Trong năm 2018, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã quá quen với việc VN-Index giảm rất sâu. Vì thế, nhà đầu tư không ngạc nhiên nếu VN-Index mất khoảng 20 điểm. Thế nhưng, phiên giao dịch thứ 3 “đẫm máu” ngày 3/7, nhà đầu tư vẫn sốc khi chứng kiến VN-Index “rơi tự do”.
Mở cửa phiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ. Tuy nhiên, VN-Index nhanh chóng “rơi tự do”. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7, VN-Index giảm kỷ lục, giảm 41,14 điểm, tương ứng 4,34%, xuống 906,01 điểm. Có gần 181 triệu cổ phiếu, tương đương 4.523 tỷ đồng được trao tay. Toàn sàn ghi nhận chỉ 63 mã tăng giá, 28 mã đứng giá và 248 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu lớn giảm nhẹ hơn một chút, do đó VN30-Index giảm 38,15 điểm, tương đương 4,1% xuống 891,97 điểm. Trong “rổ 30” này, SBT là mã duy nhất giữ được sắc xanh khi tăng 250 đồng/CP lên 14.700 đồng/CP, 29 mã còn lại giảm rất mạnh.
Trong nhóm VN30, có 5 mã giảm sàn, trong đó đa phần là cổ phiếu ngân hàng. BID giảm sàn, giảm 1.700 đồng/CP xuống 23.050 đồng/CP, STB giảm 750 đồng/CP xuống 10.350 đồng/CP, CTG giảm 1.600 đồng/CP xuống 21.500 đồng/CP.
Không nằm trong nhóm VN30 nhưng cổ phiếu TCB của Techcombank cũng không tránh được “số phận” giảm sàn. Chốt phiên, TCB dừng ở mức 81.800 đồng/CP sau khi giảm 6.100 đồng/CP. So với mức giá chào sàn, TCB đã giảm 46.200 đồng/CP, tương ứng 36%.
VPB cũng nằm trong danh sách các cổ phiếu ngân hàng giảm sàn. VPB giảm 1.900 đồng/CP xuống 25.800 đồng/CP. Điều đáng nói, đầu phiên, cổ phiếu này vẫn giao dịch ở sắc xanh và có lúc đạt tới 28.300 đồng/CP.
Cổ phiếu YEG của Yeah1 cũng trong tình trạng tương tự như TCB. Dù chào sàn hoành tráng với mức giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng YEG đã có 2 phiên giảm sàn liên tiếp. Hôm nay, cổ đông Yeah1 lại “tái mặt” khi chứng kiến YEG giảm sàn thêm một phiên nữa. Đóng cửa, YEG dừng ở mức 276.000 đồng/CP sau khi giảm 20.700 đồng/CP.
Với thanh khoản yếu ớt (chỉ hơn 10.000 cổ phiếu) và dư mua hoàn toàn trống trơn, cổ phiếu YEG hứa hẹn sẽ có thêm nhiều phiên “lao dốc” nữa.
Hôm nay, CTG được chú ý không chỉ bởi giảm sàn mà còn bởi cổ phiếu này bỗng dưng được giao dịch lớn. CTG đứng đầu danh sách các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất khi đạt 12,6 triệu cổ phiếu. Khối ngoại cũng mạnh tay giao dịch CTG khi bán ra 3,1 triệu đơn vị.
Cùng với CTG, một lần nữa cổ phiếu ngân hàng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình. Ngoài việc đồng loạt giảm sàn, nhiều cổ phiếu ngân hàng nằm trong danh sách các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất.
Đứng sau CTG trong nhóm ngành ngân hàng là STB (6,65 triệu đơn vị), MBB (6,6 triệu đơn vị), BID (4,94 triệu đơn vị). Trong nhóm này, chỉ có MBB là mã duy nhất không giảm sàn.
Những phiên gần đây, cổ phiếu ngành dầu khí cũng “đóng góp” vào đà giảm của VN-Index nhiều như cổ phiếu ngành ngân hàng. Tuy nhiên, hôm qua, cổ phiếu dầu khí “nhường bước” cho cổ phiếu ngân hàng. Và đến hôm nay, ngành dầu khí lại trở thành “đôi bạn cùng tiến”.
Nếu hôm qua, GAS chỉ giảm 100 đồng/CP thì hôm nay đà giảm được đẩy lên 5.400 đồng/CP. Chốt phiên, GAS dừng ở mức 83.000 đồng/CP.
Trong ngày “đen tối” như hôm nay, vẫn có vài điểm sáng. Và đáng tiếc, những điểm sáng đó lại là những cổ phiếu nhỏ nên không thể hỗ trợ gì nhiều cho chỉ số VN-Index và VN30-Index.
NVT là cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường khi tăng trần, tăng 330 đồng/CP lên 5.080 đồng/CP. NAV cũng tăng trần, tăng 300 đồng/CP lên 4.630 đồng/CP, TDW tăng 1.400 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP.
Video: Những tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Bình luận