Nỗi lo “bà hỏa” khi báo cháy không kêu
Chung cư Sunrise City South thường được nhiều người ví von là khu chung cư “nhà giàu” của TP.HCM bởi nhiều cư dân thành đạt, giàu có hiện đang sinh sống ở đây. Nhiều căn chung cư ở đây có giá lên đến vài chục tỷ đồng. Thế nhưng, hệ thống PCCC tại chung cư này đang khiến nhiều người dân bất an.
Mới đây, Ban quản trị chung cư này vừa ra mắt cư dân. Tuy nhiên, trong ngày ra mắt ban quản trị, nhiều cư dân đã thể hiện sự bức xúc với cách thức vận hành của đơn vị quản lý chung cư là CBRE Việt Nam.
Chị M., ngụ tại chung cư Sunrise City South cho biết, vào tháng 5/2023, căn hộ của gia đình bị cháy. Tuy nhiên, đầu báo cháy trung tâm của ban quản lý không nhận được tín hiệu báo cháy, không phát tín hiệu đến Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Sau đó, hàng xóm của chị M. phải gọi điện thoại để báo cháy đến ban quản lý tòa nhà. 35 phút sau, cảnh sát PCCC mới nhận được tin báo cháy từ người dân và đến hiện trường.
“Không chỉ đầu báo cháy không hoạt động mà đèn khẩn cấp cũng không thể sử dụng khi có hỏa hoạn. Rất may mắn là không có tình trạng dẫm đạp do hoảng loạn gây ra”, chị M. nói.
Chị T., ngụ chung cư Sunrise City South chia sẻ, chị đã ở đây 9 năm và đây là lần đầu tiên chị phản ánh về tình trạng quản lý yếu kém của ban quản lý tòa nhà. Cụ thể, việc kiểm tra hệ thống PCCC trong tòa nhà chỉ diễn ra ở một số căn hộ và block nhất định, không có một cuộc kiểm tra toàn diện các căn hộ. Điều này gây nên sự bất an cho người dân, bởi chỉ cần một căn hộ kém an toàn là cả tòa nhà sẽ gặp nguy hiểm.
“Mới đây, điều hòa thang máy không hoạt động, trong khi thời tiết rất oi bức, nóng nực. Thế nhưng, suốt 3 tháng vẫn không có ai khắc phục sự cố dù cư dân đã nhiều lần gọi điện, than phiền về vấn đề này”, chị T. phản ánh.
Bà C, cư dân tại chung cư Sunrise City South cho hay, bà ở chung cư này đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên bà đến phản ánh tình trạng tại chung cư vì nhiều vấn đề “lộn xộn” xảy ra trong thời gian qua.
Bà C cho rằng, ban quản lý tại dự án Sunrise City South hiện nay không đạt chất lượng. Dù ban quản trị, cư dân đã phản ánh nhiều lần nhưng dịch vụ vận hành không hề được cải thiện. Chính vì dịch vụ kém chất lượng đã tạo nên bức xúc kéo dài cho cư dân.
Ông K, một cư dân ngụ tại Sunrise City South cho biết, cư dân, ban quản trị là người đi mua dịch vụ, còn CBRE Việt Nam là đơn vị bán dịch vụ. Tuy nhiên, chất lượng cung cấp dịch vụ đang không tốt. Do đó, cư dân yêu cầu CBRE cần rà soát lại quy trình quản lý chất lượng dịch vụ của mình đối với chung cư Sunrise City South.
“CBRE cũng cần xách định nguyên nhân của những vấn đề từ trước đến nay, xem nó sai ở đâu và cần cải tiến gì? Nếu CBRE không đáp ứng được nhu cầu, không chứng minh được quy trình của mình hiệu quả thì cư dân, ban quản trị phải tìm một đơn vị khác để thay thế", ông K nói.
Nhiều cư dân khác tại Sunrise City South cho biết, một số hoạt động thu chi của ban quản lý tòa nhà cũng có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch và có dấu hiệu chi sai mục đích.
Điển hình như chi phí vệ sinh kính mặt ngoài trong quý 1/2023 thể hiện là hơn 107 triệu đồng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, phần kính mặt ngoài của cư dân không được vệ sinh. Chi phí thay bóng đèn trong chung cư lên đến hơn 800 triệu đồng, thế nhưng cư dân cho rằng, số tiền thay bóng đèn không thể lớn như vậy.
CBRE và Ban quản trị nói gì?
Trước những bất an của cư dân, bà Đỗ Thị Thu Trầm - Quản lý dự án Sunrise City South của CBRE Việt Nam cho biết, mỗi năm, dự án đều xây dựng ngân sách "lau kính mặt ngoài". Đây như một khoản kinh phí dự trù để chi.
Tuy nhiên, số tiền dự trù để chi này được sử dụng để trang trí Tết cho cư dân nhưng báo cáo tài chính vẫn thể hiện là "chi phí vệ sinh kính mặt ngoài".
Việc giải thích của bà Trầm đã khiến cư dân có mặt phản ứng và không đồng ý với cách giải quyết này. Cư dân cho rằng, đây là số tiền chi sai mục đích. Chính vì vậy, CBRE sử dụng tiền vào mục đích nào phải ghi rõ mục đích đó. Việc sử dụng tiền phải có hợp đồng, hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng trưng ra khi cư dân và ban quản trị yêu cầu.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Ban quản trị chung cư Sunrise City South chia sẻ, ban quản trị sẽ làm việc lại với bộ phận kế toán về vấn đề thu chi trước đó theo thắc mắc của cư dân.
Ông Vũ Xuân Vinh, Trưởng Ban quản trị chung cư Sunrise City South cũng đồng tình việc phải kiểm kê lại giấy tờ, sổ sách trước đây để thông tin lại với cư dân cho chính xác.
Ban quản trị mới cũng xin lỗi cư dân vì quy chế tài chính, quy chế vận hành của ban quản trị cũ rất lỏng lẻo. Chính vì vậy, ban quản trị mới đã làm lại các quy chế về tài chính, quy chế vận hành. Trong đó, các quy định về đấu thầu rất là cụ thể, chặt chẽ.
Điển hình như công tác PCCC, khi mở thầu các gói PCCC, ban quản trị sẽ công bố rộng rãi đến các bên như ban quản lý của CBRE, cư dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực PCCC và toàn thể cư dân. Những cư dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực PCCC đã tham gia lập hội đồng thầu, lập biên bản họp hội đồng chấm thầu.
Dù được ông Vinh trấn an, nhưng người dân vẫn rất "thấp thỏm" vì quỹ bảo trì của chung cư Sunrise City South đang còn khoảng 140 tỷ đồng. Nếu việc thu chi không minh bạch, mở thầu, đấu thầu không rõ ràng thì tiền quỹ bảo trì "khổng lồ" sẽ bốc hơi nhanh chóng. Trong khi đó, cư dân lại không nhận được những tiện ích mà đáng ra họ phải được thừa hưởng.
Cũng theo các cư dân, dù đã đến cuối tháng 11/2023 nhưng Ban quản lý, Ban quản trị chung cư vẫn chưa mời kiểm toán vào để quyết toán, kiểm tra các số liệu tài chính năm 2022. Điều này khiến cư dân cảm thấy bất an về sự minh bạch trong thu chi của Ban quản lý, Ban quản trị.
Ông Nguyễn Duy Thành, chuyên gia bất động sản tại TP.HCM nhận định, những thắc của cư dân là hoàn toàn hợp lý. Về nguyên tắc thu chi, Ban quản lý, Ban quản trị chung cư phải có trách nhiệm thông tin rõ ràng đến cư dân. Việc chi tiền lau kính mặt ngoài nhưng không thực hiện lau kính là sai, Ban quản lý không được “lấp liếm” sự việc này.
Ông Thành cho biết, theo Điều 68, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có thể bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng nếu không báo cáo công khai về công tác quản lý vận hành nhà chung cư với Ban quản trị nhà chung cư theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Ban quản lý cũng có thể bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng nếu không báo cáo tình hình quản lý vận hành tại hội nghị nhà chung cư; không lấy ý kiến góp ý của người sử dụng về việc cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định.
Bên cạnh đó, theo Điều 69, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, Ban quản trị chung cư cũng có thể bị phạt từ 100 – 120 triệu đồng nếu quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định; thực hiện sai quy chế hoạt động hoặc quy chế thu chi tài chính đã được hội nghị nhà chung cư thông qua.
“Ban quản trị chung cư cũng có thể bị phạt từ 100 – 120 triệu đồng nếu không thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi từ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định. Không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập kế hoạch bảo trì hằng năm không đầy đủ nội dung theo quy định”, ông Thành nói.
Bình luận