Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 13h ngày 9/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 780km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông từ gần sáng và ngày mai (10/11) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Đến 13h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cảnh báo cấp 3.
Trả lời báo chí về tình hình thời tiết trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ (Nghệ An - Phú Yên) giảm còn khoảng 20-50 mm.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đêm nay và sáng mai (10/11) tiếp tục đi sâu vào Biển Đông. “Mô hình dự báo của Mỹ và Nhật Bản đều cho thấy áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên khi đi vào quần đảo Hoàng Sa, rồi lệch dần về phía bắc, không ảnh hưởng tới đất liền”, ông Cường chia sẻ.
Lý giải cho việc này, ông Cường cho biết ngày 14-15/11, không khí lạnh tăng cường từ phía bắc xuống, tác động khiến bão suy yếu, gây gió mạnh.
Bên cạnh đó, kịch bản xấu nhất được ông Cường đưa ra là bão đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, gây mưa lớn. Hiện là thời điểm cuối mùa và kết hợp với không khí lạnh, hoạt động của bão có thể rất phức tạp như cơn bão số 12 hoặc suy yếu khi vào giữa Biển Đông, bẻ ngoặt lên phía bắc.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cũng lo ngại với kịch bản này và cảnh báo người dân chuẩn bị phòng chống kịp thời.
Video: Sau bão, biển Quy Nhơn hứng chịu hơn 800 tấn rác
Bình luận