Ngày 23/3 có lẽ là một ngày đáng quên với Lionel Messi - mặc dù anh chính là người đã ghi bàn thắng quyết định trận đấu từ chấm 11m. Về chuyên môn, Messi thắng nhưng về đạo đức, anh mất điểm nghiêm trọng.
Tổ trọng tài trong trận đấu giữa Argentina và Chile đã mắc nhiều sai lầm. Họ bỏ qua những lỗi của các cầu thủ Chile với Messi và điều này khiến cầu thủ của Barcelona phiền lòng. Tuy nhiên, phản ứng đến mức xô xát với trọng tài biên và gọi ông là “đồ con ho***” hay chửi thề “mẹ k***” là điều không thể chấp nhận được.
Thậm chí, Messi còn thể hiện sự vô văn hóa của mình với việc to tiếng với trọng tài Dewson Silva trong đường hầm. Theo Mirror, ngôi sao 29 tuổi còn sử dụng những từ ngữ mang tính “chợ búa” như: “Biến đi”, “Cút ngay ra khỏi đây” với vị trọng tài này.
Thậm chí, khi trận đấu kết thúc, Messi còn không thèm nhìn mặt trọng tài của trận đấu khi ông đến bắt tay các cầu thủ Argentina ở vòng tròn giữa sân.
Đó là cách cư xử của một người đội trưởng? Không. Rõ ràng là không thể. Trước đó, Lionel Messi cũng từng thể hiện mình không xứng đáng với tấm băng đội trưởng của Albiceleste.
Trận chung kết Copa America 2015 với Chile thực sự là một nỗi thất vọng với Messi và các đồng đội khi họ để thua trên chấm 11m. Sau trận đấu, Lionel Messi là người bị chỉ trích nhiều nhất.
Video: Bolivia 2-0 Argentina
“Đội tuyển Argentina đã không đạt được kết quả như ý trong trận chung kết có nguyên nhân chủ yếu là do đội trưởng Messi khi anh ta đã hầu như chỉ dành thời gian để “đi lang thang” trên sân trong trận đấu quan trọng đó.”- báo chí Argentina gay gắt.
Thậm chí, tấm băng đội trưởng của Messi đã bị đe dọa sau trận đấu này. Bất chấp những gì thể hiện tại Barcelona, khi về thi đấu cho đội tuyển quốc gia, dường như Messi đánh mất nhiệt huyết của mình.
Sau đó Messi đã hờn dỗi và tuyên bố chia tay đội tuyển quốc gia ở tuổi 29 sau 3 trận chung kết thất bại. Tuy nhiên, đất nước Argentina dường như muốn dỗ dành nhiều hơn là chỉ trích. Cả một làn sóng mong anh rút lại quyết định của mình.
Chính quyền Buenos Aires hoàn tất bức tượng Messi bên bờ sông Rio de la Plata trong vòng 24 giờ và trong cuộc bầu chọn do Goal tổ chức để chọn danh thủ xuất sắc nhất Argentina, Messi nhận về 81% phiếu bầu, bỏ xa Maradona bất chấp mục đích cuộc chơi nhằm kỷ niệm 30 năm ngày “Cậu bé vàng” vô địch thế giới (World Cup 1986).
Khi mà “khổ nhục kế” đã thành công, Messi đường hoàng trở lại đội tuyển quốc gia như chưa hề có tuyên bố từ giã.
Đó tiếp tục là hành động của một người đội trưởng? Thay vì nhận trách nhiệm từ thất bại, Messi lại hờn dỗi truyền thông? Né tránh mọi sự chỉ trích? Và lại trở lại đội tuyển sau khi đã được dỗ dành.
Nhìn sang người đồng đội Neymar - người sắm vai thủ lĩnh dẫn dắt đội Olympic Brazil đến chiến thắng lịch sử - tấm huy chương vàng Thế vận hội đầu tiên của bóng đá Samba. Sau giải đấu, anh trả lại tấm băng đội trưởng và ra đi trong vinh quang.
Còn Messi thì sao? Anh chọn giải pháp chia tay sau thất bại. Và trở lại khi đã nhận đủ mọi sự dỗ dành và tránh được tất cả búa rìu của dư luận. Về tuổi đời, Messi hơn Neymar nhưng về trách nhiệm, có lẽ anh phải học tập người đồng đội của mình rất nhiều.
Video: Messi đá hỏng 11m khiến Argentina mất Copa America 2015
So sánh với kình địch Cristiano Ronaldo, thậm chí, Messi còn thua kém hơn. Ronaldo còn là ngôi sao duy nhất của tuyển Bồ Đào Nha tại Euro 2016. Anh cố gắng nén đau thi đấu và chỉ rời sân khi đã thực sự gục ngã trong trận chung kết.
Với cái chân băng trắng, Ronaldo trở lại bên đường pitch và truyền lửa cho các đồng đội trong sân. Và phép lạ đã đến, Bồ Đào Nha chiến thắng trong thế trận bị ép sân. Ronaldo có danh hiệu lớn trong năm 2016 còn Messi thì không, anh sút trượt của Penalty và Argentina mất Copa America.
Thế đấy, Messi của Barcelona và Messi của Argentina gần như trái ngược nhau. Điều khác biệt đến từ chính sự nhiệt huyết và trách nhiệm với màu áo đội tuyển quốc gia. Và nếu như không đủ sức gánh vác trọng trách của dân tộc, tấm băng đội trưởng của Messi chẳng còn vừa với tay của anh nữa rồi.
Bình luận