Bồ Đào Nha là nơi sản sinh ra nhiều cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện, tấn công nổi tiếng thế giới bóng đá, như Luis Figo, Rui Costa, Nuno Gomez, và bây giờ là Cristiano Ronaldo. Vì thế Bồ Đào Nha thường được ví là ‘Brazil của châu Âu’. Nhưng đất nước này cũng là nơi xuất thân của Jose Mourinho, vị HLV mà đa phần CĐV xếp vào trường phái ‘phản bóng đá’ với triết lý ‘1 bàn thắng, 3 điểm thế là đủ’.
Bồ Đào Nha ở kỳ Euro này, xét tổng thể về lối chơi trước khi trận chung kết diễn ra mang dáng dấp phong cách chiến thuật của Mourinho, dù trong đội hình có không ít cầu thủ giàu kỹ thuật tấn công.
Tuy nhiên, vì Euro là giải đấu có tính chất đấu loại trực tiếp chứ không phải là ‘đường trường’ như các giải VĐQG, nên chiến thuật của Ronaldo và đồng đội có vẻ còn ‘tàn nhẫn’ hơn cả Mourinho, đó là không cần thắng, đưa đối thủ vào hiệp phụ, kết kiễu họ ở đây hoặc trên chấm 11m.
Bằng chứng là trước khi hạ xứ Wales trong 90 phút ở bán kết, ‘Brazil châu Âu’ đã có chuỗi 5 trận không thắng 90 phút, trong đó có 2 trận sau 120 phút và một loạt ‘đấu súng’ nghẹt thở trước Ba Lan.
Thực tế thì Bồ Đào Nha đã biến ảo chiến thuật thi đấu của mình một cách nhanh chóng và hợp lý qua từng trận đấu. Ở vòng đấu bảng, trước các đội được đánh giá yếu hơn là Hungary, Áo và Iceland, HLV Fernando Santos chơi với sơ đồ tấn công 4-4-2, nhưng đều không thể thắng được các đối thủ.
Nếu cứ thi đấu như vậy trước các đối thủ ngang cơ hoặc nhỉnh hơn một chút ở vòng đấu loại trực tiếp, Bồ Đào Nha có thể sớm bị loại. Vì vậy, từ sơ đồ 4-4-2, Bồ Đào Nha chuyển sang ‘binh pháp’ 4-3-1-2 để khắc chế lối chơi tấn công của đối thủ, đồng thời rình tập chờ ‘cơ hội vàng’ để giành chiến thắng.
Trong cách chơi như vậy, Ronaldo buộc phải hi sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, nhưng đây không phải là điều gì đó quá xa lạ với CR7.
Bởi khi Mourinho còn làm HLV Real, ở những trận đấu gặp đối thủ mạnh hơn chẳng hạn như Barcelona, Real chấp nhận chơi cửa dưới, kiểm soát bóng ít hơn, còn Ronaldo chạy nhiều hơn, đói bóng hơn, nhưng kết quả chiến thắng mới là điều quan trọng.
Trở lại với Euro 2016, ở trận đấu với Croatia, đội đã thắng ĐKVĐ Tây Ban Nha ở vòng bảng, Bồ Đào Nha đã chơi một thứ bóng đá xấu xí khi thua toàn diện đối thủ ở các con số thống kê kỹ thuật, từ sút bóng đến kiểm soát bóng.
Bản thân Ronaldo thì gần như mất hút, dù anh chạy rất nhiều, người ta chỉ thấy anh xuất sắc ở một số tình huống giúp đồng đội giải nguy ở phần sân nhà, đặc biệt là ở những quả đá phạt góc của đối thủ.
Tuy nhiên, vào những giây cuối cùng của trận đấu kéo dài 120 phút, Ronaldo thoát xuống, tạo điều kiện cho Quaresma ghi bàn kết liễu Croatia. Vì vậy ở trận chung kết sắp tới, Ronaldo và đồng đội có thể sẽ lại kiên nhẫn chơi bài rình tập với ĐT Pháp.
Bởi xét trên mọi khía cạnh, từ lịch sử đối đầu 41 năm không thắng được ‘Gà trống’ đến phong độ thi đấu hiện tại, Bồ Đào Nha không thể so được với đội chủ nhà Pháp, nhất là khi Griezmann đang thi đấu vào phom với 6 bàn thắng và đang dẫn đầu danh sách ‘vua phá lưới’.
Clip: Pháp là đội được đánh giá cao hơn Bồ Đào Nha trong trận chung kết Euro
Nhưng các cầu thủ Pháp chắc chắn chẳng lạ gì lối rình rập của Bồ Đào Nha, bởi bản thân ‘Gà trống’ cũng đã có nhiều thời điểm chơi như thế trước tuyển Đức, đến như Griezmann còn chấp nhận lui về vòng 16m50 để tham gia phòng ngự cùng đồng đội như một tiền vệ phòng ngự đích thực.
Hơn thế, ở trận đấu sắp tới, nhiều khả năng HLV Deschamps sẽ bố trí N’Golo Kante đá chính. Khi đó Ronaldo và đồng đội càng khó đá phản công hơn vì Kante quá hiểu lối đó đã giúp Leicester City lên ngôi vô địch Premier League mà anh là một trong những nhân tố chính.
Vậy thì lúc đó có thể Ronaldo sẽ dùng tới cú đánh đầu kiểu bóng đá Anh mà Alex Ferguson đã truyền dạy cho anh khi còn thi đấu ở Manchester United. Nó đã được Ronaldo thực hiện thành công ở trận đấu với xứ Wales và nhiều khả năng sẽ lại tái hiện ở trận chung kết Euro 2016.
Bởi cách đây chừng 8 năm, ở trận chung kết Champions League giữa MU và Chelsea, Ronaldo cũng đã thực hiện một cú đánh đầu phi thường làm tung lưới thủ môn Cech, sau đó ‘Quỷ đỏ’ lên ngôi, dù ở loạt ‘đấu súng’ CR7 không hoàn thành nhiệm vụ.
Lịch sử có thể sẽ lặp lại vào rạng sáng mai, nhất là khi ĐT Pháp cũng đã bị dính đòn từ một quả đánh đầu của Bjarnason ở trận tứ kết với Iceland.
Vì vậy, nếu không chú ý tới cái đầu của Ronaldo và những toan tính thực dụng kiểu Mourinho, rất có thể đội chủ nhà Pháp sẽ phải trả giá như chính Bồ Đào Nha đã gặp phải ở chung kết Euro 2004, giải đấu mà Ronaldo cũng là chủ nhà nhưng rồi nước mắt tuôn rơi vì quả đánh đầu của Charisteas bên phía ĐT Hy Lạp.
>>Dự đoán chung kết Euro 2016 trúng thưởng lớn tại đây
Bình luận