• Zalo

Chúng ta trưởng thành và ai cũng có tâm hồn đẹp nhờ bài học vỡ lòng ấy

Diễn đànThứ Sáu, 16/10/2020 11:53:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chúng ta trưởng thành và ai cũng có tâm hồn đẹp nhờ bài học vỡ lòng ấy, thay đổi sách hợp với thời đại chứ không phải khiến tâm hồn trẻ què quặt và thô lậu.

Tôi chưa bao giờ phản đối việc xã hội hoá sách giáo khoa. Tôi còn cho rằng đó là điều đáng làm và rất nên làm. Bởi sách giáo khoa cũ không thể “sống mãi với thời gian” được.

Lũ trẻ của chúng tôi cần những thứ mới mẻ hơn thế hệ cha anh chúng. Đến từ điển Oxford hàng năm còn phải update từ mới huống chi sách giáo khoa - sản phẩm giáo dục hàng đầu của lũ trẻ. Chúng ta không thể giữ mãi những câu chuyện kiểu mẹ bé Hoa cho bé Hoa 5 đồng, bé Hoa cho người ăn xin 1 đồng, hỏi bé Hoa còn mấy đồng.

Có những chuẩn mực cũ đã bị thay đổi. Giống như những bài văn về bác đưa thư hay những câu chuyện bên chiếc đèn dầu, phải không ạ? Là phụ huynh, tôi khát khao lũ trẻ của tôi được đọc sách giáo khoa như được đọc những cuốn sách thiếu nhi đa tương tác hiện nay của các NXB Kim Đồng, Đinh Tị, Nhã Nam…

Nó phải được minh hoạ theo đúng cách mà bọn trẻ Việt Nam và cả thế giới đang xem trên những kênh hoạt hình của Youtube Kid. Và những câu chuyện trong sách thì phải giống hoặc gần giống với những câu chuyện cổ tích chúng được cha mẹ kể hằng đêm hay chí ít, cũng phải giống những gì chúng đang gặp ngoài đời thực. Chứ sách giáo khoa cũ, nói thật, tôi cũng chẳng mê nổi vì nó quá cũ kỹ.

Nhưng, thưa các giáo sư, thưa các chủ biên sách mới. Có những thứ vô cùng tốt đẹp mà chúng ta được lớn lên từ nó. Đó là những áng văn hay (dù giờ đọc lại thì thông tin thấy cũ - nhưng ngôn ngữ vẫn thấy hay).

Chúng tôi, và cả thời giáo sư hay chủ biên nữa, hẳn sẽ chẳng ai là quên câu thơ ấy, lời văn ấy. Chúng ta trưởng thành và ai cũng có những tâm hồn đẹp nhờ các bài học vỡ lòng ấy. Nếu kể ra, hẳn sẽ thành sa đà như “ăn mày dĩ vãng”. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta từng trải qua những điều tốt đẹp, có ký ức tuyệt vời về những điều đó.

Chúng ta trưởng thành và ai cũng có tâm hồn đẹp nhờ bài học vỡ lòng ấy - 1

 Bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 1 năm 1990. (Ảnh: Hà Cường)

Còn lũ trẻ tội nghiệp hôm nay thì sao? Chúng sẽ nhớ gì về những bài học đang dạy qua bộ sách Cánh Diều? Chúng nhớ con quạ kêu quà quà hay con sẻ kêu ri ri? Tâm hồn chúng đang được dệt bằng những câu từ khiên cưỡng chỉ để “hạp” với bộ từ- âm mà các ông muốn? Nó khác gì nghe nhạc mà lời thì ngang phè, uốn dấu theo nhạc?

Các giáo sư, chủ biên có kỹ thuật thượng thừa trong việc “rất khoa học” khi dạy trẻ. Thay vì ngựa đực - ngựa cái, các ông đổi thành ngựa tía - ngựa ô vì các ông lo lũ trẻ bị ảnh hưởng, vì tuổi chúng chưa nên biết về đực và cái. Các ông nói bài đó chưa dạy vần “ưc” và vần “ai” nên phải đổi thành ngựa tía và ngựa ô.

Rồi con quạ nó cũng phải đổi cả giọng kêu thành quà quà thay vì quạ quạ. Các ông sao không để con lừa nó thở hiphop cho hợp thời đại, bắt trend luôn, mà phải để nó thở hí hóp? Những thứ như “liếm la” hay “phốp phốp” có thể biến lũ trẻ con của chúng tôi thành những đứa thế nào khi ra đường nói theo.

Các ông làm ơn hãy nhớ, trẻ con bắt chước rất nhanh. Ông nghĩ sao khi đang ăn dưa, cháu tôi hỏi: "Chú ơi chú đang nhá dưa ạ". Nếu ngày xưa nói như vậy, ông bà tôi trước đây đã cho tôi no đòn rồi.

Nếu các ông đã quên những câu thơ đẹp đẽ này: “Mẹ mẹ ơi cô dạy/ Phải giữ sạch đôi tay/ Bàn tay mà dây bẩn? Sách áo cũng bẩn ngay...” ("Lời cô dạy" - Phạm Hổ).

Nếu ông không nhớ những vần điệu này: “Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi/ Đáp lời chào cô ạ/ Cô mỉm cười thật tươi/ Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/ Xem chúng em học bài/ Những lời cô giáo giảng/ Ấm trang vở thơm tho/ Yêu thương em ngắm mãi/ Những điểm 10 cô cho." ("Cô giáo em" - Nguyễn Xuân Sanh")... thì xin ông cũng đừng bắt lũ trẻ của chúng tôi nhớ những câu thơ “Chó thì mổ mổ/ Gà thì liếm la/ Dữ như quả na/ Nhu mì gã cọp/Cò thì phốp phốp/Bò thì ốm o/Cá thì la to/Im như trẻ nhỏ/Chậm như cô thỏ/Lẹ như cụ rùa”.

Nó “khoa học” đến mấy cũng khiến tâm hồn lũ trẻ của chúng tôi trở nên què quặt và thô lậu. Làm ơn, đừng giết nốt những tiếng Việt đẹp đẽ để thay vào đó cái gọi là “khoa học” hơn mà ông với các đồng sự khoe là “giúp trẻ học chữ nhanh hơn”.

Bộ GD&ĐT, rồi Phó Thủ Tướng cũng đã chỉ đạo rà soát lại. Nhưng bản thân tôi thật sự không còn đủ lòng tin vào những người biên soạn chỉ quan tâm đến việc làm sao trẻ học chữ nhanh hơn mà bỏ qua chuyện làm sao để nuôi dưỡng tâm hồn lũ trẻ.

Làm người lớn, thay vì “rót” vào miệng lũ trẻ thật nhiều rau cá thịt và chăm chăm đo chiều cao cân nặng của chúng, chê bai lũ trẻ nhà người khác thấp bé nhẹ cân mà nhồi cho lũ trẻ nhà mình đủ loại thuốc bổ, sữa công thức này, bột dinh dưỡng thì thật buồn. Nó cũng giống như nhiều gia đình hiện nay cho con đi học thêm tiếng Anh từ nhỏ, ở nhà cũng chỉ nói tiếng Anh. Riết rồi, lũ trẻ học nuôi dưỡng tâm hồn ở đâu? Riết rồi, tiếng Việt giàu và đẹp lại giống nước Việt rừng vàng biển bạc, chỉ có trong các báo cáo.

Với bộ sách giáo khoa đang nhận chỉ trích hiện nay, tôi thấy rõ ràng, lũ trẻ đã khuyết mất khả năng cảm thụ văn học, khuyết mất sự tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những đứa trẻ đang phải thở hí hóp và nhá chữ hôm nay?

Hoàng Anh Tú
Bình luận
vtcnews.vn