét xử ở tòa thượng thẩm Hà Nội với tội danh “Cộng sản”. Đây là phiên tòa đầu tiên thực dân Pháp mở ra để xét xử “tội Cộng sản” ở Việt Nam. Nguyễn Văn Hoan bị kết án khổ sai chung thân, còn Lương Văn Tụy bị án 15 năm khổ sai. Họ cùng bị đi đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Giữa năm 1933, chi bộ nhà tù tổ chức chuyến vượt ngục về đất liền. Không may, toàn bộ anh em đi chuyến này đều hy sinh trên biển cả, trong đó có Lương Văn Tụy, lúc đó 19 tuổi. Thương tiếc chàng trẻ tuổi, người đồng chí cùng vào sinh ra tử, từng cùng mình cắm cờ trên núi Non Nước, ông Nguyễn Văn Hoan xúc động viết bài thơ vĩnh biệt:

"Em Tụy ơi! Thôi đã chết rồi

Thương người chiến sỹ tuổi đôi mươi

Kéo cờ Non Nước hai còn một

Viết báo “dân cày” một lẻ đôi.

Quần chúng nức lòng như mở hội

Quân thù tái mặt hết khua môi

Nghìn năm sống mãi cùng non nước

Man mác lòng anh góc biển trời.

Man mác lòng anh góc biển trời

Thương em khôn xiết tả nên lời

Bức tranh Côn Đảo bao hình ảnh

Miếng võ “hoa mai” nặng ý đời

Chí lớn dập vùi nơi sóng gió

Đường đời khấp khểnh bước chông gai

Tấm gương yêu nước treo kim cổ

Tiếp bước em đi, lớp lớp người".

Du khách tham quan núi Non Nước ngày nay có thể chiêm ngưỡng bức tượng bán thân liệt sĩ Lương Văn Tuỵ. Tên người anh hùng trẻ tuổi được đặt cho trường phổ thông trung học đầu tiên ở Ninh Bình.

Còn tên nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Hoan cũng được đặt cho một con đường tại thành phố Nam Định.

Tìm lại được lá cờ năm xưa

Cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1955, ông Nguyễn Văn Hoan về làm Viện trưởng Viện công tố Toà án Nhân dân Phúc thẩm Hà Nội (sau là Tòa án nhân dân tối cao), được đặt tại trụ sở toà án thượng thẩm thời Pháp trước đây.

Sau khi về tiếp quản trụ sở, một lần lục tìm trong đống hồ sơ thực dân Pháp bỏ sót lại khi rút chạy, ông Hoan tìm thấy phong bì lớn đã úa vàng, ngoài ghi mấy dòng chữ Pháp: "Tang vật về vụ án Lương Văn Tuỵ và Nguyễn Văn Hoan".

Tay run run, ông bóc phong bì lấy ra lá cờ búa liềm mà ông cùng liệt sĩ Lương Văn Tụy treo trên đỉnh núi Non Nước 26 năm về trước. Lá cờ còn nguyên vẹn nhưng màu đỏ của cờ đã chuyển qua màu nâu. Hình búa liềm và dòng chữ ghi trên cờ đã bạc.

Hiện lá cờ được lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình.

Thy Huệ - Thu Trang
Bình luận
vtcnews.vn