• Zalo

Chứng khoán 2020: Điểm danh những cổ phiếu ‘lên thác, xuống ghềnh’

Tài chínhThứ Sáu, 25/12/2020 10:50:47 +07:00Google News
(VTC News) -

Thị trường chứng khoán biến động mạnh làm xuất hiện những cổ phiếu tăng, giảm cả 100% trong 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn thế giới, chứng khoán Việt Nam năm 2020 gây bất ngờ khi có sự hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục. Thị trường xuất hiện nhiều cổ phiếu có thanh khoản cao, tăng trưởng hàng trăm phần trăm tính từ đầu năm.

Cổ phiếu tăng sốc

Một trong những cổ phiếu gây bất ngờ ngay từ đầu năm nhờ đi ngược xu hướng chung ảm đạm và có sự bứt phá lớn là GAB của Đầu tư Khai khoáng và quản lý tài sản FLC. Theo đó, chốt phiên giao dịch 24/12, mã GAB đứng mức 195.400 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 0,1%. Tuy nhiên tính từ đầu năm, mã này tăng 1102,5%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 179,150 đồng. Với hơn 13 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của GAB nhờ đó tăng thêm hơn 2.472 tỷ đồng.

Chứng khoán 2020: Điểm danh những cổ phiếu ‘lên thác, xuống ghềnh’ - 1

Nhiều cổ phiếu tăng, giảm thất thường trong 2020. (Ảnh minh họa)

Đầu tư Khai khoáng và quản lý tài sản FLC là doanh nghiệp mới nhất trong hệ sinh thái của FLC Group – doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết – niêm yết trên sàn chứng khoán. Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2019, doanh thu của GAB chỉ đạt 188 tỷ và lợi nhuận ròng sau thuế chưa tới 16 tỷ đồng.

Tăng mạnh không kém trong năm 2020 là mã DNM của Y tế Danameco. Dữ liệu thống kê cho thấy, từ 1/1 – 24/12, cổ phiếu Y tế Danameco tăng 427,9%, tương đương mỗi cổ phiếu DNM tăng thêm 33.547 đồng. Từ một cổ phiếu thanh khoản thấp, ít được nhà đầu tư chú ý, DNM đã trở thành hiện tượng trong năm.

Theo các nhà giao dịch chuyên nghiệp, việc cổ phiếu DNM tăng mạnh là nhờ sự bùng phát của dịch COVID-19 khiến nhu cầu các sản phẩm như quần áo y tế, khẩu trang tăng mạnh. Trong những thời điểm cao trào dịch bệnh, khẩu trang luôn trong tình trạng cháy hàng, giá bán tại nhiều nơi thậm chí tăng gấp đôi so với ngày thường.

Theo báo cáo, nửa đầu năm 2020, Danameco đạt doanh thu 366 tỷ đồng, gấp 4 lần và lợi nhuận sau thuế 25,5 tỷ đồng, gấp 8,5 lần cùng kỳ năm trước. Đây là con số kỷ lục về cả doanh thu, lợi nhuận của công ty. Ngoài ra, Danameco cũng là doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá ổn định, từ 10 – 15% mỗi năm.

Ngoài GAB, DNM, thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trên 100% kể từ đầu năm như MCP của In và bao bì Mỹ Châu, VID của Đầu tư và phát triển thương mại Viễn Đông, SCI của SCI E&C…

Cổ phiếu giảm sâu

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros – doanh nghiệp cũng liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – giảm sâu 85,9% từ đầu năm. Ghi nhận trên thị trường, chốt phiên 24/12, mã ROS đứng mức 2.500 đồng/cổ phiếu – chưa bằng 1 cốc trà đá vỉa hè.

ROS là mã cổ phiếu từng làm mưa làm gió trên thị trường với tốc độ tăng trưởng phi mã và leo lên mức đỉnh hơn 270.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, cổ phiếu này lao dốc không phanh sau khi ông Quyết ồ ạt thoái vốn khỏi doanh nghiệp.

FLC Faros tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập năm 2011. Khi về FLC Group, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Faros. Từ một doanh nghiệp thuộc hàng siêu nhỏ, FLC Faros được xây dựng thành một nhà thầu xây dựng, đảm nhận nhiều dự án nghìn tỷ. Tháng 9/2016, FLC lên sàn và liên tục tăng trưởng nóng trước khi rơi về mức giá như hiện tại.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy, FLC Faros đạt doanh thu thuần gần 662 tỷ đồng và lãi ròng chỉ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 44% và 84% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với ROS, mã V21 của Vinaconex 21 cũng có 1 năm đáng buồn khi giảm gần 85%, tức mỗi cổ phiếu “bay hơi” hơn 23.000 đồng. Chốt phiên 24/12, mã V21 tạm đứng mức 4.200 đồng/cổ phiếu. Không nhưng thế, cổ phiếu này đang trong diện bị cảnh báo.

Bức tranh ảm đạm thị trường chứng khoán 2020 còn ghi nhận những cái tên như DTL của Đại Thiên Lộc, TNI của Tập đoàn Thành Nam, GCG của Gas Đô Thị…

Cổ phiếu "lạ" liên tục tăng sốc

Thị trường những ngày cuối năm đang chứng khiến nhiều mã liên tục tăng sốc. Theo đó, mã SBS của Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương gần đây tăng trần liên tục. Thanh khoản cũng tăng đột biến, ghi nhận nhiều phiên hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh.

SBS có vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng, với 4 cổ đông lớn, trong đó Sacombank nắm 11% vốn và 3 cá nhân khác giữ 46,7% vốn.

Hay PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định cũng tăng 487% chỉ trong 1 tháng gần nhất.

PND có vốn điều lệ 66,67 tỷ đồng. Theo bản cáo bạch lên sàn năm 2016, Tổng công ty Dầu Việt Nam nắm 56,75% vốn, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương giữ 8,25% vốn, Quản lý quỹ Thái Bình Dương giữ 9%, Công ty cổ phần Thương mại Vận tải Trung Dũng giữ 7,5% vốn và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á nắm 6,24% vốn.

Xăng dầu Dầu khí Nam Định hoạt động trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan trên địa bàn tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn