• Zalo

Ninh Thuận bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 29/12/2020 11:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong số 35 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thì đồng bào người Chăm có trên 84 ngàn người, chiếm 12% dân số toàn tỉnh.

Trong tiến trình phát triển, người Chăm nơi đây đã xây dựng một nền văn hóa đặc sắc. Những dấu ấn đó được thể hiện rõ nét trong nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc, điêu khắc, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo đến ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và các nghề thủ công như dệt vải, làm gốm...

Ninh Thuận bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm - 1

 Trung tâm nghiên cứu văn hoá Chăm.

Để giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, đặc biệt là văn hóa người Chăm không bị mai một, phát triển bền vững, những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung vào nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản của địa phương.

Cách đây 27 năm, năm 1993, Ninh Thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo văn hóa Chăm (sau đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm).

Nhiệm vụ chính của đơn vị này là tiến hành khảo sát, nghiên cứu về nền văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan với người Chăm qua sự tiếp biến, giao lưu văn hóa các thời kỳ.

Đến nay, sau gần 30 năm nghiên cứu, trung tâm đã phối hợp cùng nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiến hành các nghiên cứu sâu về văn hóa Chăm, sưu tầm, phục chế trên 1500 hiện vật. Trong số này có nhiều hiện vật gốc đang được trưng bày giới thiệu tại chỗ: các nông cụ, trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt, vật dụng nghề thủ công, thư tịch cổ và các cổ vật...

Với nguồn tư liệu phong phú, hàng năm Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm còn tổ chức các buổi trưng bày, triển lãm trong các ngày lễ  hay lễ hội để giới thiệu văn hóa Chăm. Các tư liệu này cũng được mang sang tỉnh Daklak, An Giang, Khánh Hòa để quảng bá, giới thiệu.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, trung tâm còn tham mưu với các ngành chức năng để công nhận những di sản vật chất, tinh thần và cả những nhân chứng sống người Chăm như một cách gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà.

Theo ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, tỉnh Ninh Thuận, người Chăm ở đây đặc biệt hơn các nơi khác đó là có người Chăm theo tôn giáo Bà la môn, Islam và cả người Chăm theo đạo Bani. Hiếm có nơi nào có đủ như vậy.

Đặc biệt là cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận sống với nhau rất đoàn kết, họ gìn giữ nét văn hóa trong từng gia đình. Người Chăm ở Ninh Thuận có hàng trăm lễ hội mỗi năm, đây là kho tàng văn hóa bao la. Lễ hội của người Chăm gắn với dòng đời, chưa kể lễ hội cộng đồng, ngay trong mỗi nhà đã có những lễ hội khác nhau.

Chính vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng, muốn tìm hiểu văn hóa Chăm, cách tốt nhất là tìm hiểu nét văn hóa trong mỗi gia đình người Chăm.

Ninh Thuận bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm - 2

Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm thôn Bàu Trúc.

Nhiều năm qua, thông qua công tác nghiên cứu, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm đã được bảo vệ và phát huy giá trị. Điển hình trong số này phải kể đến các đền tháp cổ, các lễ hội truyền thống của người Chăm trên địa bàn tỉnh như tháp Po Klong Garai, Hòa Lai, các lễ hội Kate, nghệ thuật là gốm Bàu Trúc.  Tất cả đều đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia.

Đặc biệt làng gốm Bàu Trúc - một trong những làng nghề truyền thống cổ xưa nhất khu vực Đông Nam Á, niềm tự hào của người Chăm Ninh Thuận - sau thời gian dài được tỉnh kiến nghị, Chính phủ đã đồng ý trình UNESCO xem xét đưa nghệ thuật làm gốm này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Cũng theo ông Lợi, ngoài các công trình, lễ hội đã được công nhận, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận còn đang phối hợp cùng các ngành chức năng xem xét và lập hồ sơ đề nghị công nhận nét tín ngưỡng, tập quán của người Chăm làng Bình Nghĩa và Nghệ thuật hát An Gia của người Chăm.

Bên cạnh đó không thể thiếu việc công nhận nghệ nhân đối với các nhân chứng sống của người Chăm, tiêu biểu là các nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm…

Ninh Thuận bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm - 3

Tháp Poklong Garai.

Trong tiến trình hội nhập, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền trên cả nước, thậm chí là nước ngoài đã và đang  tác động lớn đến đời sống văn hóa của đồng bào Chăm. Để tránh nguy cơ mai một, thất truyền, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đang cùng các cấp, ngành liên quan thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.

Ngày 18/10/2020, Ninh Thuận khánh thành và đưa vào hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm với tổng với đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng tại thôn Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Ấn Độ là 600 ngàn USD, gần 300 ngàn USD còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Nhà sinh hoạt hoạt cộng đồng Chăm xây dựng từ năm 2018 – 2020, gồm các hạng mục: Nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp trưng bày; khu nhà ở; sân đường nội bộ - bãi xe, sân hành lễ và ác công trình phụ trợ khác cùng với thiết bị.... với mục tiêu hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống; nơi phổ biến văn hóa, chữ viết của đồng bào Chăm kết hợp trưng bày các sản phẩm truyền thống của cộng đồng người Chăm tại địa phương, góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, phi vật thể và thúc đẩy phát triển du lịch.

Ninh Thuận bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm - 4

Lễ hội Katê - nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Chăm Ninh Thuận.

Ông Lê Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm qua, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo, phục hồi các di tích, đền tháp của đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh. Trong đó việc đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm tại thôn Bàu Trúc là chủ trương đúng đắn kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng người Chăm, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh và đặc biệt là Nhà tài trợ đối với đồng bào Chăm.

Trong thời gian tới, công tác này sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đã xác lập Ban quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh, trong đó có quản lý các đền tháp của người Chăm. Việc quản lý này cũng đã được BQL di tích phối hợp với hội đồng quản lý của đồng bào Chăm để đảm bảo sinh hoạt tín ngưỡng của bà con nhưng cũng đảm bảo việc quản lý và tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Xác định ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, nét đẹp về văn hóa cũng là điểm mạnh du lịch của tỉnh, hiện Ninh Thuận đang ra sức đẩy mạnh quảng bá các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là của người Chăm, coi đây là sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút du khách.

“Tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, học hỏi, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp”, ông Phạm Văn Thành, Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết.

Tận dụng “địa lợi, nhân hòa”, trong năm 2021, vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm - Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa thông qua việc tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Đồng thời triển khai đồng bộ nhiều dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Ninh Thuận cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tour, tuyến từ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm gắn với các di tích, làng nghề để tạo sức hút mới thu hút khách du lịch. Tất cả đều nhằm mục đích cuối cùng là bảo tồn, phát huy một cách tốt nhất các giá trị di sản văn hóa của người Chăm trong đời sống xã hội, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa đặc thù của địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, có nét đặc sắc riêng, nhất là văn hóa của đồng bào Raglai, Chăm.

Ông Hồ Sĩ Sơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong giai đoạn 2020-2025, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Trước mắt, tiếp tục tham mưu xây dựng Kế hoạch, lộ trình, qui trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trong những năm tới.

Phan Hương
Bình luận
vtcnews.vn