• Zalo

Chưa thể cấp 9000 tỷ VNĐ ‘hỗ trợ’ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Thời sựThứ Ba, 17/12/2019 19:36:00 +07:00Google News

Do nằm ngoài thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thể phê duyệt việc phân bổ 9.015 tỷ VNĐ cho kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho VDB.

Chiều ngày 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

bo truong bo ke hoach dau tu nguyen chi dung ok

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương, tổng số kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 Quốc hội quyết định là 60.000 tỷ đồng.

Đến nay, Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương, đạt 78,85% kế hoạch. Trong đó một số bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn nước ngoài cao như Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bình Định.

Tuy nhiên, cũng có một số bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp như Bộ Y tế , Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình…

Việc giải ngân vốn chậm do nguyên nhân chủ yếu là, có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa thủ tục trong nước và nhà tài trợ. Đồng thời, việc giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.

cn ub tai chinh ngan sach nguyen duc hai ok 3

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra.

Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cho đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VDB giai đoạn 2019-2021”.

Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ không cấp vốn điều lệ cho VDB, nhưng phải bố trí để thanh toán phần ngân sách nhà nước còn bố trí thiếu cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB đến ngày 31/12/2018.

Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án cơ cấu lại VDB, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phân bổ 9.015 tỷ đồng, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho VDB. Từ đó, làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thanh toán phần ngân sách nhà nước còn bố trí thiếu, cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, Chính phủ đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài là cần thiết và đúng quy định.

Tuy nhiên, việc giao kế hoạch chậm, việc Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn nước ngoài là quá chậm, vượt quá thời hạn điều chỉnh dự toán hàng năm (trước 15/11) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết được Quốc hội quyết định và gây lãng phí nguồn lực.

Do đó, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, để chấn chỉnh và thúc đẩy tiến độ giải ngân, tránh gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các Bộ, địa phương có liên quan trong việc chậm trễ phân bổ vốn đầu tư công.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm việc phân, giao, điều chỉnh chậm sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính và Ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện chính sách các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo đa số.

Đối với nội dung giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, do không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,do đó đề nghị Chính phủ rà soát lại chính xác các số liệu chi, bổ sung dự toán để trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Phong Vũ
Bình luận
vtcnews.vn