Nói về phiên giảm điểm sâu nhất 5 tháng của thị trường chứng khoán trong chiều 6/7, hầu hết các nhà đầu tư đều bày tỏ sự bất ngờ, thậm chí là ngỡ ngàng, không tin nổi. Bởi chỉ trước đó, trong phiên sáng cùng ngày, dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index vẫn tăng 2,97 điểm (0,21%) lên 1.414,1 điểm.
Thị trường thay đổi chóng mặt khiến nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn chính hệ thống mới vận hành trơn tru khiến chỉ số chứng khoán lao dốc. "Rất có thể hệ thống mới chạy êm ru đã khiến các "cá mập" không phải lo ngại về nguy cơ nghẽn, treo bảng điện tử. Chính vì thế họ tăng hoạt động chốt lời. Trong phiên chiều, lệnh bán tháo bỗng ồ ạt đổ vào thị trường", anh Minh Quang, một nhà đầu tư ở Hà Nội đặt vấn đề.
Không chỉ anh Quang, nhiều người khác cũng có suy nghĩ tương tự. "Liên tiếp nhiều tháng nay, hệ thống giao dịch trên sàn HoSE gặp sự cố. Mỗi khi lệnh dồn dập đổ vào thị trường là tắc nghẽn, khiến nhà đầu tư luôn sống trong sợ hãi, hạn chế giao dịch. Từ 5/7, hệ thống mới được vận hành. Rất có thể sau phiên đầu không bị trục trặc, nhà đầu tư đã cởi mở hơn, giao dịch nhiều hơn. Do đó, họ tranh thủ chốt lời khi thị trường đang trên đỉnh, khiến chỉ số giảm sâu", anh Đức Hùng - nhà đầu tư Hà Nội - nhận định.
Tuy nhiên, cũng không ít nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân khiến chứng khoán đổ đèo là do thông tin xấu về dịch bệnh COVID-19, khi số ca trong cộng đồng nhiều ngày nay ở các địa phương liên tục tăng rất mạnh.
Ngay sau phiên lao dốc, giới đầu tư chứng khoán đã đổ xô lên các hội, nhóm trên mạng xã hội để bày tỏ sự rối bời bởi trở tay không kịp.
Nhà đầu tư Dương Nguyễn nói vui: “Mình vừa chợp mắt được khoảng 5 phút vì mệt mỏi, mở mắt ra một cái mà muốn tụt huyết áp luôn”.
Được biết, các mã cổ phiếu mà Dương Nguyễn đầu tư bao gồm CTG, TCB, VHM. Đây đều là những mã ghi nhận giảm sàn trong phiên giao dịch 6/7, trong đó có TCB và VHM khi cùng mất 6,9% so với tham chiếu.
Một nhà đầu tư khác cũng bày tỏ sự bàng hoàng sau phiên giao dịch bằng dòng trạng thái trong một nhóm kín: “Chuyện gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán vậy mọi người?”. Lập tức, có đến hàng trăm câu trả lời dưới phần bình luận cho dòng trạng thái này. Không ít những nhà đầu tư chia sẻ sự mất mát khi thị trường lao dốc.
Nickname danhthinhxxx bày tỏ: "Sau phiên tăng nhẹ buổi sáng, đến phiên buổi chiều, thị trường lình xình, nhiều cổ phiếu thu hẹp đà tăng hoặc chuyển sang giảm nhẹ. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ thị trường sẽ có lực đỡ vào cuối phiên. Ai ngờ áp lực bán vẫn không ngừng gia tăng và chuyển sang bán tháo vào phiên ATC. Đến lúc nhận ra sự điều chỉnh thì đã quá muộn, tôi không kịp động thủ".
Trong khi đó, anh Tiệp Lương, một nhà đầu tư trên sàn HoSE cho biết, mặc dù dự đoán được sẽ có đợt điều chỉnh trong tháng 7 này nhưng không ngờ nhanh đến vậy. Anh cho biết hiện anh vẫn còn ôm lãi một vài mã trong đó có SGB với hy vọng sẽ khớp lệnh bán vào phiên ATO (lệnh ATO được dùng ở phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa (sáng 9 - 9h15) và sẽ tự động hủy bỏ sau thời điểm xác định giá mở cửa nếu lệnh không khớp hoặc không khớp hết).
Theo anh Tiệp, rất nhiều nhà đầu tư đều bị ảnh hưởng xấu sau pha lao dốc này. “Đa số nhà đầu tư mới biết sẽ có điều chỉnh nhưng tham, sợ đang đà lên mà không mua thì phí nên vẫn lao vào. Ngay cả tôi sáng nay mà xả hàng thì đã lãi to, giờ thì gần như về 0. Thật đáng tiếc!”, anh Tiệp chia sẻ.
Tuy nhiên, có không ít người vẫn tỏ ra lạc quan khi chứng kiến thị trường sụt giảm. Họ đưa ra nhận định đây là cơ hội tốt để nhiều người lao vào bắt đáy. Thị trường cần những cú đánh mạnh như thế vì nếu cứ giữ ở mức cao, nhà đầu tư sẽ không dám mua và chỉ giữ cổ phiếu đang có để chờ lên nữa.
Anh Quốc Việt, một nhà đầu tư lâu năm trên sàn HNX nhấn mạnh: “Chứng khoán là thế mà! Có lên có xuống. Giảm thì bán tháo, mà giảm thêm nữa thì dòng tiền lại chảy vào thôi”.
Nhà đầu tư này cho biết anh vừa bán hầu hết những mã cổ phiếu mà anh đầu tư vào phiên giao dịch hôm qua (5/7). Nhờ thế mà anh đã tránh được sự ảnh hưởng trong phiên giảm sâu ngày hôm nay.
Nhà đầu tư Hoàng Nguyên cũng khẳng định: “Chứng khoán mà. Dự báo tăng mà nó vẫn giảm là điều bình thường, không ai nói hay được. Ngoài những phân tích đánh giá thì yếu tố quan trọng nhất của thị trường vẫn là tâm lý của nhà đầu tư”.
Đóng cửa thị trường chứng khoán ngày 6/7, VN-Index giảm sâu tới 56,34 điểm, rớt xa ngưỡng 1.400 điểm, còn 1.354,79 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 28/1 đến nay.
Toàn sàn HOSE chỉ có 59 mã tăng, 350 mã giảm và 19 mã đứng giá.
Nhiều mã ngân hàng trước đó còn tích cực với lượng mua vào khá lớn nhưng cuối phiên đã giảm kịch sàn, như: LPB, TPB, MBB, STB, TCB, OCB, CTG, MSB. Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán gần như giảm kịch sàn toàn bộ.
Nhóm cổ phiếu ngành sắt thép được kỳ vọng rất lớn cũng có nhiều mã giảm kịch sàn như NKG, HSG, SMC, TLH... Ngay cả cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng giảm tới 3.200 đồng xuống còn 48.000 đồng/cổ phiếu.
Bình luận