Kể từ khi ra đời, chương trình đã từng bước lan tỏa mạnh mẽ, góp phần rất lớn trong việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận.
Cung cấp sản phẩm chất lượng
Trong tất cả các tiêu chí, chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quyết định đến việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Và để đáp ứng được điều này, người nông dân ở Ninh Thuận, đã dần thay đổi cách thức sản xuất, bỏ lối canh tác cũ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới, hướng đến mô hình sản xuất có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Với anh Đỗ Duy Tùng, một nông dân trồng nho ở TP. Phan Rang – Tháp Chàm, kể từ khi có chương trình mỗi xã một sản phẩm, anh đã chuyển sang trồng nho theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón, thuốc BVTV một cách có kiểm soát. Nho sau khi thu hoạch cung cấp cho công ty, với giá cao hơn bên ngoài 10% – 15 %, tuỳ mùa vụ. Mỗi năm trên 1 ha, thu khoảng 60 tấn trái, mang về nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Nhờ thế, gia đình anh có cuộc sống khá giả hơn. “Nói chung kể từ khi được công ty thu mua bao tiêu, mình thấy an tâm lắm. Buôn bán sòng phẳng, giá cả lại tốt hơn ngoài chợ. Với nông dân như vậy là vui lắm rồi”, anh Tùng chia sẻ.
Ninh Thuận có hơn 5 doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với nông dân trồng nho. Công ty sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận, hiện là đơn vị đi đầu trong việc cùng nông dân, tạo được vùng nguyên liệu ổn định. Mỗi ngày, cơ sở thu mua hơn 1 tấn nho. Tất cả nho khi về nhà sơ chế đều được xử lý bằng công nghệ bao gói khí điều biến. Với mục đích làm sạch nho. Đây là công nghệ do Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ NN&PTNT nghiên cứu.
Hiện nay, mặt hàng nho tươi của công ty này đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận cho biết, kể từ khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, việc buôn bán thuận lợi hơn. Công ty rất dễ tiếp cận với người tiêu dùng. Đơn đặt hàng từ đó cũng tăng dần lên. Đơn vị có lợi nhuận, mà nông dân cũng sống khoẻ hơn xưa.
Không dừng lại ở việc bán trái tươi, những doanh nghiệp tại Ninh Thuận cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm sau chế biến như nho sấy, siro nho hay rượu nho. Với mục đích đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây cũng là cách để giúp bà con giải quyết một lượng lớn trái nho khi đến mùa thu hoạch. “Vào mùa rộ, khi cung vượt cầu, trái cây tươi không thể tiêu thụ được hết, thì giải pháp chế biến là tối ưu nhất. Cách làm này vừa giúp nông dân tiêu thụ được lượng nho lớn, mà doanh nghiệp chúng tôi cũng có thêm nguồn lợi nhuận, lợi cả đôi đường”, ông Quang cho biết thêm.
Ngoài nho, thì các mặt hàng khác như táo, tỏi, măng tây, thịt cừu cũng là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận. Hiện tất cả đã đạt được chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Phó Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh và đặc thù tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2020, tỉnh đã có 69 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, vượt 6 lần so với kế hoạch đề ra. Trong đó, 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao như: dưa lưới, táo mật, nho xanh, nước mắm truyền thống Cana 35 độ đạm, nước mắm truyền thống Cana 45 độ đạm, nha đam không đường, nha đam hương vải và nha đam hương dứa. Và 10 sản phẩm đạt 4 sao như: tỏi, nho, táo, nho NH01-152, nho xanh Phan Rang, nho xanh Ba Mọi, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa, nước mắm truyền thống Cana 15 độ đạm, nước mắm truyền thống Cana 25 độ đạm, nho tươi. Bên cạnh đó, có 51 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Đặng Kim Cương cho biết thêm, những năm gần đây để quảng bá và tuyên truyền được các sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng, tỉnh đã tổ chức nhiều hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại. Những hoạt động này, cũng sẽ tạo không gian môi trường thuận lợi, để người sản xuất và nhà phân phối kết nối với nhau, mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng các sản phẩm OCOP.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức và tham gia 8 hội chợ, xúc tiến thương mại và sản phẩm Chương trình OCOP gồm: Tham gia gian hàng giới thiệu trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc thù OCOP năm 2020, phục vụ triển lãm những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; Hội chợ thương mại và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận năm 2020. Đồng thời tham gia 7 đợt xúc tiến thương mại ngoài tỉnh ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ.
“Chương trình OCOP bước đầu tạo sự lan toả mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài mục đích kinh tế, chương trình còn mang ý nghĩa về an sinh xã hội, môi trường, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn”, ông Cương chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, chương trình OCOP đã làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn tại tỉnh Ninh Thuận. Khi nông dân, đã biết biến những bất lợi thành lợi thế, thay đổi cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ cho phù hợp. Trong năm 2021, Ninh Thuận sẽ tiếp tục nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Phấn đấu có 1-2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.
Để đưa sản phẩm đến các khách hàng trong cả nước, Ban chỉ đạo Phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đặc thù tỉnh Ninh Thuận đã triển khai 6 điểm bán hàng sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Phát Hoàng Long ở khu du lịch Vĩnh Hy; Công ty TNHH Thanh Quý tại Chợ đêm Ninh Thuận; Khu du lịch Tháp PoKlong Garai-Ban quản lý di tích; Điểm dừng chân Thiên Thảo, Quốc lộ 1A, huyện Ninh Phước; Điểm bán hàng tại Khu du lịch Hang Rái- Vườn Quốc gia Núi Chúa; Điểm bán hàng của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Bình luận