Diana Kim sinh ra và lớn lên ở hòn đảo nhỏ Maui. Bố cô khi đó là ông chủ của một cửa tiệm nhiếp ảnh và ông cũng là người đã đưa cô đến với niềm đam mê bên cạnh chiếc máy ảnh. Gia đình đổ vỡ, Kim theo sống cùng mẹ và xa bố từ dạo ấy. Cuộc sống sau đó của cô là một chuỗi những khó khăn khi phải ở nhờ nhà người thân và bạn bè khắp nơi. Thậm chí, một vài năm, Kim còn lưu lạc ở công viên nhưng không hề cảm thấy nản lòng bởi cô tin vào bản năng sinh tồn của bản thân, nhờ đó cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Một thời gian dài sau, Kim nhận được tin báo từ bà nội về tình trạng tâm lí không ổn định và ngày càng xấu đi của bố cô. Ông không ăn uống, tắm rửa và từ chối điều trị y tế, lang thang khắp mọi nơi và không một ai biết nơi ở chính xác của ông.
Năm 2003 khi còn là sinh viên, Kim bắt đầu thực hiện dự án phóng sự ảnh về cộng đồng người vô gia cư. Nhiều năm sau, cô tiếp tục mở rộng và vận động thêm nhiều người tham gia. Có lẽ chính Kim cũng không biết được, chính dự án này lại là “ân nhân” giúp cô tìm lại được bố của mình sau gần 10 năm mất liên lạc. Năm 2012, Kim tìm được cha cô là một trong số những người vô gia cư ở Honolulu (Hawaii) lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia nằm trong dự án.
Kể về câu chuyện gặp lại bố, Kim nói: “Ngay lần đầu gặp lại, tôi nhận ra bố đã gầy đi rất nhiều và không còn nhận ra tôi. Khi đó, một người phụ nữ đi ngang bảo tôi đừng quan tâm vì ngày nào ông chẳng đứng đấy. Ngay lúc đó, tôi muốn hét lên với cả thế giới rằng ông là bố tôi nhưng tức giận cũng chẳng giải quyết được gì, tôi chỉ nói sẽ cố gắng hơn.
Tôi vẫn quyết tâm chụp ảnh cho bố. Chiếc máy chụp hình khi ấy giúp tôi giữ vững tinh thần bởi nhìn thấy tình cảnh của ông như thế hoàn toàn không phải là điều dễ chịu. Có những ngày tôi đứng đó và chỉ cắm mặt xuống đất bởi bản thân chẳng dám đối diện với hình ảnh tồi tệ của người bố ruột thịt cùng dòng máu nhưng giờ đây trở nên quá đỗi xa lạ. Thế nhưng, tôi biết mình phải thực hiện bộ ảnh này bằng bất cứ giá nào.
Có nhiều đêm tôi chẳng thể tìm thấy bố, nhưng rồi ông lại xuất hiện vào những ngày khác khi mà tôi chẳng mấy mong đợi sẽ gặp được ông. Bệnh tâm thần của bố ngày càng nghiêm trọng và việc không được điều trị khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Ông từ chối sự trợ giúp y tế, không uống thuốc, kể cả ăn uống, tắm rửa hay thay đồ . Không ít lần tôi ngồi cạnh bố và nghĩ về tương lai mù mịt của ông phía trước. Khi ấy, tôi lặng lẽ cầu nguyện cho một phép màu xảy ra và bố sẽ chấp nhận việc điều trị.
Một ngày nọ, bố bất ngờ lên cơn đau tim và một người ở đó phát hiện đã gọi báo cảnh sát. Bố được đưa đến bệnh viện và được cấp cứu kịp thời. Nhờ đó, bố ổn định trở lại và tình hình sức khỏe dần tốt lên. Cơn đau tim khi ấy đã cứu mạng và giúp bố quay lại vòng điều trị khoa học mà đáng lẽ ông phải làm từ rất lâu rồi. Mỗi ngày nhìn thấy bố tôi khỏe lên như một lời nhắc nhở về sức mạnh, sự kiên trì của con người và cuộc sống của chúng ta đáng giá biết bao. Trong quá khứ, quá trình trưởng thành của tôi không có bóng dáng của bố, những việc ông làm từng khiến tôi đau lòng nhưng tôi quyết định bỏ qua tất cả để chúng tôi có thể bắt đầu lại từ đầu.
Hiện tại, bố tôi đang sống rất tốt. Ông cảm thấy tự hào vì bản thân có thể vượt qua nghịch cảnh một cách đáng kinh ngạc. Giờ đây, bố có mục đích sống, hi vọng, cả ý chí thực hiện những ước mơ dang dở và vươn đến thành công. Ông thích giúp đỡ người khác và lên kế hoạch trở về quê nhà ở Hàn Quốc thăm họ hàng.
Nhiếp ảnh không phải là công việc chỉ tạo ra những bức ảnh mà đó chính là cầu nối giúp tôi được trải nghiệm thế giới và chia sẻ mối quan hệ với mọi người. Nếu không có chiếc máy chụp ảnh này, tôi cảm thấy bản thân rất dễ vỡ trong thời gian tiếp cận bố. Mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để nắm lấy cơ hội thứ hai. Chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc như cách mà tôi và bố chưa bao giờ từ bỏ niềm hi vọng”.
Nguồn: theplaidzebra
Bình luận